Hiệu quả mô hình nuôi thỏ

Hiện nay, gia đình anh Cầm Văn Tuấn, bản Mỏ, xã Tân Lang (Phù Yên) có 120 con thỏ giống, hằng năm bán ra thị trường hàng nghìn con thỏ thương phẩm và thỏ giống, thu nhập 120 triệu đồng.

Anh Cầm Văn Tuấn, bản Mỏ, xã Tân Lang (Phù Yên) chăm sóc đàn thỏ của gia đình.

             

Trò chuyện với anh Cầm Văn Tuấn được biết, thông qua internet, anh đã tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế ở một số địa phương, trong đó thấy mô hình nuôi thỏ phù hợp với gia đình. Vì vậy, năm 2014, anh đi tham quan thực tế mô hình nuôi thỏ ở tỉnh Yên Bái và mua 7 con thỏ giống (giống thỏ New Zealand) về nuôi. Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm nên thỏ bị bệnh và chết. Không nản, anh tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm, kiến thức chăn nuôi và tăng dần số lượng thỏ mẹ. Đến năm 2018, gia đình anh được doanh nghiệp Quang Thanh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm thỏ thịt. Hiên, trung bình mỗi năm gia đình anh xuất bán 700 kg thỏ thương phẩm, với giá 100.000 đồng/kg, thu 70 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn xuất bán hàng nghìn con thỏ giống, với giá 160.000 đồng/đôi, trừ chi phí mỗi năm thu hơn 120 triệu đồng. Hiện, gia đình anh Tuấn đang duy trì nuôi 120 con thỏ mẹ, cứ một con thỏ mẹ đẻ 7-8 lứa/năm, mỗi lứa 6-7 con, nuôi 3 tháng thỏ sẽ đạt trọng lượng 2-2,3 kg/con và có thể xuất bán.

             

Chia sẻ việc nuôi thỏ, anh Tuấn cho biết: Chuồng nuôi thỏ cần được vệ sinh sạch sẽ, giữ ấm vào mùa đông. Thỏ con sau sinh 30 ngày sẽ tách mẹ, đó là thời điểm thỏ con dễ mắc bệnh đường ruột, nên cần chú ý đảm bảo thức ăn sạch sẽ, liều lượng vừa đủ. Thỏ là động vật ăn tạp, với các loại lá như cỏ, lá chuối, lá sắn chiếm 70%, còn lại cho ăn thêm cám công nghiệp.

             

Anh Tuấn đã đầu tư làm 160 lồng bằng kim loại kẽm để nuôi thỏ mẹ và thỏ thịt; làm máng chứa thức ăn, hệ thống ống dẫn nước tự động đến từng chuồng để thỏ uống nước. Chuồng đặt cách nền xi măng 60 cm, phần nền chuồng có độ nghiêng để thuận lợi cho việc rửa trôi chất thải xuống hầm biogas, đảm bảo không ô nhiễm môi trường và tận dụng khí đốt sinh ra từ hầm biogas, phục vụ đun nấu, mỗi năm gia đình anh tiết kiệm được từ 3-4 triệu đồng mua chất đốt.

             

Không phải lo đầu ra của sản phẩm đã giúp gia đình anh Tuấn yên tâm phát triển chăn nuôi. Mô hình kinh tế của gia đình anh Cầm Văn Tuấn đang được bà con trên địa bàn đến học hỏi kinh nghiệm và làm theo.

Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới