Thiêng liêng hai tiếng Trường Sa • Kỳ 3: Đảo là nhà, biển là quê hương

Trường Sa, hai tiếng thiêng liêng! Mỗi người dân đất nước Việt Nam, ai cũng mong muốn được ít nhất một lần đặt chân đến Trường Sa- phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, mặc dù điều kiện sinh hoạt còn khó khăn, thời tiết và khí hậu diễn biến bất thường và khắc nghiệt, những người lính Trường Sa luôn vững vàng, kiên định, đoàn kết một lòng bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Đàn cá heo bơi phía trước mũi tàu 561 trên đường đến đảo Trường Sa.

Sức sống Trường Sa

Theo quan niệm của người đi biển, trong chuyến hải trình gặp được đàn cá heo giữa biển khơi sẽ giúp chuyến hải trình gặp nhiều may mắn. Trên đường di chuyển từ đảo Đá Tây đến đảo Trường Sa - điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm, chúc Tết động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa của Vùng 4 Hải quân, Tàu 561 may mắn 2 lần gặp được đàn cá heo gần 100 con bơi dẫn tàu tuy không dài, nhưng giúp chúng tôi cảm thấy quãng đường đến đảo Trường Sa như ngắn lại.

Tàu 561 cập cảng đảo Trường Sa - Thủ phủ của quần đảo Trường Sa. Đứng trên boong tàu phóng tầm mắt về phía đảo, ấn tượng đầu tiên là màu xanh đặc trưng của Trường Sa với nhiều loại cây: Bàng vuông, phong ba, bão táp… Khi mới trồng, các loại cây đều được cán bộ, chiến sĩ che chắn cẩn thận, hạn chế tối đa tác động của ánh nắng và gió biển. Vượt qua những trận gió bão khốc liệt, có cây gãy đổ, nhưng những chồi non lại tiếp tục phát triển, thay thế cho những cây và cành bị gãy đổ. Các loại cây trên đảo như minh chứng cho sức sống mạnh liệt của Trường Sa.

Một góc khu vực âu tàu trên đảo Trường Sa.

Bước trên tuyến đường bê tông rợp bóng cây xanh mát của đảo, Trung tá Phạm Tiến Điệp, Chính trị viên đảo Trường Sa, chia sẻ: Quân và dân ta đã nộ lực trồng nhiều loại cây để lấy bóng mát cho đảo. Tuy nhiên, trong cơn bão Talim năm 2017, sức gió rất mạnh đã làm hầu hết cây trên đảo đã bị đổ, gãy. Sau khi bão đi qua, toàn đơn vị với sự giúp sức của một số loại máy móc đang xây dựng âu tàu đã dựng lại từng cây. Sau đó, đơn vị tiếp tục ươm giống các loại cây đặc trưng của đảo để bổ sung thay thế cây cũ gãy, đổ do gió bão.

Cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa.

Đảo Trường Sa là đảo có diện tích lớn nhất của quần đảo Trường Sa; sức gió quanh năm từ cấp 4 trở lên. Do đó, ngoài phần diện tích dành cho công sự, nhà ở của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, tại nhiều vị trí của đảo đều được trồng những hàng cây xanh, nhằm tạo cảnh quan đẹp cho đảo và góp phần giảm sức gió. Với yêu cầu phát triển của quần đảo Trường Sa trong những năm gần đây, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân phát động chương trình “Xanh hóa Trường Sa”, với sự tập trung mọi nguồn lực từ cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng và nhân dân cả nước đóng góp.

Thiếu tá Lý Quý Cường, Chính trị viên Cụm chiến đấu số 1, đảo Trường Sa, thông tin: Trên đảo hiện nay có gần 1 vạn cây xanh, đây là kết quả của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã và đang công tác trên đảo. Việc chăm sóc cây trên đảo khó hơn ở đất liền rất nhiều, bởi điều kiện khí hậu, nên tôi luôn kiểm tra, che chắn cẩn thận từng cây. Yêu cầu các phân đội thực hiện nghiêm túc việc phân công cán bộ, chiến sĩ chăm sóc, cắt, tỉa cành cây hợp lý trước, trong và sau mỗi đợt gió mùa. Từ đó, tăng khả năng chống, chịu điều kiện khắc nghiệt trên đảo.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa vận chuyển nhu yếu phẩm trên con đường rợp bóng cây xanh.

Giữa muôn trùng sóng, gió, nhờ bàn tay chăm sóc tỉ mỉ, khéo léo của các chiến sĩ, Trường Sa không chỉ có cây xanh phát triển tốt, mà các loại cây ăn quả và rau xanh trên đảo cũng tốt tươi, góp phần cải thiện bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ. Ở Trường Sa, cây rau màu chủ yếu được trồng là chuối, đu đủ, rau ăn lá các loại, mướp và bầu, bí…

Các chiến sĩ Cụm Chiến đấu số 1, đảo Trường Sa tăng gia sản xuất.

Giữa biển khơi mênh mông, cán bộ, chiến sĩ luôn cùng chung sức xây dựng đảo Trường Sa nói riêng và quần đảo Trường Sa “Mạnh về phòng thủ - Tốt về lối sống - Đẹp về cảnh quan môi trường”, thực hiện đúng mục tiêu của chương trình Xanh hóa Trường Sa đã đề ra.

Tiếng hát giữa biển khơi

Cũng trên con đường rợp bóng cây xanh vào trung tâm đảo Trường Sa, chúng tôi nghe thấy tiếng hát trong trẻo của các em nhỏ Trường Tiểu học Trường Sa. Trung tá Tô Vĩnh Diện, Chính trị viên Phó đảo Trường Sa, chia sẻ: Ở trên đảo không có nhiều trẻ em; bộ đội trên đảo luôn yêu quý và dành cho các cháu rất nhiều tình cảm. Mỗi khi hoàn thành công việc hoặc đi ra khu vực cầu cảng, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều nán lại một vài phút để lắng nghe tiếng hát của các cháu.

Các em nhỏ Trường Tiểu học Trường Sa cùng hát giữa giờ ra chơi.

Thầy giáo Phạm Văn Tân, giáo viên Trường Tiểu học Trường Sa, tâm sự: 4 năm dạy học trên đảo, tôi cảm nhận được rằng các em rất thích học hát. Vì vậy, vào cuối mỗi tiết học, tôi thường dành 1 khoảng thời gian phù hợp để dạy hát. Ngoài nội dung về tình bạn, tình thầy trò, các bài hát về tình yêu quê hương, đất nước và biển đảo thường xuyên được truyền dạy, qua những bài đó, các em dần hình thành tình yêu biển đảo từ khi còn nhỏ.

Ngày đầu tiên trên đảo Trường Sa, Trưởng Đoàn công tác đề nghị cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo cùng tổ chức đêm giao lưu văn nghệ chào đón năm mới. Do là địa bàn trọng điểm trong thế trận quốc phòng, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên biển, nên hoạt động văn nghệ tập trung hiếm khi được tổ chức. Khi việc tổ chức đêm giao lưu văn nghệ được phát thông báo, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo hào hứng tham gia.

Màn biểu diễn tiết mục Khúc quân ca Trường Sa.

Hội trường đảo Trường Sa rực rỡ ánh đèn, những tiếng nói, tiếng cười của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân rộn ràng. Đúng 18 giờ 30 phút, chương trình giao lưu bắt đầu với tiết mục múa, hát “Khúc quân ca Trường Sa”. Trong màn múa phụ họa, khiến người xem có thể tưởng tượng ra những con tàu vượt biển đến với Trường Sa, cùng những ngọn sóng dập dềnh. Qua phần thể hiện của cán bộ, chiến sĩ, các màn hát, múa đặc sắc có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước và tiếng vỗ tay cổ vũ, động viên, khiến cho khoảng cách giữa đất liền với đảo xa như được thu gần lại.

Chiến sĩ trẻ có tên rất đặc biệt, Mang Lối chia sẻ: Được tham gia giao lưu văn nghệ, giúp những chiến sĩ trẻ như tôi thêm yêu quê hương, đất nước và phấn đấu làm tốt hơn nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thông qua những lời ca, tiếng hát, gắn kết thêm tình đồng chí, đồng đội giữa các chiến sĩ và cán bộ, chỉ huy đơn vị.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa cùng hát dưới tán cây bàng vuông.

Tiếng đàn ghi ta, những lời ca, tiếng hát là “món ăn tinh thần” giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Trường Sa vơi đi nỗi nhớ đất liền, quên đi những khó khăn, vất vả, thiếu thốn, thêm vững niềm tin, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trường Sa trong trái tim người Việt

Toàn cảnh Lễ Chào cờ đầu tuần trên đảo Trường Sa.

 Trong chuyến công tác lần này, cảm nhận tình cảm từ đất liền gửi đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa không chỉ đong đếm bằng những chuyến hàng, tình cảm đó hiện lên trong ánh mắt của mỗi người trong Đoàn công tác, những cái bắt tay thật chặt, lời chào, lời động viên bộ đội và nhân dân trên mỗi đảo khi được đặt chân đến. Và còn đó, là các bài viết, tác phẩm báo chí, cùng những ý tưởng xây dựng các dự án triển lãm ảnh mang Trường Sa đến gần với đất liền. Từ đó, lan tỏa tình yêu biển, đảo quê hương, cùng hình ảnh những người lính biển đến mọi tầng lớp nhân dân ở nhiều lứa tuổi trên mọi miền Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Trường Sa trong Lễ Chào cờ.

 Anh Huỳnh Văn Truyền, Hội viên Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh thành phố Đà Nẵng, chia sẻ: Đây là lần thứ 2 tôi được đến Trường Sa. Trong lần trở lại này, tôi đã chuẩn bị 3 chiếc máy ảnh, 7 ống kính ở nhiều dải tiêu cự, nhằm sáng tác được những bức ảnh đẹp nhất. Từ đó, xây dựng đề án đề nghị Quân chủng Hải Quân hỗ trợ triển lãm ảnh nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Trường Sa vào năm 2025. Tôi hy vọng những tác phẩm của mình sẽ góp phần lan tỏa tình yêu với Trường Sa và biển đảo của Tổ quốc.

Trong đoàn công tác của cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí, đã có những người đến Trường Sa từ 2 lần trở lên, riêng nhà báo Đặng Thị Phương Hoa, Hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang, đã có 5 lần đến với Trường Sa. Chị Hoa chia sẻ: Dù là lần thứ 5, nhưng tôi vẫn háo hức giống như lần đầu được đặt chân đến nơi này cách đây 10 năm. Nếu còn cơ hội, tôi sẽ tiếp tục đến Trường Sa để được chia sẻ những niềm vui, những khó khăn, vất vả của các chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió.

Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Trường Sa cùng hô quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trong hải trình, tình cảm của những cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân đã tiếp sức cho chúng tôi vượt qua sóng, gió để đến được đảo xa. Rồi cũng đến phút giây, chia tay Trường Sa trở lại đất liền, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Trường Sa cùng hát vang ca khúc “Nơi đảo xa” như lời chào Đoàn công tác đã hoàn thành nhiệm vụ trở về.

Trong giây phút xúc động đó, cán bộ, chiến sĩ cùng đoàn phóng viên Tàu 561 đã cùng đồng thanh hô vang: “Tổ quốc yêu Trường Sa”. Và sau 3 hồi còi dài chào Trường Sa thân yêu, Tàu 561 nhổ neo trở về đất liền, kết thúc hải trình 18 ngày, đêm đến với các vùng biển đảo.

Các chiến sĩ trẻ trên đảo Trường Sa chia sẻ câu chuyện hằng ngày với phóng viên Báo Sơn La.

Trở về Sơn La, Tây Bắc, trong tôi vẫn mang mãi giai điệu ngọt ngào:" Không xa đâu Trường Sa ơi! Không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em..." (bài hát "Gần lắm Trường Sa" của nhạc sĩ Huỳnh Phước Long). Trường Sa không xa, bởi Trường Sa luôn trong trái tim người Việt! Xin được gửi đến Trường Sa - nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, những tình cảm chân thành nhất. Chúc cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang công tác và sinh sống ở quần đảo luôn mạnh khỏe, vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo, một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

(Hết)

Ký sự: Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới