Rất cần có tuyến đường về bản Huổi Pặt

Đã nhiều năm nay, việc đi lại của nhân dân bản Huổi Pặt, xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã, gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm vì phải đi giữa lòng suối. Điều đáng nói là sự việc tồn tại nhiều năm, nhưng chưa được giải quyết, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân.

Lối rẽ về bản Huổi Pặt.

Từ trung tâm xã Đứa Mòn, chúng tôi vượt qua những con dốc đất đá lởm chởm bị xói mòn, nhiều đoạn bị sạt lở sau những trận mưa và chỉ có thể dắt bộ mới qua được. Sau gần 1 giờ vượt qua con đường 5 km này, chúng tôi đến được trung tâm bản Tỉa, xã Đứa Mòn. Cũng từ đây con đường rẽ vào bản Huổi Pặt được bắt đầu là con suối Nậm Con đang chảy siết. Đoạn "đường suối" này dài hơn 100 mét là con đường duy nhất mà nhiều năm qua người dân bản Huổi Pặt và 14 hộ bản Tỉa phải đi lại hằng ngày.

Ngày thường, qua đoạn này, người dân chủ yếu lội bộ, nếu đi xe máy phải có người hỗ trợ mới vượt qua được, nhưng thường chết máy do bị ngập nước. Còn trời mưa to thì nước dâng cao cả bản đành chịu không dám đi qua.

Lòng suối là đường đi duy nhất vào bản Huổi Pặt.

Ông Lò Văn E, là người cao tuổi trong bản, chia sẻ: Đã hơn 5 năm nay, chúng tôi phải đi qua lòng suối này, mỗi khi trời mưa là cả bản bị cô lập hoàn toàn, ngô, sắn đến mùa thu hoạch không chở ra bán được và cũng không có ai vào mua được; xe máy người dân thường xuyên bị chết máy do ngập nước và phải tốn nhiều tiền để sửa. Cách đây khoảng chục ngày, trong bản có ông Lường Văn Inh bị ốm nặng, phải đi viện cấp cứu, khi đó trời mưa to, nước dâng cao, để đi qua đoạn suối, đã phải huy động nhiều thanh niên khỏe mạnh trong bản xếp hàng dưới lòng suối rồi chuyền tay khiêng cáng qua đoạn đường này.

Đường vào bản Huổi Pặt, phụ huynh phải cõng con qua suối đi học.

Ông Lường Văn Hoàn, Trưởng bản Huổi Pặt, cho biết: Bản có 75 hộ, hơn 360 nhân khẩu. Trước đây, chúng tôi chỉ phải lội qua đoạn suối Nậm Con, năm nào dân bản cũng làm cầu tạm, nhưng chỉ sau trận mưa là bị nước lũ cuốn trôi. Năm 2014, một hộ gia đình ở bản Tỉa, khai hoang ruộng lấn chiếm hết con đường vào bản. Phía bên kia suối cũng bị một hộ lấn chiếm. Mặc dù đã nhiều lần có ý kiến đề nghị dừng khai hoang ruộng chiếm vào đường, nhưng do đoạn đường này là đất thuộc bản Tỉa nên đành chịu. Từ năm 2017 đến nay thì mất hết đường, cả bản phải đi qua lòng suối. Ban quản lý bản Huổi Pặt đã làm việc và đề xuất với Ban Quản lý bản Tỉa để xin mở lại đường, nhưng không được chấp nhận với lý do các hộ gia đình lấn chiếm không đồng ý. 

Ông Lường Văn Hoàn cho biết thêm: Ngoài đoạn đường dọc suối hơn 100 mét bị lấn chiếm thì  một số người dân bản Tỉa lại tiếp tục đưa máy xúc vào khai hoang ruộng, nhiều đoạn đường lại mất. Chắc là chỉ khoảng 2-3 năm nữa sẽ không có đường về bản nữa. Bản cũng đã kiến nghị với xã nhiều lần, nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Đường vào bản Huổi Pặt, phụ huynh phải cõng con qua suối đi học.

Làm việc với lãnh đạo xã Đứa Mòn về hướng tháo gỡ khó khăn cho bản Huổi Pặt, ông Đèo Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Đứa Mòn, cho biết: Từ năm 2018 đến nay, xã đã lên làm việc nhiều lần nhưng hai bản lại không hợp tác. Hiện, xã đang chờ hai bản báo cáo rồi mới có phương án?! Chỗ ruộng người dân bản Tỉa tự khai hoang chắc chắn là không được cấp quyền sử dụng...

Trước khi lãnh đạo xã Đứa Mòn nhận được báo cáo của hai bản thì hiện người dân bản Huổi Pặt và 14 hộ dân bản Tỉa nói vẫn đang phải đi lại qua "đường suối" đầy nguy hiểm này. Rất mong cấp ủy, chính quyền xã Đứa Mòn quan tâm, cần sớm có hướng giải quyết để người dân bản Huổi Pặt không phải lội suối về bản, để trẻ nhỏ được đến trường thuận lợi hơn, nhất là tránh để xảy ra những bức xúc, tiềm ẩn ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn.  

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 25/11/2024

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 25/11/2024

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của lưỡi áp cao lạnh lục địa suy yếu và di chuyển dần ra phía Đông; khoảng đêm 25/11 được tăng cường mạnh. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có cường độ ít thay đổi. Thời tiết: Nhiều mây, không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù, trời lạnh, vùng núi cao trời rét.
  • 'Ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp huyện Sông Mã

    Ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp huyện Sông Mã

    Huyện Sông Mã -
    Ngày 24/11, UBND huyện Sông Mã đã tổ chức Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp năm 2024, với sự tham dự của 28 doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cơ sở đào tạo và hơn 1.500 người lao động, đoàn viên, thanh niên đến từ 19 xã, thị trấn, học sinh cuối cấp các trường THPT, THCS của huyện.
  • 'Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo

    Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo

    Emagazine -
    Trong 2 lần tổ chức, thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với nhiều đổi mới, sáng tạo, Festival Ninh Bình đã mang lại cho người xem cách nhìn, cách tiếp cận khác về các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Các hoạt động được tổ chức theo hướng mở, tăng tính tương tác với cộng đồng để người dân và du khách có thể trực tiếp xem và tham gia vào các hoạt động của Festival.
  • 'Son sắt tình đoàn kết Việt Nam – Lào

    Son sắt tình đoàn kết Việt Nam – Lào

    Đối ngoại -
    Ngày 24/11, Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Sơn La tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào (30/10/1949 – 30/10/2024) và kỷ niệm 10 năm thành lập Ban liên lạc quân tình nguyện tỉnh Sơn La (2014 - 2024).
  • 'Khánh thành công trình điểm trường bản Huổi Ngà

    Khánh thành công trình điểm trường bản Huổi Ngà

    Huyện Quỳnh Nhai -
    Ngày 23/11, Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam VietComBank phối hợp với UBND huyện Quỳnh Nhai và xã Mường Giôn tổ chức khánh thành, bàn giao đưa vào sử dụng công trình điểm trường bản Huổi Ngà, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lả Giôn, xã Mường Giôn.  
  • 'Động lực thúc đẩy chăn nuôi bền vững

    Động lực thúc đẩy chăn nuôi bền vững

    Kinh tế -
    Thay đổi căn bản nhận thức của nông dân, áp dụng cải tiến kỹ thuật trong chăn nuôi; thành lập các nhóm sở thích, chủ động phòng, chống dịch bệnh, tận dụng phế phẩm nông nghiệp để tối ưu hóa nguyên liệu sản xuất; đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất… Đó là những kết quả nổi bật sau 2 năm triển khai Dự án "Năng suất chăn nuôi bền vững vì sinh kế, dinh dưỡng và hòa nhập giới" tại tỉnh Sơn La.