CCB Phù Yên với phong trào phát triển kinh tế

Những năm qua, các cấp hội cựu chiến binh huyện Phù Yên đã triển khai thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần giúp hội viên vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.       

 

Mô hình nuôi cá lồng của hội viên CCB xã Mường Thải (Phù Yên).

 

Hội CCB huyện Phù Yên hiện có hơn 5.400 hội viên, sinh hoạt ở 202 chi hội. Hằng năm, Hội CCB huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức cho cán bộ hội viên đi tham quan học hỏi kinh nghiệm các mô hình kinh tế ở các địa phương khác, như mô hình nuôi cá lồng, nuôi thỏ, trồng cây ăn quả, trồng và chăm sóc bảo vệ rừng... Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tạo điều kiện cho các hội viên được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế, Hội đã nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho gần 3.400 hộ vay vốn với tổng dư nợ hơn 106 tỷ đồng để đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ, chuyển đổi ngành nghề. Cùng với đó, các cơ sở hội còn xây dựng quỹ được hơn 3 tỷ đồng, cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay phát triển kinh tế gia đình.

 

Đến thăm mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng của CCB Đinh Văn Ửng, bản Vường, xã Tân Lang. Qua câu chuyện với ông, chúng tôi được biết, năm 1982, rời quân ngũ trở về địa phương tham gia phát triển kinh tế gia đình, nhưng do thiếu kinh nghiệm nên những năm đầu gặp không ít khó khăn. Năm 2006, ông đã chuyển 5 ha đất rừng nứa không hiệu quả để sang trồng cây keo. Sau 10 năm, diện tích keo cho thu hoạch, nhưng do điều kiện giao thông đi lại khó khăn, chi phí vận chuyển cao, giá bán tại thời điểm này rất thấp, nên 5 ha keo chỉ thu về hơn 100 triệu đồng. Sau đó, ông quyết định chuyển 5 ha keo sang trồng cây quế và đầu tư chăn nuôi, dự kiến 2 năm nữa, toàn bộ 5 ha quế sẽ cho thu hoạch, thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha. Đồng thời, gia đình đang duy trì nuôi 16 con trâu; hơn 20 con lợn thịt; năm vừa qua, gia đình ông xuất bán 10 con trâu, gần 2 tấn thịt lợn hơi, thu về trên 400 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi, trồng quế, gia đình ông còn trồng 2,5 ha táo, bưởi, xoài... đã bắt đầu cho quả.

 

Ông Đinh Công Hoan, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện, cho biết: Đến nay, Hội CCB huyện có 263 mô hình kinh tế do CCB làm chủ; trong đó, 157 mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn và gia cầm; 34 mô hình nuôi cá lồng; 43 mô hình trồng cây ăn quả có múi, trồng chăm sóc và tham gia bảo vệ rừng và 29 doanh nghiệp, HTX, kinh doanh dịch vụ. Từ các mô hình kinh tế này, các hội viên CCB đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, nhiều mô hình có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Nhờ phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế đã góp phần tăng tỷ lệ hộ khá, giàu trong toàn Hội lên 63%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn hơn 10%.

 

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, Hội CCB huyện còn phát động phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” cho hội viên CCB nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống. Từ năm 2019 đến nay, Hội đã huy động các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng với nguồn đóng góp của các hội viên được hơn 400 triệu đồng, xóa 9 nhà tạm, nhà dột nát cho hội viên.

 

Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, những CCB  huyện Phù Yên hôm nay đã và đang tiếp tục phấn đấu trở thành những tấm gương sáng trong lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng  giàu đẹp.

A Mua
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới