Nâng tầm du lịch Mộc Châu • Kỳ 2: Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn

Du lịch Mộc Châu đang có những khởi sắc với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút ngày càng nhiều du khác, là điểm đến của nhiều nhà đầu tư. Làm thế nào để Mộc Châu xứng tầm Khu du lịch Quốc gia, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Sơn La vẫn là những trăn trở của cấp ủy, chính quyền huyện Mộc Châu.

Nhận diện hạn chế, rào cản trong phát triển du lịch

Phải nói rằng, du lịch Mộc Châu ngày càng được nhiều du khách biết đến và lựa chọn. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở Mộc Châu còn bộc lộ nhiều hạn chế, như: Hệ thống hạ tầng du lịch thiếu đồng bộ, giao thông đấu nối từ quốc lộ, tỉnh lộ, nội huyện vào khu, điểm du lịch còn nhiều khó khăn bất cập. Lượt khách du lịch tăng, nhưng số lượng khách lưu trú dài ngày, sử dụng các sản phẩm dịch vụ của địa phương chưa nhiều. Cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch qui mô nhỏ, chưa đa dạng về loại hình, tính chuyên nghiệp chưa cao; tại các khu, điểm du lịch, dịch vụ giải trí, văn hóa chưa phát triển; thiếu các dịch vụ mua sắm, điểm vui chơi để thu hút khách du lịch.

Giải chạy Marathon đường mòn Việt Nam năm 2022 tại Mộc Châu.

Điển hình như Thung lũng mận Nà Ka, thị trấn Nông trường Mộc Châu, những xe trên 16 chỗ khó di chuyển xuống thung lũng, thiếu bãi đậu xe, nên khá bất tiện khi đến đây. Anh Dương Đức Sinh, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, chia sẻ: Mộc Châu nhiều điểm du lịch đẹp, nhưng đi lại còn bất cập, nhất là trời mưa, đường lầy lội. Cùng với đó, chưa có nhiều dịch vụ phục vụ du khách, các sản phẩm đặc trưng chưa nhiều. Du khách muốn ở lâu hơn cũng không biết đi đâu chơi; muốn mua quà cũng không có nhiều sự lựa chọn...

Nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, nâng cao và hoàn thiện các sản phẩm du lịch cũng như dịch vụ du lịch. Đây là một trong những yếu tố then chốt làm tăng khả năng cạnh tranh và sự sống còn trên thị trường du lịch cho từng doanh nghiệp, địa phương, rộng hơn là ngành du lịch của cả quốc gia. Thực tế nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch ở Mộc Châu còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu các kỹ năng cơ bản. Theo thống kê, Mộc Châu hiện có khoảng 2.800 lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, trong đó lao động có bằng trung cấp các ngành trở lên chiếm khoảng 40%, có chứng nhận nghiệp vụ du lịch chiếm khoảng 10 -12%, còn lại là lao động phổ thông.

Khu nghỉ dưỡng Resort Thảo Nguyên Mộc Châu.

Ông Lê Việt Ánh, Giám đốc Thảo Nguyên Resort Mộc Châu, chia sẻ: Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid -19, nguồn nhân lực bị phân tán rất nhiều. Việc tuyển dụng lao động trong lĩnh vực du lịch hiện nay rất khó khăn, nhất là những vị trí có tay nghề tốt vì đa số đã chuyển sang lĩnh vực khác. Vì vậy, chúng tôi bắt buộc phải tuyển dụng lại hoặc đào tạo lại. Điều đó sẽ mất thêm rất nhiều chi phí và thời gian.

Cùng với đó, việc xây dựng các tour, tuyến du lịch còn thiếu, chưa trở thành dịch vụ có thể bán cho các công ty lữ hành. Phát triển du lịch cộng đồng còn ít, chưa quan tâm đến kiến trúc, cảnh quan, tiềm năng, lợi thế. Hiện, Mộc Châu chưa có một bản du lịch nào đủ điều kiện được công nhận điểm du lịch. Sản phẩm du lịch chưa phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc; việc xây mới, tình trạng bê tông hóa tại một số điểm du lịch gây mất  đi cảnh quan thiên nhiên vốn có.

Công tác quy hoạch các khu, điểm du lịch chưa theo kịp nhu cầu phát triển du lịch, thiếu tầm chiến lược; giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho các khu, điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn còn nhiều bất cập, vướng mắc. Công tác quản lý điểm đến chưa hiệu quả, cơ sở lưu trú cạnh tranh không lành mạnh, sản phẩm quà lưu niệm du lịch còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn… Là những vấn đề đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền và những đơn vị làm du lịch trên địa bàn huyện Mộc Châu.

Nâng tầm du lịch Mộc Châu

Phát triển du lịch theo hướng bền vững, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phát huy bản sắc dân tộc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Nhận thức được những tồn tại, cấp ủy, chính quyền nơi đây đã và đang triển khai nhiều giải pháp với mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của huyện, dần đưa ngành du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đưa du lịch Mộc Châu phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Đoàn công tác khảo sát thực địa một số dự án tại huyện Mộc Châu

Đồng chí Trần Dân Khôi, Bí thư Huyện ủy, cho biết: Thực hiện các mục tiêu đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Đề án số 02 ngày 15/3/2021 về phát triển du lịch huyện Mộc Châu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp lớn được xác định tại Đề án, gồm: Phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch theo hướng đồng bộ; phát triển và nâng cao nguồn nhân lực; xây dựng sản phẩm du lịch xứng tầm tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, nông nghiệp và những trải nghiệm liên quan; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Mộc Châu; nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong phát triển và quản lý du lịch.

Tuyến quốc lộ 43 từ thị trấn Nông trường Mộc Châu đi xã Phiêng Luông được đầu tư nâng cấp.

Phấn đấu đến năm 2025 được công nhận là khu du lịch quốc gia, huyện Mộc Châu tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoach, quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt đầu tư các dự án hạ tầng cao cấp (4-5 sao), các khu du lịch sinh thái, khu vui chơi trải nghiệm; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã cấp chủ trương đầu tư; đôn đốc các nhà đầu tư, các dự án hạ tầng du lịch đẩy nhanh tiến độ thi công. Hoàn thiện, nâng cấp các công trình, hạng mục thuộc cơ sở hạ tầng (điện, đường, trạm,…) đặc biệt, phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ, góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư cao tốc Mộc Châu - Hoà Bình nhằm tạo thuận lợi cho khách du lịch. 

Tập huấn nghiệp vụ du lịch năm 2022 tại huyện Mộc Châu

Cùng với đó, tập trung nghiên cứu đánh giá đúng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn của ngành cả về nội dung nghề, trình độ và số lượng lao động cần đào tạo bồi dưỡng, tập huấn. Phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, tiêu chuẩn, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập.

Đa dạng hóa các sản phẩm, loại hình du lịch, dựa trên tài nguyên thiên nhiên: Các khu nghỉ dưỡng, cảnh quan (khu đồi chè, đồng cỏ, thung lũng mận, đồi hoa theo mùa), nghỉ tại trang trại, núi (du lịch leo núi, mạo hiểm), rừng (du lịch sinh thái), sông Đà,…

Sản phẩm du lịch dựa trên tài nguyên nhân văn, như: Các chương trình du lịch văn hóa, lễ hội, ẩm thực của các dân tộc trên địa bàn. Xây dựng sản phẩm du lịch gắn với thể thao: marathon, xe đạp nội bản, liên xã, địa hình, xuyên đồng cỏ, dạo đồi chè...(mở giải đua); dù lượn, khinh khí cầu,… Các sản phẩm du lịch gắn liền với những trải nghiệm nông nghiệp như hái dâu, hái quả, chế biến các sản phẩm chè, sữa, chanh leo... Xây dựng chương trình du lịch gắn liền sự kiện: MICE (du lịch hội nghị, sự kiện), teambuilding (phát triển nhóm), gala (tiệc sự kiện), festivals (Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu, Ngày hội hái quả,…), Tuần Du lịch trên Cao nguyên Mộc Châu…

Phát triển du lịch cộng đồng ở các bản có tiềm năng; củng cố các tuyến du lịch cộng đồng, giới thiệu các hoạt động và các trải nghiệm chính tại mỗi bản. Xây dựng các sản phẩm du lịch, các tour mới có sức hấp dẫn để thu hút du khách đặc biệt là khách quốc tế, tạo nên chuyến đi có nhiều trải nghiệm, nhiều sự hưởng thụ hơn cho khách du lịch.

Sản phẩm du lịch mới chợ đêm Mộc Châu của Công ty cổ phần du lịch Pha Luông.

 

Ông Đinh Hồng Phúc, Phó Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Pha Luông, Mộc Châu, chia sẻ: Để cao nguyên Mộc Châu ngày càng trở thành điểm đến thu hút du khách, tôi nghĩ các doanh nghiệp làm du lịch phải luôn tiên phong sáng tạo các sản phẩm du lịch mới, độc, lạ, hấp dẫn, nhưng phải tránh sự cóp nhặt, chắp vá, lai căng, cạnh tranh không lành mạnh. Liên kết, hợp tác trên cả bề rộng và chiều sâu để tạo nên một hệ sinh thái du lịch. Khơi dậy niềm tự hào của con người Sơn La nói chung và Mộc Châu nói riêng để cùng nhau phát triển du lịch.

Du khách trong và ngoài nước tham gia trải nghiệm tại Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mộc châu năm 2022

Hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Mộc Châu cũng là giải pháp được Mộc Châu quan tâm chú trọng. Thông qua việc đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng các video, phóng sự tuyên truyền, quảng bá trên VTV và các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, hình ảnh về Mộc Châu ngày càng được nhiều người biết đến.

Cùng với đó, Mộc Châu tích cực thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp để duy trì và triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch. Phát triển hạ tầng viễn thông, internet (đặc biệt là hệ thống internet công cộng) để đáp ứng nhu cầu sử dụng công nghệ trong hoạt động du lịch của người dân và du khách. Nghiên cứu các giải pháp nhằm tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch. Phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu đề ra, nhất là các chỉ tiêu về lượng khách, doanh thu xã hội từ du lịch, đào tạo bồi dưỡng nhân lực du lịch, sản phẩm du lịch, khu du lịch đạt chuẩn hài hòa cảnh quan, các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin nhằm từng bước thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.

Với định hướng phát triển khoa học, bài bản, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, tin rằng, du lịch Mộc Châu sẽ ngày càng vươn lên mạnh mẽ, là điểm đến hấp dẫn du khách trong hành trình du lịch qua miền Tây Bắc.

 

Việt Anh - Huy Thành

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới