Bức tranh du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La đa sắc màu không chỉ bởi vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ, núi non trùng điệp, hùng vĩ, còn là những nét độc đáo trong văn hóa các dân tộc đã níu chân du khách mỗi lần đến đây. Mục tiêu của tỉnh Sơn La là đến năm 2030, xây dựng vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành Khu du lịch Quốc gia.
Khu du lịch tâm linh huyện Quỳnh Nhai.
Đậm nét giá trị lịch sử, di sản văn hóa dân tộc
Trong tour du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La, ngoài thời gian trải nghiệm, khám phá cảnh đẹp sông nước, chúng tôi dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Thực hiện công trình thủy điện Sơn La, toàn tỉnh đã phải di chuyển trên 12.500 hộ ra khỏi lòng hồ; sau tích nước, địa hình khu vực vùng lòng hồ khá đặc biệt với các dãy núi cao, đảo nhỏ, nhiều nhánh sông suối, đặc biệt là địa hình Karst phổ biến tạo nên các hang động tự nhiên đẹp, có giá trị thu hút khách du lịch.
Hang Co Noong, tại bản Hua Lon, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La là một hang động nổi bật. Hang động có hình dạng giống như tổ ong khổng lồ, nên người dân địa phương đặt tên là “Co Noong”. Hang không chỉ nổi tiếng về cảnh đẹp, còn là một di chỉ khảo cổ với nhiều dấu vết sinh sống của người Việt cổ. Đứng ở cửa hang nhìn xuống, quan sát được cả công trình thủy điện Sơn La, thị trấn Ít Ong, rừng cao su Phiêng Tìn, cầu cứng Mường La và toàn bộ vùng hạ lưu sông Đà...
Hang Co Noong, thị trấn Ít Ong.
Di tích Đồn Pom Pát, bản Huổi Ít, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, là nơi xây dựng đồn và công sự của thực dân Pháp trong chiến dịch Tây Bắc. Hiện nay, di tích còn khoảng 200 m tường rào bao quanh và hai lô cốt chỉ huy. Di tích là bằng chứng tố cáo tội ác của thực dân Pháp. Đồn Pom Pát được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 28/4/2006.
Bức tường còn lại của Đồn Pom Pát, bản Hua Ít, thị trấn Ít Ong.
Còn tại ngọn núi Lán Le, bản Nà Pát, xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai, có ngôi mộ với niên đại khoảng 2.000 năm. Qua khảo sát của các nhà khảo cổ học, dựa trên đồ tùy táng đi cùng, nhận định đây là mộ của một thủ lĩnh thời Đông Sơn. Điều đó cho thấy, có dấu ấn của cư dân Đông Sơn tại vùng Sơn La và vùng Tây Bắc đã được cộng đồng các dân tộc Việt Nam khai phá, gìn giữ, phát triển.
Trước đó, tại xã Chiềng Khoang, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam nghiên cứu, phục dựng những di vật cổ xưa được khai quật tại vùng hồ thủy điện Sơn La trước khi ngập nước. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam khi ấy, nhận định: Đây là những di cốt khảo cổ rất quý, giúp các nhà khoa học tìm hiểu nền văn hóa Phùng Nguyên xa xưa ở vùng Tây Bắc. Di cốt được tìm thấy ở vùng hồ thủy điện Sơn La thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên, cách đây khoảng 4.000 năm về trước.
Nhóm nghiên cứu cùng đoàn công tác Sở KH&CN kiểm tra các di vật di chỉ sau khai quật ở lòng hồ thủy điện Sơn La (năm 2016).
Bản sắc văn hóa dân tộc, ẩm thực phong phú và hấp dẫn là cơ sở, thế mạnh để phát triển du lịch lòng hồ đa dạng và bền vững. Khu vực vùng lòng hồ thủy điện Sơn La có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống: Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú, La Ha, Kháng. Bản sắc dân tộc là yếu tố góp phần làm giảm nhẹ đi tính mùa vụ của ngành du lịch, bên cạnh đó còn là điểm nhấn riêng biệt của vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.
Lễ dâng hương chiều 30 Tết tại khu Linh Sơn - Thủy Từ - Nàng Han, huyện Quỳnh Nhai.
Hát then của người Thái trắng Quỳnh Nhai được duy trì.
Múa khăn piêu tại nhà nổi Mường Trai, huyện Mường La.
Thêm vào đó, một số lễ hội vẫn được duy trì tốt tại khu vực lòng hồ, như: Kin Pang Then của người Thái trắng (Quỳnh Nhai); đua thuyền và lễ hội gội đầu (Quỳnh Nhai). Đặc biệt hơn, “Nghệ thuật xòe Thái” ở Tây Bắc đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây sẽ là điểm nhấn quan trọng để giới thiệu, quảng bá đến bạn bè trong nước, quốc tế về nét đẹp, độc đáo của kho tàng văn hóa dân gian phong phú, đa dạng, giàu bản sắc của đồng bào dân tộc Thái.
Để du lịch vùng hồ thuỷ điện Sơn La hấp dẫn hơn
Những lợi thế về vị trí, tiềm năng phát triển cũng như sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đã và đang hình thành những khu, điểm, tuyến du lịch mang nét đặc trưng, riêng biệt.
Tuy nhiên, vùng lòng hồ Sơn La cần có thêm những định hướng mới, phát triển thêm các sản phẩm, tạo cạnh tranh, thương hiệu và điểm nhấn thu hút khách du lịch.
