Trong chuyến công tác tại huyện Phù Yên, chúng tôi được ông Đinh Công Hoan, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện nhắc nhiều đến cán bộ, hội viên luôn phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu, những mô hình kinh tế điển hình do hội viên CCB làm chủ ngày càng đóng góp tích cực, hiệu quả cho địa phương.
Ông Cầm Văn Lân (người thứ ba từ phải sang) giới thiệu hệ thống máy sơ chế tinh bột sắn, bột dong của gia đình.
Mặc dù cuối năm bận khá nhiều công việc, nhưng ông Phó Chủ tịch Hội vẫn sắp xếp công việc, đưa chúng tôi về xã Mường Lang, địa phương có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của hội viên CCB. Điểm đến chính là gia đình CCB Cầm Văn Lân, ở bản Nguồn. Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà xây 2 tầng khang trang, ông Lân kể thời trai trẻ từng tham gia chiến đấu trên biên giới Việt Nam - Lào. Năm 1987, xuất ngũ về địa phương, khi đó xung quanh nhà toàn đầm lầy, cỏ dại mọc um tùm, ông cùng cả nhà bắt tay vào khai hoang, cải tạo đất để trồng đỗ tương, ngô... tiếp đó, vay vốn xây dựng lò sấy ngô. Lúc này, bởi còn ít lò sấy nên trung bình một năm nhà ông nhận sấy từ 600-700 tấn ngô, thu khoảng 200 triệu đồng. Đến năm 2018, ông đâu từ gần 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà xưởng chế biến tinh bột sắn, bột dong. Cơ sở sản xuất của nhà ông tạo việc làm cho 10 lao động địa phương, mức tiền công 9 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ vậy, gia đình ông còn trồng 1 ha cây ăn quả có múi; nuôi gia cầm, thủy cầm các loại... nâng tổng thu hàng năm lên gần 500 triệu đồng.
Rời Mường Lang, chúng tôi về xã Mường Cơi để gặp hội viên CCB Trịnh Công Thức, bản Tường Ban. Quê Thái Bình, nhưng ông Thức lại bén duyên với mảnh đất Phù Hoa. Năm 1992 rời quân ngũ, ông mở xưởng sơ chế sắn, dong và khai phá vùng đất khô cằn rộng 5 ha gây dựng trang trại nuôi hươu, lợn thịt, thả cá và trồng bưởi Diễn. Ông Thức chia sẻ: Có được mô hình kinh tế tổng hợp này, tôi cứ mạnh dạn vừa làm vừa rút kinh nghiệm thôi. Năm 2011, gia đình tôi tiếp quản Công ty Nông sản Phù Yên và đổi tên thành Công ty cổ phần Nông lâm sản và dịch vụ Phù Yên, chuyên thu mua ngô, sắn, chè của người dân trên địa bàn 3 xã Mường Cơi, Mường Thải, Tân Lang để sơ chế. Hằng năm, chế biến 800 tấn chè búp tươi, sản lượng 170 tấn chè khô, xuất bán với giá 26 nghìn đồng/kg chủ yếu ở thị trường các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên...; tổng thu nhập của gia đình tôi bình quân hơn 4,5 tỷ đồng/năm.
Ông Đinh Công Hoan cho chúng tôi biết thêm, Hội CCB huyện luôn đồng hành với hội viên trong phát triển kinh tế. Hội chỉ đạo các cơ sở hội trên địa bàn phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho hội viên vay vốn ưu đãi, hiện có 3.553 hộ hội viên vay hơn 104 tỷ đồng; xây dựng 234 mô hình kinh tế. Trong số này, 156 mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn; 44 mô hình nuôi cá lồng; 34 mô hình trồng cây ăn quả, trồng rừng và tham gia bảo vệ rừng; toàn huyện có 7 doanh nghiệp, 6 HTX do hội viên CCB làm chủ. Đời sống hội viên từng bước nâng lên, số hộ khá, giàu chiếm 63,2%; hộ nghèo giảm còn 15,3%...
Qua những câu chuyện vượt khó, tự tin làm kinh tế, làm giàu cho gia đình và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương của cán bộ, hội viên CCB huyện Phù Yên, thêm một lần khẳng định phẩm chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ luôn được phát huy, họ không chỉ anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà còn năng động, sáng tạo trong trận tuyến xây dựng cuộc sống mới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!