(Tiếp theo kỳ trước) Tiếp tục chuyến hải trình cùng Đoàn công tác Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân trên tàu Trường Sa 21 đi kiểm tra trực sẵn sàng chiến đấu, thăm, chúc tết các nhà giàn DK1, chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện xúc động, những tấm gương hy sinh thầm lặng của chiến sĩ Hải quân Tiểu đoàn DK1, giữa biển khơi đầy phong ba, bão tố, mưa giông, giữa cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc, vẫn kiên cường bám trụ Nhà giàn đến hơi thở cuối cùng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”. Để Nhà giàn DK1 hôm nay hiên ngang trụ vững giữa ngàn khơi, khẳng định là cột mốc chủ quyền trên biển của Việt Nam.
Còn người, còn nhà giàn
Thời tiết khắc nghiệt, không thể tiếp cận để lên các nhà giàn: DK1/11, DK1/14 và DK1/12 tại bãi Tư Chính thăm cán bộ, chiến sỹ, phải đến Nhà giàn DK1/10, tiết trời thuận lợi, chúng tôi mới được đặt chân lên nhà giàn. Trò chuyện với Thượng tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1, với những câu chuyện kể về truyền thống nhà giàn DK1, như đưa chúng tôi ngược dòng lịch sử trở về những ngày đầu xây dựng; những tấm gương anh dũng hy sinh của các lớp cán bộ, chiến sĩ Hải quân bảo vệ Nhà giàn DK1 với niềm tin sắt đá “còn người, còn nhà giàn”.
Cuối tháng 8/1988, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân đã báo cáo, đề nghị Bộ Chính trị cho chủ trương tổ chức lực lượng ra đóng tại các khu vực bãi cạn trên thềm lục địa phía Nam, làm chỗ dựa cho các hoạt động thăm dò, khai thác và nghiên cứu của các ngành thủy sản, dầu khí, khí tượng thủy văn.
Trên cơ sở đề nghị của Quân chủng Hải quân, Đảng và Nhà nước đã tiến hành chủ trương xây dựng Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ tại khu vực các bãi đá ngầm trên thềm lục địa phía Đông Nam - gọi tắt là DK1. Ngày 5/7/1989, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã chính thức tuyên bố thành lập Cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ thuộc sự quản lý hành chính của Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo; nay là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Nhiệm vụ của các nhà giàn là điểm tựa của ngư dân đánh bắt hải sản trên biển, thiết lập các đèn biển, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu bè qua lại trên các vùng biển phía Nam Tổ quốc từ Trường Sa đến khu vực Côn Đảo…
Ngoài ra, các lực lượng đóng trên các nhà giàn còn có nhiệm vụ quan trọng khác là đảm bảo yêu cầu sẵn sàng chiến đấu bảo vệ các quyền của Việt Nam trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Hải quân nhân dân Việt Nam chính là lực lượng được giao nhiệm vụ đảm nhận trọng trách đóng quân trên những khu nhà giàn nằm chênh vênh bên thềm lục địa.
Những ngày đầu ra công tác tại nhà giàn chỉ thấy trên là trời, dưới là biển, thiếu đủ thứ như nước ngọt, rau xanh, máy phát điện... và chỉ trông chờ vào tiếp tế. Công tác tiếp tế cũng gặp khó khăn khi nhà giàn chưa có cầu thang, mỗi lần chuyển hàng lên giàn rất nguy hiểm. Dù gian khổ, vất vả, những đã có biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ dành trọn tuổi thanh xuân của mình để xây dựng, gìn giữ những ngôi nhà giàn trở thành những pháo đài thép hiên ngang giữa biển trời; khẳng định đanh thép về chủ quyền của Việt Nam trên thềm lục địa phía Nam.
Mạch câu chuyện ngắt quãng khi Thượng tá Nghiêm Xuân Thái xúc động kể về đêm ngày 4, rạng sáng ngày 5/12/1990, cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông; đã làm Nhà giàn DK1/3 cụm Phúc Tần bị đổ hất toàn bộ cán bộ, chiến sỹ xuống biển.
Thượng úy Trần Hữu Quảng đã nêu cao vai trò người Bí thư Chi bộ, động viên đồng đội bám sát, hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ. Cận kề giữa sự sống và cái chết, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sỹ yếu nhất, nhường sự sống cho đồng đội, rồi thanh thản ra đi vào cõi vĩnh hằng.
Đến năm 1998, trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8, Nhà giàn DK1/6 cụm Phúc Nguyên lại bị nghiêng, rung lắc dữ dội, cán bộ, chiến sĩ vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với Sở Chỉ huy Quân chủng Hải quân, bình tĩnh, dũng cảm, kiên cường chống chọi với những trận cuồng phong giữa đêm đen mịt mùng, với tinh thần “Còn người, còn nhà trạm”, quyết bám trụ đến cùng.
Đến khi Nhà giàn bị đổ, cả 9 cán bộ, chiến sỹ bị hất tung xuống biển; mặc dù lực lượng cứu hộ đã rất cố gắng, nhưng 3 cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp đã anh dũng hy sinh. Trong đó, có Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An ra đi khi con nhỏ mới chào đời chưa một lần kịp nhìn mặt bố; còn Chuẩn úy Lê Đức Hồng đã cố gắng đến cùng để giữ vững thông tin liên lạc với Sở Chỉ huy Quân chủng, đến khi Nhà giàn bị đổ, chỉ kịp gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền” để rồi thanh thản ra đi, mãi nằm lại với biển khơi...
Ngừng lời kể, không gian trở nên tĩnh lặng, các thành viên trong Đoàn công tác đều không giấu nổi niềm xúc động, không ai nói nên lời. Sự hy sinh của các anh là những tượng đài thép, khẳng định dấu mốc chủ quyền bất tử trên biển Đông, trên thềm lục địa của Tổ quốc.
Thượng tá Nghiêm Xuân Thái cho biết thêm: Để tăng cường sức mạnh chiến đấu và khả năng quản lý bảo vệ DK1 của lực lượng tại chỗ, năm 1993, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Khung quản lý DK1, lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn DK1, trực thuộc Lữ đoàn 171 Hải quân trên cơ sở các đơn vị nhà giàn DK1 được xây dựng trước đó. Từ năm 1993 đến 1998, Nhà nước ta đầu tư xây dựng thêm 13 nhà giàn trên các bãi ngầm, đưa tổng số trạm được xây dựng trên khu vực DK1 lên 20 nhà giàn; đồng thời, nâng cao chất lượng xây dựng các công trình, sự bền vững và khả năng hoạt động của các nhà trạm. Nhưng do sự khắc nghiệt của biển khơi, sóng gió bão giông tàn phá liên tục, mặt khác, do ban đầu chúng ta chưa có kinh nghiệm bảo đảm về kỹ thuật trong xây dựng cũng như gia cố, sửa chữa, đến năm 2000, có 5 nhà giàn bị đổ, còn lại 15 nhà giàn hoạt động cho đến ngày nay.
Ngày 19/3/2009, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký quyết định số 671/QĐ-BQP thành lập Vùng 2 Hải Quân. Tiểu đoàn DK1 trở thành một trong các đơn vị trực thuộc Vùng 2 Hải quân. Từ năm 2010 đến năm 2016, 14 nhà giàn DK1 được nâng cấp, sữa chữa vững chắc khi được lắp bổ sung thêm một trạm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chỉ còn Nhà giàn DK1/10 là chưa được nâng cấp, nên chỉ có 1 trạm vừa ở, vừa huấn luyện và tăng gia.
Phát huy truyền thống hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, Tiểu đoàn DK1 làm tốt nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Các nhà giàn đã phát hiện hàng nghìn lượt tàu, thuyền vượt qua lại khu vực; xua đuổi hàng trăm lượt tàu thuyền nghiên cứu, thăm dò, trinh sát của nước ngoài. Quan sát, phát hiện nhiều lượt tàu chiến, máy bay trinh sát nước ngoài, báo cáo về Sở chỉ huy các cấp để kịp thời xử lý.
Đứng chân trên Nhà già DK1/10, chỉ thấy trên là trời dưới là biển, xung quanh mênh mông biển nước. Chúng tôi thực sự khâm phục những hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân thực hiện nhiệm vụ trên Nhà giàn DK1, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; vì sự bình yên của nhân dân trong đất liền.