Kỳ vỹ vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.
Từng tham gia các đoàn khảo sát trên địa bàn tỉnh, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Tiên Phong Travel, đại diện Câu lạc bộ lữ hành Unesco Hà Nội, chia sẻ: Ở cấp khu vực, vùng lòng hồ thủy điện Sơn La là một trong những điểm đến mới; thu hút khách du lịch bằng vẻ hoang sơ và bản sắc đậm đà của dân tộc Thái. Hiện nay, các tài nguyên du lịch và điểm du lịch thuộc vùng lòng hồ chỉ đóng vai trò là điểm du lịch mới, còn ở mức độ sơ khai, mới chỉ được chọn làm điểm dừng chân trong các tuyến du lịch liên vùng như Hà Nội - Yên Bái, Hà Nội - Điện Biên. Nguyên nhân là do các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa được đầu tư xứng tầm; thiếu khách sạn quy mô lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế từ 4 sao trở lên; cơ sở lưu trú trong khu vực chưa được rà soát, phân loại và kiểm duyệt về chất lượng thường xuyên; nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu, chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản.
Khách sạn Trung Kiên nằm cạnh cầu Pá Uôn, bên lòng hồ thủy điện Sơn La.
Những điểm yếu, hạn chế du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La cũng được cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch của tỉnh nhận diện. Đó là, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch hạn chế; nguồn lực đầu tư phát triển du lịch hạn chế; công tác tham mưu chậm đổi mới, thiếu linh hoạt, chưa theo kịp xu thế phát triển du lịch trong nước và quốc tế; hệ thống hạ tầng du lịch thiếu đồng bộ, giao thông đấu nối từ quốc lộ, tỉnh lộ, nội huyện vào khu, điểm du lịch còn nhiều khó khăn, bất cập chưa an toàn; việc gắn kết trong hoạt động du lịch giữa các địa phương trong vùng lòng hồ thủy điện Sơn La; gắn kết du lịch với các ngành sản xuất, kinh tế khác còn hạn chế; chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược ...
Ông Lò Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, thông tin: Quỳnh Nhai đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp, bungalow... tại các đảo nổi, khu vực ven hồ. Đầu tư các khu nghỉ dưỡng, các trung tâm chăm sóc sắc đẹp kết hợp chữa bệnh ở khu vực có nguồn nước khoáng nóng, với sản phẩm chính, như: Spa, massage, yoga, thể dục dưỡng sinh, tắm khoáng nóng...
Khu nghỉ dưỡng Pá Uôn Ecolakes ở đầu cầu Pá Uôn.
Tại khu vực ven hồ, phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng loại hình biệt thự, căn hộ cao tầng gắn với quyền sử dụng đất lâu dài để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch. Phát triển các hoạt động thể thao, như: Golf, dã ngoại (trekking) mạo hiểm, chạy Marathon, bán Marathon, đạp xe xuyên rừng, đua mô tô, ô tô địa hình, leo núi, chinh phục đỉnh núi cao...
Bà Nguyễn Hoàng Oanh, Giám đốc Top Travel, cho rằng: Tỉnh Sơn La cần tận dụng lợi thế diện tích mặt nước lớn, trong xanh, phát triển các hoạt động thể thao mặt nước như chèo thuyền kayak, đua thuyền, cano, lướt ván... Ưu tiên đầu tư xây dựng câu lạc bộ thể thao nước, bến thuyền du lịch. Hình thành chương trình du lịch khám phá từ trên cao, trải nghiệm du lịch khác biệt, khám phá thiên nhiên trên không, như: Dù bay, khinh khí cầu, dù lượn, máy bay không người lái hoặc zipline, thả bè, mảng...
Du khách đến thăm quan Đảo Trái tim.
Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La được tỉnh Sơn La xác định là 1 trong 7 khu du lịch trọng điểm của tỉnh, gắn với mục tiêu đưa “lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành Khu du lịch Quốc gia”. Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Đề án được triển khai trên phạm vi phân tích đánh giá phát triển kinh tế du lịch ở các huyện liên quan trực tiếp: Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La đến giáp ranh 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu; nghiên cứu mối liên hệ giữa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trong tỉnh với thành phố Sơn La, khu du lịch Quốc gia Mộc Châu và các khu vực trọng điểm phát triển du lịch khác của tỉnh, khả năng kết nối trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. Hiện nay, ngành đang xin ý kiến các đơn vị, cơ quan chuyên môn để hoàn thiện đề án.
Ba ngày trọn vẹn, khám phá tour du lịch trên dòng sống Đà ở các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, nhận thấy hoạt động du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La mới chỉ ở mức độ tự phát, quy mô nhỏ, chưa thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Trong số tổng thu từ khách du lịch, mới chủ yếu thu từ hoạt động ăn uống. Còn thu dịch vụ lưu trú khách du lịch đến vùng lòng hồ chỉ chiếm khoảng 7,9%, còn lại phần lớn chỉ tham quan trong ngày...
Đây là bài toán đặt ra cho ngành du lịch tỉnh nhà cần tiếp tục nghiên cứu, tham vấn, đề xuất với tỉnh các giải pháp về cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực và kinh nghiệm xây dựng các tour tuyến, sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, đẳng cấp để xứng tầm khu du lịch lòng hồ gắn với thương hiệu "Biển xanh trong lòng núi" mang tầm cỡ Quốc gia.
(còn tiếp)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!