Kỳ vĩ hồ trên núi • Kỳ III: Vươn tới mục tiêu là Khu du lịch quốc gia

Xây dựng vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành khu du lịch Quốc gia gắn với thương hiệu “Biển xanh trong lòng núi” là mục tiêu tỉnh Sơn La đề ra đến năm 2030. Hiện thực hóa mục tiêu, tỉnh Sơn La đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp từ công tác rà soát, quy hoạch, tham vấn các chuyên gia hoàn thiện Đề án; bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, tạo sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, hấp dẫn.

Vẻ đẹp vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.

Cần có sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt

Sau 3 ngày trải nghiệm, khám phá lòng hồ thủy điện sông Đà địa phận huyện Mường La, Quỳnh Nhai đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng về vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, thơ mộng, giàu bản sắc văn hóa các dân tộc sinh sống dọc vùng sông nước và cả sự thân thiện, gần gũi, mộc mạc của người dân nơi đây.

Hình ảnh du lịch vùng lòng hồ thủy điện ngày càng được nhiều bạn bè, du khách trong nước và quốc tế biết đến. Mặc dù vậy, ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết: Thống kê doanh thu du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La còn khiêm tốn khi mức chi tiêu bình quân khách quốc tế chỉ khoảng từ 600.000 - 900.000 đồng/ngày, khách nội địa 400.000 - 600.000 đồng/ngày. Nguyên nhân được chỉ ra, tổng thu từ khách du lịch chủ yếu là hoạt động ăn uống, lưu trú trong khi đó, khách du lịch đến vùng lòng hồ lưu trú qua đêm chỉ chiếm 8% còn lại phần lớn chỉ thăm quan trong ngày. Toàn tuyến mới có 32 cơ sở lưu trú, trong đó: 8 cơ sở ở Quỳnh Nhai, còn lại là Mường La. Hầu hết cơ sở lưu trú đều xa trung tâm huyện, chưa có tuyến giao thông và xe khách giành riêng cho du lịch, cũng như các dịch vụ cho thuê xe du lịch. Đơn cử Khách sạn Trung Kiên (Quỳnh Nhai) quy mô phòng nghỉ tiện nghi và nhiều phòng nghỉ nhất hiện nay, nhưng mới đáp ứng 100 du khách/đêm, còn lại phần lớn là nhà nghỉ, homestay với quy mô vài chục khách.

 

"Đảo trái tim" trên vùng hồ

 

Đánh giá về tiềm năng và chỉ ra những tồn tại, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam, cho biết: Tiềm năng du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La có thể nghiên cứu xây dựng, phát triển nhiều loại hình du lịch. Nhưng, tôi nhận thấy nguồn lực đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế; nhân lực du lịch còn thiếu và yếu cả về số lượng, chất lượng; sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chất lượng sản phẩm chưa cao, nên sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Việc phát triển du lịch vùng lòng hồ, vẫn chủ yếu mang tính tự phát, chưa phát huy đầy đủ lợi thế để trở thành “mắt xích” quan trọng trong chuỗi sản phẩm du lịch liên kết vùng. 

Những định hướng đặt kỳ vọng

Tham gia các đoàn công tác của tỉnh đi học tập kinh nghiệm, khảo sát du lịch lòng hồ và các hội thảo về phát triển du lịch lòng hồ, ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thông tin: Định hướng phát triển du lịch của tỉnh Sơn La, vùng lòng hồ thủy điện Sơn La được xác định là khu du lịch trọng điển của tỉnh. Cụ thể hóa định hướng tại Kết luận số 94-KL/TU ngày 23/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Đề án định hướng phát triển vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành Khu du lịch Quốc gia, phấn đấu hoàn thành trong quý IV năm 2022. 

Đề án định hướng phát triển sản phẩm du lịch theo hướng tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm du lịch có tính độc đáo, mới lạ, có tính cạnh tranh cao và phù hợp với thị trường, xu thế phát triển du lịch, đáp ứng nhu cầu của phân khúc khách cao cấp. Hình thành các vùng, khu, điểm du lịch động lực gắn với sản phẩm đặc thù để tạo sức hút du khách theo chuỗi giá trị trên cơ sở khai thác tài nguyên du lịch đặc thù của mỗi địa phương.

Lãnh đạo tỉnh, huyện Quỳnh Nhai và Tập đoàn Sun Group khảo sát lòng hồ thủy điện Sơn La.

Đề án cũng định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, du lịch nghỉ dưỡng khi tận dụng ưu thế nổi bật về cảnh quan mặt nước, muôn màu sắc trên lòng hồ, đặc biệt nằm trong vùng núi cao xanh tươi, mát mẻ phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp, bungalow… tại các đảo nổi, khu vực ven lòng hồ. Đầu tư các khu nghỉ dưỡng, các trung tâm chăm sóc sắc đẹp kết hợp chữa bệnh ở khu vực có nguồn nước khoáng nóng tại Hua Ít, thị trấn Ít Ong (Mường La); bản Bon, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai), với sản phẩm du lịch chính như: Spa, massage, yoya, thể dục dưỡng sinh, phục hồi sức khỏe, dưỡng bệnh, tắm suối nước nóng, chăm sóc, điều dưỡng, ứng dụng các bài thuốc dân gian… Ngoài ra, phát triển các ứng dụng độc đáo mới từ hoạt động sản xuất của địa phương trong thời kỳ mới như: Dược liệu, ứng dụng chăm sóc sức khỏe và làm đẹp từ chè, cà phê…

Bên cạnh đó, vùng lòng thủy điện Sơn La còn được định hướng sẽ thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch golf và thể thao, thể thao mặt nước, thể thao trên không, du lịch sự kiện, lễ hội. Ngoài ra, tỉnh Sơn La thu hút sản phẩm du lịch bổ trợ, như: Du lịch sinh thái dã ngoại, cắm trại, leo núi; du lịch sinh thái nông nghiệp; phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn; du lịch văn hóa; du lịch ẩm thực để bổ trợ các sản phẩm khác, gắn với đặc trưng văn hóa, thiên nhiên, lợi thế vùng lòng hồ. 

Khu du lịch tại đầu cầu Pá Uôn của HTX Thủy sản và du lịch sinh thái Quỳnh Nhai.

Ông Đặng Quang Giàu, Chủ tịch HĐQT HTX Thủy sản và du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, chia sẻ: Doanh nghiệp Quỳnh Nhai chúng tôi đang chờ đón doanh nghiệp có tiềm lực, kinh nghiệm lĩnh vực dịch vụ du lịch vào đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, đẳng cấp vùng lòng hồ. Trong khi các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, năng lực còn hạn chế, việc phát triển doanh nghiệp đang ở mức độ vừa hình thành còn thiếu kinh nghiệm thì việc có các nhà đầu tư lớn vào du lịch vùng lòng hồ sẽ là động lực, kéo theo sự phát triển của các doanh nghiệp làm du lịch ở địa phương. Cùng với đó, doanh nghiệp mong các sở, ngành chức năng khẩn trương làm thủ tục thông báo địa điểm, tính giá thuê đất, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp triển khai các dự án; tạo điều kiện giải quyết thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang phục vụ hoạt động du lịch để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoàn thiện thủ tục giấy tờ liên quan đến đầu tư phát triển du lịch.  

Một góc khu du lịch Trung Kiên đầu cầu Pá Uôn.

Đưa vùng lòng hồ trở thành khu du lịch Quốc gia

Đưa du lịch Sơn La trở thành điểm đến an toàn, hấp hẫn vùng Tây Bắc và định hướng đến năm 2030 vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành Khu du lịch Quốc gia, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Chương trình số 12-CTr/TU ngày 02/8/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW; sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Kết luận số 94-KL/TU ngày 23/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo khắc phục những tồn tại hạn chế, triển khai thực hiện tốt các mục tiêu trong nghị quyết, kết luận. Tiếp tục rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh như cơ chế ưu đãi trong các lĩnh vực đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng để thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy quan hệ hợp tác để phát triển du lịch bền vững... theo đúng quy định, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

 

Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Đề án về phát triển du lịch Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực cũng yêu cầu các sở, ngành của tỉnh, các huyện cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn. Xây dựng quy hoạch và tăng cường quản lý thực hiện quy hoạch trong phát triển du lịch của tỉnh, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tiếp tục xây dựng và hoàn thành các dự án, đề án phát triển du lịch. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động du lịch; chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, khác biệt, chuyên biệt, xây dựng các khu, điểm du lịch, bản du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Phát triển thị trường du lịch; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá về tài nguyên, tiềm năng, lợi thế du lịch Sơn La để phát triển thị trường du lịch trong nước và quốc tế…

Đảm bảo nguồn lực phục vụ du lịch, tỉnh Sơn La tập trung đào tạo bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch ở các cấp; thu hút nguồn nhân lực trẻ có tiềm năng thông qua chế độ đãi ngộ thỏa đáng; lựa chọn các cán bộ trẻ, có năng lực để đào tạo cán bộ nguồn cho bộ máy quản lý du lịch. Đối với nguồn nhân lực du lịch, khối doanh nghiệp tập trung vào đào tạo tại chỗ để khai thác nguồn lực tại địa phương đảm bảo yêu cầu sử dụng lao động địa phương là chủ yếu. Bên cạnh đó, thu hút lao động có chất lượng cao từ các địa phương và khu vực khác để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cũng như nguồn nhân lực của du lịch.

UBND huyện Quỳnh Nhai, Hiệp hội Du lịch tỉnh và Hiệp hội Du lịch Hà Nội ký kết tour 3 ngày 2 đêm Hà Nội - thành phố Sơn La - Quỳnh Nhai - Thuận Châu.

Ngày 27/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 751-KL/TU tiếp tục chỉ đạo triển khai phát triển du lịch; kịp thời tháo gỡ khó khăn về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, quản lý đầu tư xây dựng, thu hút đầu tư; tập trung triển khai thực hiện các dự án, đề án đã được phê duyệt sớm đưa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La vào quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Những định hướng chiến lược phát triển lâu dài và những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cho du lịch sẽ là đòn bẩy để Du lịch Sơn La nói chung và Du lịch lòng hồ thuỷ điện Sơn La nói riêng bứt phá vươn lên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn trong cung đường du lịch vùng Tây Bắc. 

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới