Những năm qua, việc tổ chức nấu ăn bán trú tại các trường học ở huyện Phù Yên đã được quan tâm thực hiện tốt, góp phần đảm bảo sức khỏe học sinh, duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhân viên nhà bếp Trường Tiểu học thị trấn Phù Yên (Phù Yên) chuẩn bị bữa ăn cho học sinh bán trú.
Huyện Phù Yên hiện có 42 trường học thuộc 3 bậc học mầm non, tiểu học, THCS, thực hiện nấu ăn bán trú, với 9.249 học sinh ăn bán trú. Trong đó, 25 trường thuộc diện thực hiện chính sách theo Nghị quyết 41/2017 của HĐND tỉnh, 12 trường thực hiện theo nhu cầu của hội phụ huynh, 5 trường hội phụ huynh đưa cơm, với tổng số trên 160 phòng ở bán trú, 50 nhà bếp. Cùng với quan tâm đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng dạy học, hằng năm Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường thực hiện tốt công tác nấu ăn bán trú cho học sinh, đặc biệt quan tâm công tác bán trú tại các trường vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Chúng tôi đến Trường tiểu học và THCS Suối Bau. Năm học này, Trường có 364 học sinh trong chế độ bán trú từ thứ 2 đến thứ sáu với bậc tiểu học và thêm bữa trưa thứ bảy hàng tuần với bậc THCS. Nhà trường đã tổ chức nấu ăn đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm; phân công giáo viên trực, đảm bảo an ninh, trật tự khu bán trú...
Em Mùa A Di, học sinh lớp 9B, cho biết: Nhà em ở bản Suối Thịnh, cách trường gần 10km, nên em được ăn, ở bán trú tại trường. Mỗi bữa ăn, chúng em đều được các cô, chú nhân viên nhà bếp đổi món ăn như trứng, thịt gà, cá, thịt lợn, đậu phụ... đảm bảo dinh dưỡng để học tập. Ngoài giờ lên lớp, em còn được các thầy, cô giáo hướng dẫn phương pháp tự học trong thời gian học buổi tối; tham gia các hoạt động ngoại khóa trồng rau để bổ sung vào các bữa ăn hàng ngày và giúp chúng em có thêm kiến thức trên các lĩnh vực của cuộc sống...
Đến thăm Trường tiểu học thị trấn Phù Yên vào ngày đầu tuần. Cô giáo Nguyễn Thị Thương, Hiệu trưởng nhà trường vừa dẫn chúng tôi thăm khu bếp ăn, vừa chia sẻ: Trường hiện có hơn 400 học sinh ăn bán trú. Nhà trường đã xây dựng nhà ăn, hợp đồng với 4 nhân viên nhà bếp, đầu tư trang thiết bị nấu ăn, tủ lưu mẫu; thực hiện đổi thực đơn bữa ăn hằng ngày. Ngoài ra, Ban Đại diện hội phụ huynh nhà trường đã phân công người phụ trách, giám sát công tác nấu ăn bán trú, lưu mẫu thức ăn, kiểm tra thực phẩm hằng ngày để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ thực hiện nấu ăn bán trú, sức khỏe học sinh được đảm bảo, các em học tập tốt hơn, phụ huynh tin tưởng, yên tâm.
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên, việc tổ chức nấu ăn bán trú đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các nhà trường. Các trường học đã xây dựng nội quy chặt chẽ, phân công nhiệm vụ cho các giáo viên và nhân viên trực tiếp quản lý học sinh bán trú các buổi trong ngày, công khai minh bạch về tài chính...
Một số nhà trường còn tổ chức cho học sinh tham gia tăng gia sản xuất, làm vườn rau sạch, chăn nuôi gia cầm để bổ sung thêm vào bữa ăn hàng ngày cho học sinh. Trong 2 năm (2019 và 2020), từ nguồn ngân sách Nhà nước và từ nguồn giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ nấu ăn, sửa chữa nhà ăn cho trường Tiểu học - THCS Suối Tọ, Suối Bau, Kim Bon, Nam Phong, Mường Do, Mường Lang, tổng giá trị trên 7 tỷ đồng.
Bà Lường Thị Thắm, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên, cho biết: Thời gian tới, Phòng tiếp tục chỉ đạo các trường có học sinh bán trú nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh; tăng cường tập huấn cho nhân viên nấu ăn bán trú; kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự trong nhà trường; kêu gọi các nguồn kinh phí đầu tư thêm cơ sở vật chất, phục vụ tốt công tác bán trú cho học sinh trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!