Sức sống mới Phiêng Cằm

Về với xã vùng cao Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn hôm nay, ấn tượng với chúng tôi là tuyến đường nhựa rộng rãi, hai bên đường với những nương cà phê chín đỏ, xen với màu vàng óng của những đồi cam đang vào vụ thu hoạch, những ngôi nhà xây theo kiến trúc mới... Minh chứng cho sự đổi mới, phát triển ở một xã vùng cao đầy gian khó của huyện Mai Sơn trước kia.

Mô hình trồng cây ăn quả của nông dân bản Nặm Pút.

Khát vọng vươn lên

Phiêng Cằm, trong ký ức của những người đã từng đến đây là một xã vùng cao nghèo nàn, lạc hậu, giao thông cách trở. Xã có 19 bản, gần 1.500 hộ, trên 7.700 nhân khẩu với 5 dân tộc: Mông, Khơ Mú, Thái, Dao, Kinh cùng sinh sống; trong đó, dân tộc Mông chiếm 58%. Những năm trước, sự cách trở về giao thông đã làm kinh tế trì trệ, bà con chủ yếu trồng ngô, sắn, chăn nuôi nhỏ lẻ, hàng hóa, nông sản bị thương lái ép giá. Tỷ lệ hộ nghèo lên tới 86%.

Trong điều kiện xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí chưa đồng đều, Phiêng Cằm tập trung và tranh thủ mọi sự hỗ trợ của cấp trên, vận dụng sáng tạo và lồng ghép hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, xã tập trung huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, nhất là hạ tầng về giao thông, thủy lợi. Đến Phiêng Cằm lần này, con đường không còn “ổ trâu”, “ổ gà”, những con dốc dựng đứng, ngoằn ngoèo đã được thay bằng con đường thảm nhựa như dải lụa uốn lượn qua những quả đồi xanh mướt, đưa Phiêng Cằm gần hơn với trung tâm huyện Mai Sơn.

Niềm vui tiếp nối niềm vui, sau tuyến đường, nhiều công trình, dự án ở Phiêng Cằm tiếp tục đầu tư và đưa vào sử dụng như: Trụ sở làm việc xã, trạm y tế, trường học, các tuyến đường giao thông liên bản, nội bản, đường vào khu sản xuất được đầu tư xây dựng khang trang. Cùng với đó, hàng chục dự án sinh kế được triển khai tại các bản; nâng cấp công trình nước sinh hoạt, hệ thống điện lưới quốc gia; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện hộ nghèo... góp phần làm cho bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khang trang; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng cao.

Ông Giàng A Da, nguyên Chủ tịch UBND xã Phiêng Cằm, người chứng kiến những giai đoạn khó khăn nhất của xã, phấn khởi: Con đường như một giấc mơ đối với người dân 2 xã Phiêng Cằm và Chiềng Nơi, từ khi có đường nhựa, Phiêng Cằm như được “thay da, đổi thịt”, sản phẩm hàng hóa của bà con sản xuất không phải dùng xe máy chở từng bao ra Nà Ớt để bán như trước, mà được ô tô về tận nơi mua với giá cao; hàng tiêu dùng trong dịp tết được chở về bán tận xã, bản; thậm chí lên nương giờ cũng đi bằng xe máy.

Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã được đầu tư xây dựng khang trang, đồng chí Cầm Văn Bun, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Có đường, có điện, giúp các bản khó khăn của xã từng bước xóa dần những khoảng cách chênh lệch vùng miền. Sự thay đổi ấy, không chỉ ở diện mạo, còn trong “nội tại” cuộc sống của người dân. Vài năm trở về trước, nói đến công tác giảm nghèo khiến người ta không khỏi “e ngại”, bởi tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo còn ăn sâu trong nếp nghĩ của nhiều người dân nơi đây. Thế nhưng, giờ đây khát vọng vươn lên thoát nghèo của người dân được khơi dậy mạnh mẽ.

Vùng cao bừng sáng

Minh chứng cho lời nói, Chủ tịch UBND xã đưa chúng tôi đi tham quan các mô hình kinh tế của xã. Màu xanh của chè, cà phê, cây ăn quả phủ kín những triền núi báo hiệu những mùa ấm no về với các bản làng vùng cao Phiêng Cằm. Không khó để cảm nhận được nghị quyết của đại hội Đảng các cấp đã đi vào cuộc sống, được người dân đồng tình ủng hộ và ra sức thực hiện.

Nơi đầu tiên chúng tôi đến là mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Hà Văn Vui, bản Nặm Pút. Đứng từ sân nhà, chỉ tay lên quả đồi vàng rực của vườn cam, vườn bưởi. Ông Vui khoe: Đồi đó, trước chỉ trồng ngô, sắn, năm nào cũng không đủ ăn. Năm 2016, xã tạo điều kiện cho đi thăm một số mô hình trồng cây ăn quả, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1,2 ha đất trồng ngô sang trồng cây ăn quả. Đồng thời, liên kết với HTX Trường Tiến tại xã Chiềng Ban học tập kinh nghiệm. Năm nay, là năm thứ 3 cam đường canh cho thu hoạch, sản lượng 12-13 tấn/ha, giá bán 28.000-31.000 đồng/kg, trừ chi phí thu nhập trên 300 triệu đồng/ha/năm. Vụ này, thương lái đặt mua cả vườn cam, nên gia đình không lo đầu ra nữa.

Bà con bản Noong Tàu Thái, xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn thu hái chè.

Ngoài gia đình ông Vui, bản Nặm Pút có hàng chục hộ dân ngày càng giàu lên nhờ cây ăn quả. Anh Lò Văn Bó, Bí thư chi bộ, Trưởng bản, cho biết: Bản có 66 hộ, 295 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Thái. Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, bản tập trung thâm canh 60 ha cà phê, hơn 20 ha cam, hồng, mận hậu. Từ trồng cây ăn quả, năm 2023, có 6 hộ đã thoát nghèo.

Rời bản Nặm Pút, đến bản Nong Tầu Thái, gia đình anh Tòng Văn Liêm lựa chọn trồng cây mắc ca trên diện tích nương trồng ngô, sắn. Sau 2 năm trồng, cây mắc ca phát triển tốt. Ngoài gia đình anh Liêm, hơn 80 hộ của xã đang liên kết với Công ty TNHH MTV Đạt Thủy trồng hơn 70 ha mắc ca. Dự kiến, sau 5 năm trồng, mắc ca cho thu khoảng 400 triệu đồng/ha.

Không có lợi thế về đất đai, gia đình ông Lò Văn Phúc, bản Nong Tầu Thái nhận chăm sóc 1,3 ha chè cho Công ty cổ phần chè Sơn La. Trung bình mỗi năm tính cả tiền hái và công chăm sóc, gia đình ông có thu nhập 60-70 triệu đồng. Ông Phúc chia sẻ: So với trồng ngô, sắn, trồng chè hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần. Gắn bó với cây chè, gia đình tôi có cuộc sống khá giả, xây được nhà mới khang trang.

Được nghe, được tận mắt chứng kiến những cách làm, những bứt phá vươn lên của người dân xã Phiêng Cằm, chúng tôi thêm hiểu sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền xã trong việc hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng vào thực tế cuộc sống.

Tập quán sản xuất lạc hậu cũng dần được thay đổi, 5 năm trở lại đây, nông dân trong xã đã chuyển dần diện tích đất trồng ngô, lúa nương sang trồng 640 ha cây công nghiệp, gồm cây chè, cà phê; 211 ha cây ăn quả, chủ yếu là cam, mận, hồng, chanh leo, dâu tây... Phiêng Cằm đã định hình những sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao, được khách hàng ưa chuộng như cam đường canh, chanh leo. Đặc biệt với cây chè, nhờ tăng cường các biện pháp thâm canh, sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP đã hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, người dân nuôi trâu, bò nhốt ở xa nhà, không ô nhiễm môi trường; duy trì ổn định đàn gia súc trên 2.500 con, hơn 56.000 con gia cầm, trồng gần 50 ha cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc.

Đồng chí Cầm Văn Bun, Chủ tịch UBND xã Phiêng Cằm, chia sẻ thêm: Hiện nay, xã đang được huyện triển khai quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Phiêng Cằm; hệ thống giao thông linh hoạt theo địa hình; không gian cho các hoạt động của con người được bố trí dọc các trục di chuyển, các tuyến đi bộ được gắn kết với cảnh quan đồi chè, vườn cây dược liệu, các khu tiểu cảnh. Xã còn triển khai kế hoạch trồng cây phân tán ven các tuyến đường, tạo hình ảnh đặc trưng cho sản phẩm du lịch vùng cao...

Chia tay Phiêng Cằm, hình ảnh ấn tượng còn đọng lại mãi là nét mặt vui tươi của những người nông dân được mùa, những chuyến xe ô tô chở đầy ắp nông sản nối đuôi nhau xuống núi. Bản làng khoác lên mình màu áo mới, màu của ấm no, hạnh phúc... Tất cả minh chứng cho sức sống mới, bước chuyển mình đi lên của một vùng quê đang hòa nhịp chung cùng sự phát triển của huyện, của tỉnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới