Tạo động lực thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định là 1 trong 3 khâu đột phá. Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ giai đoạn 2021-2025, đến nay, tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển, đảm bảo thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh, xanh, bền vững.

Các hạng mục đang được đầu tư xây dựng tại thị trấn Sông Mã.

 Giao thông “đi trước một bước”

Trong 10 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết số 05-NQ/TU, đặt nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông “đi trước một bước”. Phát triển giao thông phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giao thông vận tải, các chương trình mục tiêu quốc gia; phát triển giao thông bền vững, tạo sự gắn kết, liên hoàn thông suốt giữa các vùng miền đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân.

Các dự án giao thông trọng điểm được đặc biệt quan tâm triển khai. Đến nay, Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La được Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung vào danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải để theo dõi, chỉ đạo; giao Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục thống nhất với các bộ liên quan, giao UBND tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án để trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Dự án Cảng hàng không Nà Sản đã hoàn thành Đồ án xã hội hóa đầu tư, khai thác và trình Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp báo cáo Tổ công tác 1121 của Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Dự án tuyến tránh thành phố Sơn La đã thông xe đầu năm 2023. Tập trung cải tạo, nâng cấp, sửa chữa một số quốc lộ, đường tỉnh và đẩy mạnh chương trình cứng hóa đường đến trung tâm xã, xây dựng đường giao thông nông thôn. Đến nay, 199 xã có đường đến trung tâm được cứng hóa, đạt 97,6%; 74 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông.

Ông Nguyễn Thành Văn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết: Tỉnh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện phương án phát triển giao thông vận tải để tích hợp vào quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển đường giao thông nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Phát triển hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại

Hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, đã tạo điều kiện cho tỉnh phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc vào năm 2025. Hơn 2 năm qua, tiếp tục hoàn thiện các hạng mục kết cấu hạ tầng thiết yếu của Khu công nghiệp Mai Sơn và công bố quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Vân Hồ. Rà soát, bổ sung định hướng phát triển 20 cụm công nghiệp đưa vào quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Bộ Công Thương bổ sung 3 cụm công nghiệp vào quy hoạch phát triển cụm công nghiệp của tỉnh, gồm: Cụm công nghiệp Hoàng Văn Thụ, Thành phố; cụm công nghiệp Tông Cọ, cụm công nghiệp Phổng Lái, huyện Thuận Châu.

Tuyến đường tránh thành phố Sơn La.

Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng năng lượng phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 57 nhà máy thủy điện nhỏ hoàn thành, phát điện lên lưới điện quốc gia, tổng công suất 669,2 MW. Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị triển khai các dự án cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia tỉnh Sơn La, tỷ lệ hộ được sử dụng điện sinh hoạt đến hết năm 2022 là 98,8% (trong đó tỷ lệ hộ được sử dụng điện sinh hoạt an toàn đạt 94,1%). Về phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi, bên cạnh vận hành, duy tu, bảo dưỡng định kỳ đối với 4.488 công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn, còn triển khai đầu tư xây dựng nhiều dự án, như: Dự án thoát lũ kè suối Nặm La giai đoạn II; thi công xây dựng hồ Lăng Luông..., bảo đảm cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, sản xuất công nghiệp và chủ động trong phòng, chống thiên tai, bão, lũ.

Các cấp, các ngành, các địa phương của tỉnh thúc đẩy phát triển các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại. Trọng tâm là thu hút đầu tư trung tâm Logistics định hướng phát triển tích hợp danh mục dự án trung tâm logistics tại các khu vực cửa khẩu, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện: Mộc Châu, Mai Sơn, Mường La, Phù Yên vào danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, cũng như phương án quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh đã khai trương sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc nông sản tỉnh Sơn La. Tập trung thúc đẩy phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, thực hiện xóa trắng bản chưa có sóng băng rộng di động; đẩy mạnh chuyển đổi số; đào tạo, hướng dẫn kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng cho 43.270 hộ nông nghiệp.

Phát triển hạ tầng văn hóa - xã hội, y tế, khoa học công nghệ được quan tâm đầu tư về mọi mặt, phục vụ phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt là hạ tầng du lịch được quan tâm phát triển đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững. Tổ chức lập 3 đề án, gồm: Đề án phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La định hướng trở thành khu du lịch quốc gia; Đề án phát triển du lịch huyện Quỳnh Nhai trở thành khu du lịch cấp tỉnh giai đoạn 2021-2030 và Đề án phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đủ điều kiện được công nhận vào năm 2025. Tập trung thực hiện các thủ tục để triển khai Dự án đầu tư phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; lập quy hoạch phân khu Khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.

Xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, nông thôn đổi mới

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng đồng bộ xây dựng các đô thị văn minh, hiện đại. Đến nay, đã hoàn thành lập và phê duyệt đề án, triển khai các nhiệm vụ về phát triển thành phố Sơn La theo định hướng thành đô thị loại I và phát triển xanh, nhanh, bền vững; xây dựng huyện Mộc Châu trở thành thị xã vào năm 2025. Trên địa bàn tỉnh có 11 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II, 2 đô thị loại IV, 8 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa năm 2022 đạt 15,16%.

Đường vào trung tâm xã Chiềng Cọ, Thành phố được rải nhựa.

Tại thành phố Sơn La, đến hết năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa đạt 68,63% (chỉ tiêu đến năm 2025 là 70,5%); bê tông hóa các trục đường tổ, ngõ, xóm ở các phường nội thành và các đường nội bản, liên bản đạt 90%; đường đến trung tâm các xã được rải asphalt, đảm bảo giao thông thuận lợi, thông suốt đạt 80%. Đồng thời, tập trung triển khai các dự án giao thông trọng điểm phục vụ mở rộng không gian phát triển đô thị, kết nối nội thành, trung tâm xã. Trong đó có 4 tuyến giao thông trọng điểm, gồm: Tuyến đường 31 m từ Quảng Trường - Trung tâm xã Hua La; tuyến đường 25 m Hoàng Quốc Việt - Mé Ban - Trần Đăng Ninh; tuyến đường từ quốc lộ 6 đi trung tâm xã Chiềng Đen và chỉnh trang đô thị dọc tuyến đường Điện Biên. Ngoài ra, triển khai tuyến đường từ quốc lộ 6 đi trung tâm xã Chiềng Cọ, hè phố đường Nguyễn Văn Linh; chỉnh trang đô thị, trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, với tổng số vốn hàng trăm tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, thông tin: Cụ thể hóa Nghị quyết số 05-NQ/TU, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Đề án số 01-ĐA/TU ngày 20/8/2020 về quy hoạch mở rộng thành phố, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn giai đoạn 2020-2025. UBND thành phố đã bàn hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án quy hoạch mở rộng thành phố, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn giai đoạn 2020-2025, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố.

Phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới cũng được quan tâm, ưu tiên tạo điều kiện phát triển kết cấu hạ tầng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao biên giới, các xã, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương. Tổng các nguồn vốn đầu tư công thực hiện trong năm 2022 là 5.984 tỷ đồng. Ngoài ra còn huy động các nguồn lực xã hội hóa hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng. Toàn tỉnh có 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Với định hướng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại, các cấp, các ngành, các địa phương tỉnh Sơn La tiếp tục tập trung huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư công đóng vai trò là đòn bẩy, tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên các dự án quan trọng tạo sự đột phá, phạm vi ảnh hưởng rộng, thúc đẩy tỉnh Sơn La phát triển toàn diện.

Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới