Cò Nòi là xã có nhiều điều kiện phát triển kinh tế của huyện Mai Sơn, nằm cửa ngõ của huyện trên trục Quốc lộ 6 hướng Hà Nội về Sơn La. Theo phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống trên địa bàn, tình trạng mất vệ sinh do chất thải sinh hoạt, khói bụi và ồn từ các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn xã đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng chưa được xử lý dứt điểm, tình trạng gây ô nhiễm môi trường ngày càng tăng lên, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và sức khỏe của nhân dân.
Thực trạng đáng báo động
Có mặt tại tiểu khu 39, xã Cò Nòi. Việc ô nhiễm môi trường ở đây dễ nhận thấy nhất là những cống thoát nước đầy những túi nilon đựng rác, chất thải từ chăn nuôi, giết mổ gia súc được xả thẳng ra cống, ứ đọng, đặc sệt gây mùi hôi, thối khó chịu.
Ông Dương Văn Hệ, Tiểu khu trưởng tiểu khu 39, xã Cò Nòi, cho biết: Tiểu khu có 205 hộ, hơn 800 nhân khẩu, trong đó có 30 hộ nuôi lợn từ 50 - 400 con lợn/hộ. Chính quyền cơ sở đã tuyên truyền, ký cam kết với người dân trong tiểu khu nhưng do thiếu chế tài khi xử lý nên các hộ vẫn tiếp tục xả thải ra môi trường. Khi được tiểu khu nhắc nhở về giữ gìn vệ sinh môi trường, một số hộ còn đề nghị ngược lại xử lý hết các nhà có cơ sở sản xuất trong tiểu khu. Có hộ gia đình gần 12 giờ đêm đến kêu không thể ngủ được do một hộ dân sát ngô gây tiếng ồn lớn. Tôi cũng đành khuyên cần có tình làng nghĩa xóm và nhắc nhở hộ dân sát ngô kia chú ý thời gian sản xuất, tránh ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
Bà Nguyễn Thị Hòa, một người dân xã Cò Nòi nói: Tôi thường xuyên đi làm qua khu vực này, rác thải đổ ở đây đã nhiều năm rồi, lâu ngày không được xử lý bốc mùi rất khó chịu. Tôi mong chính quyền xã, huyện có những biện pháp mạnh tay xử lý những trường hợp vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.
Ở tiểu khu 32, các hộ dân lại bức xúc phản ánh về tình trạng ô nhiễm nước giếng khoan. Anh Chu Mạnh Tuấn, một hộ dân trồng cây ăn quả có diện tích hơn chục ha nên nhu cầu sử dụng nước tưới là rất lớn, tuy nhiên, cách đây 6 năm khi gia đình đào giếng độ sâu khoảng 50 m. Khi hút nước lên có tình trạng nước giếng chuyển màu đen và bốc mùi hôi. Càng nặng mùi hơn khi các cơ sở sản xuất sắn, dong riềng vào vụ sản xuất. Anh Chu Mạnh Tuấn, cho biết: Nước ở giếng để phục vụ tưới cho vườn cây ăn quả hàng chục ha và nuôi cá, nhưng từ thời điểm cuối năm đến nay, gia đình không dám lấy nước này để sử dụng. Năm nào cũng thế, cứ hết đợt người ta làm dong, làm sắn là hết mùi.
Tại một cơ sở chế biến sắn, dong riềng nằm khuất trên lưng đồi ở bản Nhạp, xã Cò Nòi, được nghi nơi là có hang cát tơ có thể nước chảy vào suối Nậm Pàn. Thời điểm chúng tôi có mặt cơ sở đang tạm dừng sản xuất để nghỉ tết nhưng chúng tôi nhận thấy những phản ánh của các hộ dân là có cơ sở khi hệ thống thoát nước của cơ sở sản xuất này được bố trí song song với một miệng hang cat tơ khá rộng và sâu. Ngay cạnh miệng hang cat tơ là 1 bể chứa nước thải được xây dựng sơ sài. Được biết cơ sở này vừa bị phạt 40 triệu đồng trong năm 2021, do xả nước thải khi chưa qua xử lý...
Ý kiến của chính quyền địa phương
Trên đường đến Trụ sở xã Cò Nòi để làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương về tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Chúng tôi bắt gặp nhiều điểm đốt rác, đổ rác tự phát lớn, nhỏ dọc quốc lộ 6. Rác thải chủ yếu là rác thải sinh hoạt, túi nilon, vỏ chai nhựa, nhiều điểm cống còn có cả nước thải do chăn nuôi xả thẳng ra môi trường. Không chỉ ở trục đường chính, trên một số tuyến đường của xã thì rác thải cũng được vứt ở nhiều điểm, tập trung tại các khu vực cống, rãnh ven đường.
Tiếp chúng tôi ở phòng làm việc của đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã còn có sự tham dự của đồng chí Chủ tịch UBND xã và Phó Bí thư Đảng uỷ xã Cò Nòi. Qua trao đổi được biết, trên địa bàn xã Cò Nòi hiện có 75 cơ sở chăn nuôi gia súc, chế biến nông sản phát sinh chất thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, có 11 cơ sở có thủ tục môi trường cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; còn lại chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục về môi trường.
