Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào, tại bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu vừa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây, ghi dấu sự kiện hoạt động cách mạng và xây dựng cơ sở cách mạng của Ban xung phong Lào - Bắc và lãnh tụ Cay-xỏn Phôm-vi-hản.
Với nụ cười tươi và cái bắt tay thân thiện, Trưởng bản Tráng Lao Khai và già bản Tráng Lao Lử (con trai cả của cụ Tráng Lao Khô) đón và dẫn chúng tôi đi thăm hang Thẳm Me, nơi cụ Tráng Lao Khô nuôi giấu đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Tham gia cùng đoàn còn có đồng chí Sổm-xay Xi-nuông-Thoong, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Thẳm Me, Đại đội Biên phòng 213, Bộ CHQS tỉnh Hủa Phăn, cùng một số cán bộ trạm.
Cán bộ Đồn Biên phòng Chiềng On, Trạm biên phòng Thẳm Me, nhân dân bản Lao Khô 1 thăm nơi đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản chủ trì thành lập Quân bản It-xa-la, tiền thân của quân đội nhân dân Lào.
Tuyến đường từ bản Lao Khô 1 đến hang Thẳm Me chỉ gần chục cây số, được rải bê tông dễ đi hơn trước nhiều. Chúng tôi dừng lại ở một thung lũng, có một tảng đá lớn nằm ở giữa với một cây đa mọc phía trên, già Lử bảo: Đây là nơi ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản chủ trì thành lập quân bản It-xa-la, tiền thân của Quân đội nhân dân Lào. Để xe lại thung lũng, chúng tôi bắt đầu đi bộ tới 3 cái hang, nơi nuôi giấu các cán bộ cách mạng.
Theo già Lử, thời chiến tranh, đi bộ từ bản Lao Khô 1 đến những hang này phải mất nửa ngày, có những chỗ phải chui qua bụi cây. Khoảng 15 phút, chúng tôi đến được hang thứ nhất, đây chính là nơi đoàn cán bộ Lào Bắc trú ẩn và hoạt động. Cửa hang chỉ vừa một người qua, bên trong rộng khoảng hơn 300 m² và có rất nhiều ngách; vào đến trong hang có một phiến đá to, phẳng nằm ở vị trí cao nhất, đây chính là giường ngủ của đồng chí Cay-xỏn. Cụ Tráng Lao Khô thường lấy lá chuối rừng làm đệm cho ông. Xuống sâu một ngách nhỏ còn có lịch đi đường của đồng chí Cay-xỏn khắc lên vách đá, do bà con dân bản Lao Khô 1 hướng dẫn. Đến đây, đồng chí Sổm-xay Xi-nuông-Thoong xúc động: “Tôi không thể tưởng tượng được nơi ở của vị lãnh tụ chúng tôi lại là nơi rừng thiêng nước độc, có cuộc sống khắc khổ như thế”. Sau khi thăm hang chính, chúng tôi đi thăm hai hang còn lại, những nơi này dường như còn in những dấu tích của những người cán bộ trong Ban xung phong Lào Bắc.
Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô.
Quay về bản, chúng tôi quây quần bên già Lử nghe kể về những thành tích của bản trong thời kỳ kháng chiến. Mặc dù tuổi cao, nhưng những gì cụ Lao Khô kể lại, già Lử vẫn nhớ như in: Năm 1948, Ban xung phong Lào Bắc gồm 14 người, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản được cử làm Trưởng ban; ông Thạo Hanh, Phó Trưởng ban từ bản Mơ Tươi (Lóng Phiêng, Yên Châu) lên bản Phiêng Sa (nay là bản Lao Khô 1), xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, để vận động bà con tạo điều kiện giúp đỡ cán bộ hai nước dừng chân ở bản trong thời gian kháng chiến chống Pháp. Ban được giao nhiệm vụ liên lạc với Ủy ban kháng chiến và Tỉnh bộ Việt Minh Sơn La với Ban xung phong Trung Dũng định kỳ sinh hoạt để thống nhất hoạt động và có sự tương trợ lẫn nhau trong khi cần thiết với bộ đội Sơn La (Trung đoàn 148). Ban xung phong Lào Bắc đã xây dựng vùng căn cứ cách mạng tại bản Phiêng Sa, đây trở thành khu căn cứ cách mạng Việt - Lào chuẩn bị mọi điều kiện cho Ban xung phong Lào Bắc phát triển các căn cứ cách mạng trên đất nước Lào 1948-1950. Tại khu căn cứ này, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản phái người sang đất Lào để nắm tình hình và có những kế hoạch trước khi tiến sâu vào đất Lào.
Trong thời gian hoạt động ở Lao Khô năm 1948, Ban xung phong Lào Bắc đã đặt căn cứ hoạt động tại hang Thẳm Me, thuộc Lao Mãng (giáp Việt Nam) và huấn luyện quân sự để trở về xây dựng khu căn cứ địa tại huyện Viêng Xay. Trong thời gian này, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã được tổ chức bố trí đến ở nhà cụ Lao Khô thuộc bản Phiêng Sa. Ban xung phong Lào Bắc được đồng bào bản Phiêng Sa nuôi giấu và cho mượn đất để xây dựng cơ sở. Tại đây, Ban cũng đã xây dựng căn cứ và hoạt động bí mật. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhân dân bản Phiêng Sa đã hết lòng giúp đỡ, cung cấp lương thực, thực phẩm cũng như tiền của giúp Ban xung phong Lào Bắc mua sắm vũ khí phục vụ chiến đấu. Nhiều lần, cụ Lao Khô đã trực tiếp dẫn đường đưa đoàn cán bộ vào rừng hoạt động. Hồi đó còn có đồng chí Bằng Giang (cán bộ Việt Minh) cùng hoạt động ở đây. Hằng ngày, cụ trực tiếp mang lương thực, thực phẩm vào hang Thẳm Me nuôi cán bộ của ta và nước bạn Lào.
Ông Tráng Lao Lử cùng cán bộ Đồn Biên phòng Chiềng On, Trạm biên phòng Thẳm Me, nhân dân bản Lao Khô 1 thăm khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào.
Nhiều lần gặp nguy hiểm, nhưng với sự mưu trí, dũng cảm của cụ Lao Khô nên đoàn cán bộ của Ban luôn được an toàn. Già Lử kể tiếp: Một lần vào năm 1949, tên chỉ điểm đã dẫn giặc Pháp ở Xiềng Khọ lên bản Phiêng Sa truy tìm những cán bộ Việt - Lào ở hang Thẳm Me; khi được hỏi có Việt Minh ở đó không, cụ Lao Khô bảo: Có đấy, nhưng họ bỏ đi từ lâu rồi, không còn ai ở đó đâu, đường tới đó thú rừng cũng không đi được, các ông có muốn đi không để tôi đưa đi... Do vậy, bọn thực dân Pháp không còn nghi ngờ gì nữa và bỏ đi. Cụ Lao Khô còn mưu trí chủ động cho giặc Pháp ngủ ở trong nhà để tạo niềm tin của chúng, trong khi đó cán bộ của ta lại được cải trang thành người ở. Có những lúc giặc Pháp truy lùng gắt gao, cụ liền sai “người ở” đi vào rừng cắt cỏ ngựa, nhưng thực tế đồng chí đó đã chạy thoát vào rừng... Đó là những tháng ngày ghi đậm tình đoàn kết, chiến đấu đặc biệt keo sơn của nhân dân huyện Yên Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung đối với cách mạng Lào.
Ông Tráng Lao Lử cùng cán bộ Đồn Biên phòng Chiềng On, Trạm biên phòng Thẳm Me, nhân dân bản Lao Khô 1 thăm hang Thẳm Me.
Lao Khô 1 bây giờ có 130 hộ dân, bà con dân bản luôn sống trong thanh bình và đoàn kết. Người dân nơi đây chăm chỉ, hiếu học, biết áp dụng KHKT vào sản xuất, vì thế mà cuộc sống của họ đang được đổi mới trong mọi lĩnh vực. Trưởng bản Tráng Lao Khai chia sẻ: Người dân chúng tôi đã tích cực chuyển đổi hơn 100 ha đất kém hiệu quả sang trồng mận hậu, xoài, chanh leo... cho thu nhập cao. Tập trung phát triển chăn nuôi hơn 1.000 con trâu, bò; nuôi 5.000 con gia cầm các loại đã đem lại thu nhập đáng kể cho người dân. Cuộc sống của người dân Lao Khô 1 ngày càng được nâng lên, người dân đã hiến trên 5.000 m² đất, đóng góp 3.000 ngày công lao động để bê tông hóa gần 3 km đường giao thông nội bản. Bây giờ, có đường bê tông sạch, đẹp, đi lại dễ dàng, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn trước nhiều lắm.
Bản Lao Khô 1 đã kết nghĩa với 4 bản thuộc cụm bản Phiêng Xa, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào). Người dân các bản thường xuyên sang thăm thân rất đoàn kết; mỗi lần sơ kết, tổng kết, hay các ngày lễ, tết đều mời nhau đến tham dự. Trong phát triển kinh tế, nhân dân các bản bên nước bạn thường xuyên đến bản Lao Khô học cách trồng mận hậu và luôn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ về giống, tiêu thụ sản phẩm. Bây giờ, các bản bên Bạn cũng trồng rất nhiều mận hậu, chanh leo, xoài... Thời gian dịch bệnh Covid-19, không được thăm thân trực tiếp; nhưng nhân dân hai bản vẫn thường xuyên liên lạc, thăm hỏi qua điện thoại và gửi thực phẩm, quà cho nhau. Chính vì vậy, tình đoàn kết của hai bên vẫn luôn được củng cố, bền chặt.
Một góc bản Lao Khô 1.
Già Tráng Lao Lử bảo: Dân bản chúng tôi sống hòa thuận lắm, mỗi người dân đều dạy dỗ con cái mình biết trân trọng tình đoàn kết, tự hào về truyền thống lịch sử cha ông đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, cho mảnh đất nơi đây ngày cành vững mạnh, bảo vệ vùng biên giới an toàn hữu nghị.
Trước khi rời bản Lao Khô 1, chúng tôi đã đến thăm Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào, được xây dựng ở ngay đầu bản. Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản được đặt ở vị trí trang trọng, Khu di tích vừa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng của thế hệ trẻ hai nước Việt - Lào, càng minh chứng tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!