"Trái vàng" trên đất Phù Hoa

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có dịp trở lại vùng đất Phù Yên. Trên những triền đồi hai bên đường về xã Mường Cơi, Mường Thải, Tân Lang, trải dài màu xanh của những vườn cam, quả sai trĩu, căng tròn, mang đến niềm tin về một vụ cam bội thu.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Yên

hướng dẫn nông dân xã Mường Cơi chăm sóc vườn cam.

Qua câu chuyện với những người dân được biết, cam không phải cây trồng bản địa của người dân vùng Mường, mà được người dân Hưng Yên lên Phù Yên khai hoang, lập nghiệp, xây dựng vùng kinh tế mới đưa về trồng. Cuộc sống khó khăn ở quê hương thứ hai, do trồng ngô, trồng sắn hiệu quả kinh tế thấp, khiến bà con luôn trăn trở về việc tìm cây trồng, vật nuôi phù hợp để thoát đói nghèo. Từ năm 2007, người dân một số khu vùng Mường đã trồng giống cam sành địa phương, nhưng thị trường tiêu thụ khó khăn. Thấy cây cam khá hợp đất, người dân ở xã Mường Thải lấy giống cam Đường Canh từ Hưng Yên về trồng thử nghiệm. Loại giống cam này phát triển khá tốt, nên các gia đình trong xã đã học hỏi nhau để nhân rộng diện tích theo tính chất tự phát. Và bây giờ, cây cam đã và đang trở thành cây trồng chủ lực của một số xã trên địa bàn huyện.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc của tỉnh, huyện Phù Yên xác định cây ăn quả có múi sẽ là cây trồng chủ lực, trong đó tập trung phát triển cây cam. Từ nguồn vốn của các Chương trình 135, 30a, nông thôn mới, Nghị quyết 76/2018/NQ-HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh, huyện đã hỗ trợ cây giống và phân bón cho các hộ dân có nhu cầu trồng cây ăn quả trên địa bàn 26 xã; hỗ trợ các HTX in nhãn mác, bao bì đóng gói sản phẩm cam. Hằng năm, các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, trong đó có đầu tư hệ thống tưới tự động tại vườn... Bên cạnh đó, huyện còn thu hút các doanh nghiệp, HTX và người dân đầu tư vốn, nhân lực mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng các loại cây ăn quả trên địa bàn huyện, quy hoạch phát triển thế mạnh các vùng trồng cam... Hiện, toàn huyện có 263 ha cam, tập trung chủ yếu ở 3 xã: Mường Thải, Mường Cơi và Tân Lang, với 2 loại cam Vinh và cam Đường Canh; năng suất bình quân đạt từ 15-20 tấn quả/ha, giá bán giao động từ 15.000-20.000 đồng/kg cam Vinh và 20.000-25.000 đồng/kg cam Đường Canh. Huyện còn tăng cường quảng bá, giới thiệu, trưng bày sản phẩm ở các Hội chợ thương mại nông sản tổ chức tại huyện Mộc Châu, ở tỉnh, thành phố Hà Nội... Tháng 12/2017, sản phẩm cam được chứng nhận nhãn hiệu Cam Phù Yên, là cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cho người trồng cam. Cũng thời gian này, huyện đã ký biên bản ghi nhớ với chuỗi siêu thị Bác Tôm thuộc Công ty TNHH Hòn Đất (Hà Nội) và biên bản nguyên tắc bán hàng với HTX trồng cam Văn Yên (Mường Thải) để bán và giới thiệu sản phẩm cam đến mọi miền đất nước.

Chúng tôi về bản Nghĩa Hưng (xã Mường Cơi), nơi có diện tích cam lớn của huyện. Từ trồng cam, nhiều hộ gia đình trong bản có thu nhập cao, như gia đình các ông: Nguyễn Duy Khanh, Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Văn Dũng... thu nhập từ 150-400 triệu đồng/năm. Nhiều gia đình đã đầu tư hệ thống tưới tự động cho cây, đổ bê tông những tuyến đường để ô tô vào tận vườn nhập hàng... Dẫn chúng tôi lên vườn cam Vinh của gia đình, anh Nguyễn Đức Cường, Bí thư chi bộ bản Nghĩa Hưng, là thành viên Hợp tác xã Trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng cho biết: Năm 2018, nhờ huyện định hướng, chúng tôi đã thành lập HTX Trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, gồm 11 thành viên, quy mô sản xuất 28,5 ha cây ăn quả có múi, trong đó 15 ha cam. Các thành viên HTX đều áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nên sản phẩm cam được nhiều khách hàng biết đến. Vụ cam năm nay, chúng tôi thêm niềm vui khi sản phẩm cam của HTX sẽ được dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc, là điều kiện tốt cho việc tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm cam của HTX có thể được tiêu thụ tại các siêu thị lớn ở Hà Nội.

Người dân bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi (Phù Yên) đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước cho diện tích trồng cam.

Nói về kế hoạch phát triển cây cam, anh Phan Quý Dương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Huyện chú trọng phát triển trồng cam theo hướng sản xuất hữu cơ, với mô hình thí điểm 5 ha tại HTX Trồng cam Văn Yên. Nguyên tắc sản xuất nông nghiệp hữu cơ là không dùng các vật tư là chất hóa học tổng hợp trong tất cả các giai đoạn của chuỗi sản xuất, giúp cho cây trồng phát triển bền vững, đảm bảo sản phẩm cam sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng; tăng chất lượng đất, ngăn ngừa các loại bệnh cho cây trồng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây sẽ là hướng phát triển trồng cam lâu dài, bền vững theo chủ trương của huyện, tỉnh. Hiện nay, các cơ quan chuyên môn đang tập trung hướng dẫn người dân chăm sóc diện tích cam đảm bảo năng suất, chất lượng để chuẩn bị cho Ngày hội nông sản gắn với Ngày hội văn hóa huyện Phù Yên dự kiến sẽ tổ chức vào cuối năm nay.

Người trồng cam Phù Yên đã và đang có thu nhập cao, nhiều hộ gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu. Với hướng đi cụ thể đã được huyện xác định, tin rằng, cam sẽ là “trái vàng” trên mảnh đất Phù Hoa này, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn mới nơi đây.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới