Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Yên, vụ đông năm 2020, toàn huyện gieo trồng trên 310 ha rau màu các loại, trong đó 141 ha ngô, 98 ha rau lấy lá, 50 ha hành tỏi, trên 17 ha khoai và 2 ha dưa chuột… chủ yếu ở các xã vùng trọng điểm lúa. Hiện còn khoảng 40% số rau màu vẫn “nằm trên ruộng”, không bán được vì giá giảm thấp.
Mặc dù đã đến khung thời vụ gieo cấy lúa chiêm nhưng rau vụ đông trên ruộng bản Búc, xã Quang Huy (Phù Yên) vẫn còn khá nhiều.
Tại một số chợ khu vực các xí nghiệp giầy da, Công ty May trên địa bàn huyện, các loại rau ngắn ngày tràn ngập trên các sạp hàng, với giá bán rất rẻ, nhiều nhất là các loại rau xà lách, rau gia vị như hành lá, rau mùi, bình thường 10.000 đồng/xâu, nay chỉ còn 5.000 đồng; cải bắp, súp lơ, su hào, bí xanh cũng có giá giảm thấp hơn nhiều so với trước. Chị Đào Thu Hiền, công nhân Xí nghiệp, nói: Giá rau giảm theo từng ngày. Hiện nay, tại một số chợ, nhiều người đang bán rau theo kiểu “bán tống bán tháo”, vì không bán nhanh, rau già, héo không ai mua.
Đi dọc những cánh đồng rau của xã Quang Huy, những ruộng rau su hào, bắp cải đã đến kỳ thu hoạch mà không được cắt bán; một số ruộng rau quá lứa đã chuyển sang úa vàng. Bà Đinh Thị Hạnh, bản Búc, xã Quang Huy, chia sẻ: Nếu những năm trước, đến ngày 30 Tết là gia đình tôi đã bán hết vườn su hào rộng hơn 1.100 m², nhưng năm nay đã ra Giêng mà rau vẫn còn rất nhiều. Giá bán tại vườn chỉ từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, còn bán lẻ tại chợ thì được 7.000 đồng/kg, dù rẻ nhưng sức mua cũng rất hạn chế. Mọi năm, thửa ruộng này gia đình thu gần 15 triệu đồng, năm nay chỉ mới bán được gần 5 triệu đồng.
Cùng chung cảnh ngộ, nông dân các xã Huy Bắc, Tường Phù, Gia Phù cũng bán bắp cải với giá bán lẻ 5.000 đồng/cây, tỏi tươi 20.000 đồng/kg, hành củ 15.000 đồng/kg, rẻ hơn thời điểm trước Tết 50%, vậy mà vẫn ít người mua, nhiều gia đình chở rau ra chợ thực phẩm bán rồi lại phải mang rau về.
Tìm hiểu được biết, nguyên nhân giá rau, củ, quả giảm mạnh trong thời điểm này là bởi vụ đông xuân là vụ rau chính của toàn huyện, nên diện tích gieo trồng khá lớn. Hơn nữa, thời tiết nắng ấm khiến rau sinh trưởng và phát triển nhanh, đặc biệt là các loại rau ăn lá có thời gian sinh trưởng ngắn từ 20 - 30 ngày/lứa, cùng một lúc, một lượng lớn rau được đưa ra thị trường trong khi nhu cầu tiêu thụ không tăng, dẫn tới giá rau giảm mạnh.
Các sạp hàng rau tại thị trấn Phù Yên vắng người mua.
Giá các loại rau củ quả hữu cơ và rau an toàn cũng giảm khoảng 20-30% so với trước. Ông Phạm Văn Ba, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc, cho biết: HTX có trên 4,8 ha rau, củ trồng theo mùa, như: Bí xanh, bí đỏ, cà chua, cà tím, mồng tơi, rau bí, các sản phẩm này đều được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, đảm bảo chất lượng cung cấp cho thị trường trong tỉnh, trong huyện, các chợ đầu mối ở Hà Nội và chuỗi siêu thị Bác Tôm, Big Green, Happymart, Vinmart... Tính từ đầu vụ đến nay, HTX đã xuất hơn 20 tấn rau, củ các loại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 các bếp ăn bán trú, bếp ăn tập thể tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch bệnh, nên sản lượng tiêu thụ giảm so với bình thường.
Thêm một lần nữa, câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa” lại đang khiến người nông dân trồng rau màu gặp khó trong sản xuất. Thiết nghĩ, các ngành chức năng, các địa phương cần có giải pháp hướng dẫn nông dân sản xuất hợp lý, tăng cường xây dựng các chuỗi tiêu thụ sản phẩm, cung cấp thông tin thị trường, giúp người dân yên tâm sản xuất.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!