Ông Cầm Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Cò Nòi, thông tin: Mỗi năm, xã được huyện Mai Sơn hỗ trợ 130 triệu đồng cước vận chuyển. UBND xã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La - Chi nhánh huyện Mai Sơn thực hiện thu gom rác. Hiện nay, đống rác trên Quốc lộ 6, thuộc địa phận xã Cò Nòi không thuộc bản, tiểu khu nào cả nên người dân cứ tự ý ra đổ rác ở đấy. Nhưng Công ty chỉ thu gom ở các điểm đổ rác đã quy định và có xe rác. Trước mắt, khi có xe đô thị, xã sẽ nhờ máy xúc rác lên xe chở đi. Nhưng năm nay, giá cước tăng cao, gây nhiều khó khăn gây nhiều khó khăn trong công tác thu gom.
Lý giải về những khó khăn trong công tác thu gom rác, bảo vệ môi trường hiện nay trên địa bàn xã, ông Khoa, cho rằng: Việc thu gom rác là xã hội hóa, mang tính vận động là chính, chưa có quy định thu nộp của các gia đình. Đối với việc đổ rác bừa bãi của người dân, xã đã nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở, đã một số lần bắt được tận tay người dân đổ rác nhưng khi ra quyết định xử phạt thì người dân không chấp hành. Khó khăn khi không có cán bộ chuyên trách về môi trường, địa bàn rộng, phức tạp. Đối với các cơ sở chăn nuôi, chế biến nông sản chưa có hướng dẫn việc xử lý nước thải cho phù hợp với quy mô. Khi xử lý vi phạm hành chính, không xác định được mức độ ồn, bụi, mức độ ô nhiễm để xử lý.
Theo báo cáo của UBND xã Cò Nòi, trong năm 2022, UBND xã đã phối hợp với Tổ công tác của UBND huyện Mai Sơn kiểm tra và xử lý 5 hộ chăn nuôi tại tiểu khu 26/3 và tiểu khu 39 với số tiền 12.500.000 đồng về hành vi xây dựng chuồng trại chăn nuôi không đúng khoảng cách theo quy định. Trong đó, có 2 trường hợp không chấp nhận quyết định xử phạt. Cùng với đó, Tổ kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh môi trường của UBND xã Cò Nòi đã phối hợp với ban quản lý bản, tiểu khu cùng các hộ dân xung quanh kiểm tra, phát hiện và xử lý 2 trường hợp có hành vi vứt rác thải sinh hoạt không đúng quy định, xử phạt 3.750.000 đồng. Cùng với đó, triển khai tuyên truyền, hướng dẫn 12 bản, tiểu khu về phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; tổ chức thu gom rác thải trên 11 bản, tiểu khu; bố trí 97 xe gom rác đẩy tay, tập kết tại 6 vị trí.
Cần giải pháp kiên quyết
Ông Phạm Bá Tính, Chủ tịch UBND xã Cò Nòi, cho rằng: Hiện nay, phát triển chăn nuôi trên địa bàn xã cũng nhiều, quy mô mỗi hộ từ 30 - 100 con lợn, có hộ nhiều hơn, theo quy định khoảng cách đối với những hộ này phải cách khu dân cư 100 m. Tuy nhiên, các hộ này lại nuôi trong khu vực dân cư, không có quỹ đất, quy hoạch chăn nuôi tập trung không có. Khi giá lợn lên, người dân cũng đầu tư tăng số lượng đàn vật nuôi lên dẫn đến việc xử lý nước thải không kịp. Khi xã kiểm tra xử lý theo quy định, yêu cầu người chăn nuôi khắc phục cũng chỉ đến mức độ. Vì vậy, hướng để khắc phục phải có cơ chế để quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, để bà con đầu tư vào khu vực đó.
Đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại xã Cò Nòi, ông Phạm Duy Hùng, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn, nói: Để giảm thiểu lượng rác tập kết lâu ngày trên địa bàn xã Cò Nòi gây ảnh hưởng môi trường, để nghị Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La - Chi nhánh huyện Mai Sơn tăng cường xe chở và thu gom rác. Về lâu dài, tỉnh quan tâm bố trí nguồn ngân sách đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại khu vực đầu nguồn tại bản Nhạp, xã Cò Nòi.
Ông Phạm Duy Hùng, Phó Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Mai Sơn nói thêm: Theo Luật chăn nuôi, tất cả các khu dân cư không được chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, ở đây là dân cư nông thôn, bà con sống chủ yếu là nhờ sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, nên việc quy hoạch vùng chăn nuôi đang trong lộ trình thực hiện trong thời gian tới. Theo quy định từ 500 con vật nuôi trở lên thì tỉnh cấp phép môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, còn dưới 500 con thì do huyện cấp phép môi trường do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chủ trì.
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường đang gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và đời sống sinh hoạt, xã Cò Nòi và các ngành chức năng huyện Mai Sơn cần nhanh chóng vào cuộc xử lý hiệu quả vấn đề này, đảm bảo nâng cao chất lượng đời sống của người dân, từng bước thực hiện các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!