Với nhiều nỗ lực trong thực hiện chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên đã làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; xây dựng, nhân rộng các mô hình khuyến nông; xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp..., góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên hướng dẫn nông dân xã Quang Huy kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả.
Ông Nguyễn Bá Tú, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, chia sẻ: Trung tâm đã tăng cường mở các lớp tập huấn cho nông dân. Nội dung chủ yếu là chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, lựa chọn xây dựng mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt điểm để người dân học tập, trao đổi kinh nghiệm. Hiện, đã có nhiều mô hình cho thu nhập từ 100 -300 triệu đồng/năm, thậm chí có hộ thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm như mô hình trồng tỏi ở xã Gia Phù, Tường Thượng, Tường Phù; nuôi dúi ở xã Huy Bắc; trồng cây ăn quả ở xã Mường Thải, Mường Cơi...
Trong hoạt động, Trung tâm luôn chủ động xây dựng kế hoạch triển khai từ đầu năm, như: Chỉ đạo sản xuất gieo cấy lúa đúng khung thời vụ; kế hoạch tiêm vắc xin và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; mở các lớp tập huấn, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt theo các chương trình, dự án và nhu cầu tự nguyện của người dân. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tổ chức 12 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi với sự tham gia của gần 700 lượt người. Phối hợp xây dựng 6 mô hình trình diễn phân bón hữu cơ vi sinh, sinh học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học trên các giống lúa thuần tại các xã: Huy Thượng, Huy Tân, Huy Hạ, Tường Phù, Gia Phù, Mường Thải... Tuyên truyền, vận động nhân dân thâm canh, tăng vụ, sử dụng giống cây trồng mới có chất lượng cao, kháng sâu bệnh tốt hơn giống đại trà vào sản xuất. Khảo sát, xây dựng phương án phát triển vùng nguyên liệu cho Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.
Chia sẻ với chúng tôi về việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, ông Đỗ Ngọc Thuần, bản Kim Tân, xã Huy Bắc, cho biết: Trước đây gia đình nuôi lợn, tuy nhiên từ năm 2017 đến nay, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, gia đình chuyển sang nuôi dúi. Quá trình nuôi luôn được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xuống hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh. Hiện nay, gia đình nuôi hơn 1.000 con dúi thịt, thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm.
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Hiển, bản Mo Nghè 3, xã Quang Huy có 1 ha đất chủ yếu là trồng xoài giống địa phương và cây keo hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi học hỏi, tìm tòi các mô hình kinh tế và tư vấn của cán bộ Trung tâm, năm 2012, chuyển sang trồng bưởi diễn, da xanh. Cùng với phát triển cây ăn quả, gia đình ông còn chăn nuôi 18 con trâu, bò thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Ông Hiển chia sẻ: Có kết quả như ngày hôm nay là nhờ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện về tận xã mở lớp tập huấn, giúp chúng tôi tiếp cận khoa học, kỹ thuật; lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình, khai thác tiềm năng của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Từ đầu năm nay, Trung tâm còn tổ chức điều tra, dự báo sinh vật hại cây trồng trên 28 kỳ. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã, các tổ chức nhân rộng và duy trì “Dự án hỗ trợ chăn nuôi gà thả vườn liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Mường Cơi”; sản xuất lúa hữu cơ Quang Huy, Huy Tân. Đặc biệt là từ tháng 3, Trung tâm đã tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò tại các xã Mường Cơi, Mường Bang, Huy Thượng, Bắc Phong, Đá Đỏ. Hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, phát hiện nhanh dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tiêu hủy 48 con bò, cấp 1.000 lít hóa chất, phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi tại các xã có dịch...
Phát huy những kết quả đạt được, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên tiếp tục đổi mới phương pháp, nội dung các lớp tập huấn; duy trì và nhân rộng chuỗi liên kết sản xuất lúa hữu cơ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; tư vấn, hướng dẫn bà con chuyển đổi diện tích đất trồng các loại cây năng suất thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập trên diện tích đất canh tác.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!