Thời gian gần đây, có thông tin tại một số vùng trồng dâu tây trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng nông dân nhổ bỏ cây dâu tây, do giá loại quả này liên tục xuống thấp, khó tiêu thụ. Phóng viên Báo Sơn La đã đi thực tế tìm hiểu sự việc.
Đến xã Cò Nòi, địa phương có diện tích dâu tây lớn nhất huyện Mai Sơn, với 230 ha. Ghi nhận ban đầu, một số ít diện tích, người dân vẫn đang thu hoạch; còn lại đa số người dân đang bắt đầu nhổ để thay đổi cây trồng khác.
Chị Hà Thị Quá, bản Nong Quỳnh, chia sẻ: Gia đình tôi có gần 1 ha dâu tây. Năm nay, thời tiết thuận lợi, sản lượng quả dâu của gia đình đạt 25 tấn, tăng gần 5 tấn so với năm trước, với giá bán trung bình 70.000 đồng/kg, thu lãi khoảng trên 150 triệu đồng. Hiện nay, gia đình nhổ bỏ cây dâu tây để trồng cây bí ngô và dưa hấu là do dâu tây đã hết lứa quả, nếu còn thì cũng chỉ là những quả bé còn sót lại, năng suất không đáng là bao.
Sang vườn dâu tây của gia đình anh Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc HTX Dâu tây Xuân Quế, thời điểm này, anh cũng thuê 3 nhân công để dỡ bỏ một vườn dâu tây. Anh Bình cho biết: Với 2 ha dâu tây, năm nay, gia đình tôi thu gần 50 tấn quả, tăng hơn 10 tấn so với năm trước. Sau 3 tháng thu hoạch, sang đầu tháng 4, thời tiết nắng nóng, cây dâu cũng gần hết lứa hoa, mỗi ngày, chúng tôi chỉ thu được 40-50 kg quả, mà quả cũng rất nhỏ nên không được giá.
Anh Bình cho biết thêm: Với thời tiết nắng nóng, hanh khô như hiện nay, có để thì cây dâu cũng chết dần, quả thì bé, bị rám, nứt, thâm táp dễ dập nát, hiệu quả kinh tế không cao.
Mang câu chuyện trao đổi với ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mai Sơn, cho biết: Việc người dân nhổ bỏ dâu tây thời điểm này là hoàn toàn bình thường theo quy luật. Bởi dâu tây là cây ưa lạnh, chỉ sinh trưởng trong khoảng thời gian từ 7-8 tháng, bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến tháng 3, tháng 4 năm sau. Toàn huyện có trên 260 ha dâu tây, sản lượng trên 2.000 tấn quả/năm. Cùng với huyện Mộc Châu, Mai Sơn là vùng trồng dâu tây lớn nhất tỉnh. Trước các tin đồn bất lợi về quả dâu tây hiện nay, như bị trà trộn dâu tây Trung Quốc; tẩm ướp, sục hóa chất... huyện đang tiếp tục vận động nhân dân liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu, quy hoạch lại vùng trồng và quản lý chặt chất lượng bằng việc thường xuyên kiểm tra quy trình sản xuất của các hộ dân để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tìm hiểu tại huyện Mộc Châu, anh Nguyễn Xuân Văn, Giám đốc HTX Nông sản sạch Mộc Châu, cho biết: HTX có gần 10 ha dâu tây được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện tại, dâu tây của HTX đang trong thời kỳ cuối vụ nên các thành viên cũng đang tiến hành cắt bỏ, chuyển sang trồng các loại rau màu. Đến tháng 9, HTX sẽ tiếp tục trồng dâu tây.
Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, khẳng định: Như mọi năm, vụ dâu tây chỉ kéo dài đến tháng 2, tháng 3. Riêng năm nay, do thời tiết lạnh hơn nên vụ dâu tây đã kéo dài thêm 1 tháng. Vì vậy, việc nông dân nhổ bỏ dâu thời điểm này là hoàn toàn bình thường.
Thực tế cho thấy, thời gian qua cây dâu tây đã thích ứng và phát triển tốt với điều kiện khí hậu ở một số địa phương trong tỉnh. Nhiều nông dân đã chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây dâu tây và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác.
Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 400 ha dâu tây, sản lượng trên 3.500 tấn. Đến thời điểm này, đã tiêu thụ trên 3.000 tấn, với giá bán trung bình trên 85.000 đồng/kg, giá trị ước tính gần 257 tỷ đồng. Bình quân mỗi ha dâu tây cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Nhiều HTX, nông dân đã ứng dụng công nghệ mới, như canh tác giống mới, trồng trong nhà kính, phủ ni lông trên mặt luống, cung cấp nước, phân bón qua hệ thống nhỏ giọt… đã làm tăng năng suất dâu tây lên gấp 2-3 lần. Tuy nhiên, diện tích dâu canh tác theo công nghệ mới vẫn còn hạn chế do chi phí đầu tư ban đầu cao.
Trao đổi về vấn đề này, bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: Dâu tây là cây trồng ngắn ngày, phù hợp với các vùng có khí hậu ôn đới. Thời vụ trồng dâu tây thường bắt đầu từ tháng 9 dương lịch năm trước và kết thúc vào tháng 4 năm sau, nên người dân nhổ bỏ dâu tây hiện nay là do đã kết thúc vụ. Trước những đòi hỏi của thị trường về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, Sở đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền, phổ biến cho nông dân thay đổi thói quen, sản xuất theo phong trào; việc phát triển cây ăn quả nói chung và dâu tây nói riêng cần theo định hướng thị trường, định hướng của các cơ quan quản lý.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp các địa phương chỉ đạo sản xuất dâu tây theo nhu cầu thị trường; thường xuyên cập nhật tình hình sản xuất và tiêu thụ, giá cả của từng địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân có nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ; đẩy mạnh liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ dâu tây nhằm bảo đảm đầu ra và giá bán ổn định.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!