Hiện nay, bản Tường Han, xã Mường Do (Phù Yên) có trên 80% số hộ trồng cây chanh leo, với gần 60 ha đã cho thu hoạch, năng suất đạt từ 16-17 tấn/ha, sản lượng trung bình gần 1.000 tấn quả/năm. Cây trồng này đã góp phần nâng cao đời sống người dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12% (năm 2020); nhiều hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ trồng chanh leo.
Người dân bản Tường Han, xã Mường Do (Phù Yên) phân loại chanh leo trước khi xuất bán.
Bản Tường Han cách trung tâm xã Mường Do hơn 5 km (là bản được sáp nhập từ 3 bản: Han 1, Han 2 và Han 5 từ tháng 7 năm 2019), với 157 hộ dân, thuộc các dân tộc Mường, Thái, Kinh cùng chung sống. Trong chuyến công tác về bản Tường Han lần này, chúng tôi nhận thấy, dọc 2 bên tuyến đường trục bản là các vườn chanh leo, xung quanh được rào bằng lưới thép B40. Người dân đang thu hoạch quả, những chiếc xe tải đỗ sát vườn, thuận tiện cho việc vận chuyển.
Nói về quá trình trồng cây chanh leo ở bản, ông Đinh Văn Viện, Trưởng bản Tường Han, cho biết: Trước đây, trên 130 ha đất sản xuất nông nghiệp, bà con chủ yếu trồng các loại cây lương thực ngắn ngày, do năng suất cây trồng đạt thấp, nên đời sống còn nhiều khó khăn. Năm 2017, huyện đã phối hợp với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại và phương pháp thu hoạch quả cây chanh leo do cho người dân trong xã. Sau đó, các hộ đã đăng ký trồng với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, được hỗ trợ giống, phân bón theo hình thức trả chậm và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hiện, bản có trên 120 hộ dân trồng cây chanh leo, với gần 60 ha; có hộ thu nhập từ 150 - 300 triệu đồng/năm từ trồng chanh leo, như gia đình các ông: Lường Văn Lâm, Lường Văn Xứng, Đinh Văn Dân, Đinh Mạnh Hòa, bà Hà Thị Khuyên...
Dẫn chúng tôi đi thăm khu trồng chanh leo của các gia đình trong bản, anh Lường Văn Lâm (bản Tường Han) phấn khởi: Năm 2018, gia đình tôi trồng gần 2 ha chanh leo. Vừa làm, vừa học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm về phòng trừ sâu bệnh, nên cây sinh trưởng, phát triển tốt; tỷ lệ quả chanh loại I đạt từ 50-60%. Cũng trên diện tích đất này, trồng ngô thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm, nhưng trồng chanh leo, sản lượng đạt trên 30 tấn quả, bán với giá chanh xô từ 7-10 nghìn đồng/kg, chanh loại I giá từ 13 - 15 nghìn đồng/kg, thu hơn 350 triệu đồng/năm. Từ số tiền lãi hằng năm, gia đình tôi đã đầu tư mua một xe tải chở hàng để chủ động trong việc vận chuyển chanh leo của gia đình và của bà con trong bản, trong xã đi bán.
Theo người dân ở bản Tường Han, trồng cây chanh leo kỹ thuật không đòi hỏi quá cao, người trồng cần cắt tỉa lá thường xuyên, tạo độ thông thoáng, đủ ánh nắng cho giàn chanh leo, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo đã được tập huấn. Cây chanh leo lưu gốc trên 3 năm; sau 6 tháng trồng sẽ cho thu hoạch 9 tháng/năm (trừ 3 tháng mùa đông), năng suất từ 15-17 tấn/ha/năm, như vậy 1 ha trồng chanh leo có thu nhập từ 150-170 triệu đồng/năm. Quả chanh leo thường dùng để chế biến các loại thực phẩm, như: Nhân kẹo, nhân bánh, nước ép, siro chanh leo; lá cây chanh leo dùng làm trà và vỏ chế biến mứt vỏ sấy dẻo... Ngoài Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thời gian tới Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cũng sẽ ký hợp đồng hỗ trợ giống, phân bón để các hộ mở rộng diện tích trồng chanh leo và bao tiêu sản phẩm cho bà con trong bản, nhằm cung cấp nguyên liệu phục vụ Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La.
Sau hơn 4 năm bén rễ trên đồng đất ở bản Tường Han, cây chanh leo đã và đang đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Những nếp nhà sàn mới dựng, những ngôi nhà xây kiên cố khang trang trong bản là minh chứng cho sự phát triển kinh tế từ cây chanh leo ở vùng đất này.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!