Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, 5 năm qua, tỉnh Sơn La quyết liệt triển khai việc sắp xếp, sáp nhập các bản, tiểu khu chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định. Qua đó, khắc phục tình trạng bản, tiểu khu có quy mô dân số nhỏ, phân tán, ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực trong xây dựng kết cấu hạ tầng, nông thôn mới; đồng thời, từng bước nâng cao hoạt động của hệ thống chính trị và mức đãi ngộ cho người làm việc.
Quyết tâm chính trị cao
Đặc thù là tỉnh miền núi, giai đoạn trước, việc chia tách, thành lập các bản, tiểu khu phần lớn theo yếu tố tự nhiên, chưa xem xét các tiêu chí về diện tích, dân số. Trước khi thực hiện chủ trương sáp nhập bản, toàn tỉnh có 3.324 bản, tiểu khu, trong đó, 3.040 bản, tiểu khu (chiếm 91,4%) không đảm bảo quy mô về số hộ theo quy định. Do đó, việc tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, hạ tầng kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhất ở các bản vùng sâu, vùng xa chưa đảm bảo; mức phụ cấp, hỗ trợ cho các chức danh ở bản thấp, hoạt động có nơi chưa hiệu quả...
Xuất phát từ thực tế triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp, sáp nhập bản.
Cùng với đó, căn cứ các thông tư của Bộ Nội vụ quy định về tổ chức và hoạt động của bản, UBND tỉnh xây dựng, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 101/NQ-HĐND ngày 7/12/2018 thông qua Đề án sắp xếp, sáp nhập các bản, tiểu khu, tổ dân phố (gọi chung là bản) trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch kiểm tra, nắm bắt tình hình, tiến độ; kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Bám sát hướng dẫn của Trung ương và tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân về mục đích, yêu cầu của việc sáp nhập. Quán triệt tiêu chí: Đối với bản phải từ 200 hộ trở lên, đối với tiểu khu phải từ 300 hộ trở lên; bản, tiểu khu sáp nhập phải có vị trí địa lý liền kề nhau, địa hình không bị chia cắt, thuận tiện phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân,...
UBND huyện, thành phố ban hành quyết định thành lập Tổ đề án hoặc Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp, sáp nhập bản; phân công rõ trách nhiệm từng thành viên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc sắp xếp, sáp nhập bản tại các xã, phường, thị trấn. Đồng thời, thẩm định hồ sơ theo đề nghị của UBND xã; rà soát, giải quyết các vấn đề phát sinh sau khi tổ chức sắp xếp, sáp nhập bản. Đối với cấp xã, thành lập tổ công tác, xây dựng kế hoạch, thống kê diện tích, số hộ, cơ sở vật chất; nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng cán bộ, nhân dân, đưa ra lộ trình sáp nhập phù hợp; họp lấy ý kiến của cử tri về phương án sáp nhập, đặt tên, đổi tên, thành lập bản mới...
Bà Lương Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Sở thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai quy trình sắp xếp, sáp nhập bản; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tiến độ với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh để nắm bắt kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp, sáp nhập bản, đảm bảo lộ trình. Đồng thời, nắm bắt những khó khăn từ cơ sở để kiến nghị các cấp, ngành kịp thời xem xét, giải quyết. Từ đó, đưa các giải pháp theo phương châm nơi nào thuận lợi, đủ điều kiện, có phương án phù hợp với tình hình thực tế của địa phương thực hiện trước; nơi nào phức tạp, khó khăn, cần có lộ trình cụ thể và phải lắng nghe ý kiến từ phía nhân dân.
Tạo đồng thuận trong thực hiện
Thuận Châu là địa phương có số lượng bản nhiều nhất tỉnh, bám sát kế hoạch, hướng dẫn của tỉnh, huyện khẩn trương tổ chức triển khai. Trước khi sáp nhập, toàn huyện có 570 bản, trên 60% số bản có quy mô dưới 100 hộ. Do địa hình chia cắt, dân cư phân bố rải rác, nhiều dân tộc cùng sinh sống, phong tục tập quán khác nhau... là những rào cản thực hiện chủ trương sáp nhập.
Đồng chí Nguyễn Đắc Lực, Bí thư Huyện ủy Thuận Châu, cho biết: Việc sắp xếp, sáp nhập bản là nhiệm vụ lớn, thời gian triển khai không nhiều, phạm vi rộng, liên quan đến hầu hết các xã, tác động đến đội ngũ cán bộ cơ sở và nhiều người dân. Để thống nhất tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp làm tốt tuyên truyền, tổ chức các cuộc họp, đối thoại, tiếp xúc cử tri để phổ biến, giải đáp băn khoăn, thắc mắc của người dân nhằm tạo sự đồng thuận. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể các cấp ủy viên phụ trách địa bàn trực tiếp theo dõi, giám sát, giải quyết các vấn đề nảy sinh; chỉ đạo các phòng, ban, các xã, thị trấn triển khai đúng các bước quy trình sắp xếp, sáp nhập bản; cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn rà soát, xây dựng dự thảo Đề án sắp xếp, sáp nhập các bản, tiểu khu trình cơ quan chức năng xem xét. Với cách làm trên, Thuận Châu là huyện có số bản sáp nhập nhiều nhất với 234 bản, giảm từ 570 bản xuống còn 336 bản.
Tại huyện vùng cao Bắc Yên, địa phương xác định việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập bản là nhiệm vụ chính trị trọng tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng phòng Nội vụ huyện Bắc Yên, cho biết: Phòng tham mưu UBND huyện thành lập các đoàn công tác xuống cơ sở tuyên truyền về chủ trương, lấy ý kiến của nhân dân, đảm bảo có ít nhất 50% cử tri nhất trí phương án sắp xếp, sáp nhập mới trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Triển khai sáp nhập bản Nóng Khéo và bản Nhúng thành bản Đoàn Kết, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, cán bộ, đảng viên và người dân 2 bản có rất nhiều băn khoăn. Bà con bản Nóng Khéo cho rằng, từ nếp sống, sinh hoạt, cơ sở vật chất hiện có, đến các khoản đóng góp xây dựng nông thôn mới của 2 bản khác nhau, do 2/3 dân số bản Nóng Khéo là đồng bào dân tộc Mông, còn đa phần người dân bản Nhúng là đồng bào dân tộc Thái; khó có thể “dung hòa”; nên khi lấy ý kiến cử tri về việc sáp nhập, tỉ lệ đồng thuận thấp.
Ông Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Sặp Vạt, chia sẻ: Cấp ủy, chính quyền xã tổ chức nhiều buổi họp với cấp ủy, các đoàn thể và nhân dân 2 bản, làm công tác tư tưởng về việc sáp nhập cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, lấy ý kiến cử tri về đề án, tên gọi mới của bản; chỉ đạo, hướng dẫn các bản bầu cấp ủy tạm thời và bầu cử giới thiệu cấp ủy, các chức danh bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận.
Sau khi sáp nhập, nhà văn hóa bản Nóng Khéo có diện tích lớn hơn được sử dụng làm nơi sinh hoạt chung của bản mới; các sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán được duy trì, thực hiện hài hòa. Bằng nhiều giải pháp “hợp tình, hợp lý”, sau đó, quá trình sáp nhập 2 bản Nhúng và Nóng Khéo diễn ra thuận lợi. Cán bộ, nhân dân đồng tình, ủng hộ với số phiếu trên 90%.
Ngoài những địa phương đủ tiêu chuẩn sắp xếp, sáp nhập, vẫn còn các bản, tiểu khu không đủ tiêu chuẩn sắp xếp, sáp nhập theo quy định đang được các huyện rà soát, xây dựng đề án, tổ chức lấy ý kiến của nhân dân và tổ chức kỳ họp HĐND để thông qua. Trong quá trình xin ý kiến cử tri, đảm bảo phát huy dân chủ theo quy định, đa số người dân ủng hộ và đồng thuận.
Gỡ khó sau sáp nhập
Sắp xếp lại quy mô khu dân cư với mục tiêu tinh gọn bộ máy, giảm số người hoạt động không chuyên trách, nâng cao năng lực, chất lượng cán bộ cơ sở. Đồng thời, tạo thuận lợi để các bản củng cố, xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa. Tuy nhiên, sau khi các bản mới được hình thành, nảy sinh một số vướng mắc từ thực tiễn.
Tại xã Quang Huy, huyện Phù Yên, từ năm 2019, bản Chiềng Thượng và bản Bó Hốc chính thức sáp nhập thành bản Chiềng Thượng với 170 hộ, 683 nhân khẩu. Sau sáp nhập, cán bộ các bản phản ánh có khó khăn về quy mô tổ chức đảng và dân số các bản đều tăng, nhưng chế độ phụ cấp cán bộ không chuyên trách giữ nguyên nên chưa “động viên” được cán bộ; các thiết chế văn hóa cũ không còn phù hợp, địa bàn rộng, việc huy động nhân dân tham gia sinh hoạt gặp khó khăn...
Ông Cầm Văn An, Chủ tịch UBND xã Quang Huy, cho biết: Xã bàn bạc, đưa ra nhiều giải pháp, hướng cho ban quản lý bản giải quyết các vấn đề từ thực tiễn. Để tập hợp người dân đến tham gia sinh hoạt cộng đồng đầy đủ, các bản vận động nhân dân đóng góp, xây dựng các cụm loa truyền thanh, khi có việc cần triển khai, phát trên loa thông báo, người dân trong bản đều nghe và đến tham dự. Khắc phục thừa, thiếu chỗ ngồi tại các nhà văn hóa, xã vận động các bản sinh hoạt theo cụm, khu dân cư. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên gặp gỡ, động viên đội ngũ cán bộ bản yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Ông Cầm Ngọc Nhiến, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, chia sẻ: Công việc vất vả hơn nhưng được sự tín nhiệm của cấp ủy, chính quyền và ủng hộ của nhân dân, tôi phối hợp với ban công tác mặt trận và các đoàn thể điều hành tốt công việc của bản. Việc tổ chức họp ở đâu, cách thức báo họp bản, họp chi bộ như thế nào, huy động sức dân để làm việc chung, điều chỉnh quy ước, hương ước ra sao, ban quản lý bản đã có phương án cụ thể. Điều quan trọng sau sáp nhập, nhân dân trong bản đồng tình ủng hộ.
Bản Đoàn Kết và Chiềng Thượng chỉ là 2 trong nhiều bản đang “gỡ khó” hiệu quả sau sáp nhập. Dưới sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, các địa phương đã rà soát, xây dựng phương án, thực hiện quy trình sắp xếp, sáp nhập bản. Đồng thời, nhận diện rõ những tồn tại, bất cập, kịp thời hướng dẫn, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
(Còn nữa)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!