Những năm qua, Hội LHPN xã Tường Phù, huyện Phù Yên đã hỗ trợ hội viên ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Phụ nữ bản Đông, xã Tường Phù (Phù Yên) chăm sóc diện tích mía
Trước đây, chi phí sinh hoạt của gia đình chị Lò Thị Tiến, Chi hội Phụ nữ bản Đông (Tường Phù) chỉ trông vào 6.000 m² trồng mía, 700 m² ruộng lúa 2 vụ và số tiền ít ỏi đi làm thuê hằng ngày. Để giúp gia đình chị Tiến thoát nghèo, Hội LHPN xã, Chi hội Phụ nữ bản Đông đã động viên chị tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Năm 2018, tạo điều kiện cho gia đình chị vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng tiết kiệm tự nguyện của Chi hội để đầu tư phát triển sản xuất. Có kỹ thuật, có vốn, chị Tiến mua 4 con bò để chăn nuôi và đầu tư phân bón thâm canh nâng cao năng suất vườn mía. Từ đó, gia đình chị thu được hơn 100 triệu đồng, đã thoát được nghèo và ổn định cuộc sống.
Theo chị Bạc Thị Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Đông, cho biết: Chi hội hiện có 157 hội viên. Ngoài trường hợp gia đình chị Lò Thị Tiến, còn nhiều hội viên lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả, từng bước thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống khá giả. Điển hình như: Mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau của hội viên Hoàng Thị Siên, Lò Thị Tỉnh, Đinh Thị Thơ, Lò Thị Chuấn... có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Chi hội hiện chỉ còn 4 gia đình hội viên nghèo.
Thực hiện phương châm "Cho cần câu chứ không cho con cá", Hội LHPN xã Tường Phù chỉ đạo chi hội phụ nữ các bản rà soát, nắm bắt đời sống hội viên, qua đó xây dựng kế hoạch giúp đỡ hội viên nghèo phù hợp với điều kiện cụ thể của gia đình. Vận động chị em chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; tạo điều kiện cho hội viên được vay nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất.
Hội viên phụ nữ bản Bùa Chung 2, xã Tường Phù (Phù Yên) phát triển chăn nuôi gia súc
Năm 2019, Hội LHPN xã đã vận động hội viên liên kết thành lập HTX sản xuất kinh doanh tỏi Phù Yên, gồm 8 thành viên. Để xây dựng thương hiệu sản phẩm, Hội phối hợp với cơ quan chuyên môn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn, tư vấn xây dựng nhãn mác. Nhờ vậy, sản phẩm tỏi khô, tỏi đen của HTX được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh đánh giá đạt 3 sao. Từ khi thành lập đến nay, HTX đã xuất bán 500 kg tỏi 1 nhánh; hơn 19 tấn tỏi nhánh và 200 kg tỏi đen. Thu nhập của thành viên đạt từ 35-50 triệu đồng/vụ. Hiện nay, HTX đã ký kết với 5 doanh nghiệp ở Hà Nội, Sài Gòn để tiêu thụ sản phẩm tỏi cho các thành viên, phấn đấu năm 2021, sản phẩm tỏi của HTX sẽ đạt chuẩn 4 sao.
Trao đổi với chúng tôi về việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, chị Lò Thị Hợp, Chủ tịch Hội LHPN xã Tường Phù, thông tin: Hội LHPN xã có hơn 1.000 hội viên, sinh hoạt tại 7 chi hội. Thực hiện hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, Hội đã nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 8,4 tỷ đồng cho hội viên vay phát triển kinh tế; duy trì hiệu quả chương trình vốn tín dụng tiết kiệm tự nguyện tại các chi hội, với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ của tổ chức Hội, nhiều hội viên đã thoát nghèo có cuộc sống khá giả, thu nhập bình quân đạt 36,5 triệu đồng/người/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã xuống hiện còn 3,9%.
Thời gian tới, Hội LHPN xã Tường Phù rất mong nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan chuyên môn trong việc chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình kinh tế điểm và tổ chức đào tạo nghề cho hội viên, từ đó giúp chị em tự tin, năng động phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, góp phần hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!