Tết sớm nơi đầu sóng, ngọn gió
Trong khung cảnh mênh mông biển trời sóng nước, phút gặp gỡ giữa người lính hải quân trên Nhà giàn DK1/10 với chúng tôi - những vị khách từ đất liền bỗng trở nên gần gũi, ấm áp. Cùng nhau vận chuyển những cành mai, cành đào, chậu quất, thùng quà tết vào Nhà giàn và bày biện, trang trí tết. Nhà giàn DK1/10 phút chốc rực rỡ sắc xuân, với đầy đủ quất, mai, đào và bánh, mứt, kẹo và câu đối tết… được sắp đặt trang trọng trong căn phòng giữa nhà giàn.
Ở giữa biển khơi, những con sóng vẫn thi nhau xô vào chân nhà giàn ầm ào, nhưng những câu chuyện, tiếng cười nói rộn vang khắp Nhà giàn đã át đi tiếng sóng. Mọi người cùng lau lá dong, chuẩn bị gạo nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ tươi ngon từ đất liền gửi ra để gói những chiếc bánh chưng vuông vắn.
Trong câu chuyện, chúng tôi biết được Trung úy Hoàng Văn Tài, 28 tuổi, quê Hà Tĩnh, nhân viên Quân y tại Nhà giàn DK1/10, được phân công về thực hiện nhiệm vụ tại Nhà giàn DK1/10 vào tháng 11/2022, khi mới cưới vợ được hơn 1 tháng, chưa kịp được hưởng tuần trăng mật.
Trung úy Hoàng Văn Tài chia sẻ: Làm vợ người lính Hải quân luôn chịu nhiều thiệt thòi. Khi hoàn thành nhiệm vụ về đất liền, tôi sẽ bù đắp cho cô ấy. Đây cũng là lần đầu tiên tôi ăn tết ngoài Nhà giàn. Mặc dù rất nhớ nhà, nhớ vợ, nhưng đã là chiến sĩ Hải quân chúng tôi phải vượt qua, để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, biển đảo.
Còn Trung úy Đặng Văn Tiến, có 34 tuổi đời, nhưng anh đã thực hiện nhiệm vụ tại 6 nhà giàn, cũng 6 năm qua, anh ăn tết xa nhà. Anh Tiến nói: Tết là để sum vầy, nên ai cũng nhớ đất liền, nhớ gia đình thân yêu, nhưng hằng năm, đều có Đoàn từ đất liền đến thăm hỏi, mang quà Tết đến nhà giàn đầy đủ như ở đất liền, giúp chúng tôi nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Quyết tâm chắc tay súng, canh giữ biển trời quê hương của Tổ quốc.
Tết ở Nhà giàn cũng không thể thiếu những hoạt động văn hoá, văn nghệ tạo không khí phấn khởi, vui tươi, mang đến đời sống tinh thần phong phú. Dù mỗi người đến từ một vùng quê khác nhau, nhưng các cán bộ, chiến sĩ luôn xem nhau như người thân trong gia đình, cùng chia ngọt, sẻ bùi và đều có chung một tình yêu lớn dành cho biển đảo của Tổ quốc.
Vui xuân không quên nhiệm vụ
Thiếu tá Lâm Văn Hiến, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/10, nhấn mạnh: Đón Xuân mới, nhưng chúng tôi không quên nhiệm vụ. Dù bất kỳ hoàn cảnh nào, luôn đặt vấn đề huấn luyện, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, không để bị động trong mọi tình huống. Anh em chiến sĩ Nhà giàn luôn đoàn kết một lòng, duy trì chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc các chế độ trực ban trong ngày. Túc trực, theo dõi tình hình biển 24/24h, phát hiện và báo cáo kịp thời các diễn biến, có phương án xử lý mọi tình huống kịp thời.
Đại tá Đặng Mạnh Hùng, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân, cho biết, mỗi dịp Tết đến xuân về, các nhà giàn DK1 đều nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội, các cơ quan dân chính đảng và đồng bào cả nước. Những món quà về vật chất lẫn tinh thần là niềm động viên to lớn, giúp cán bộ, chiến sĩ an tâm làm nhiệm vụ. Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân đã quán triệt Cấp ủy, Chỉ huy Tiểu đoàn DK1 tổ chức Tết cho cán bộ, chiến sĩ vui tươi, an toàn, tiết kiệm và luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Mùa xuân đã đến, mang theo bao ước vọng, những cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 vui xuân, đón tết nơi đầu sóng ngọn gió luôn vững vàng tư tưởng, gác lại niềm riêng, tập trung thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước tin tưởng giao phó.
Niềm vui của các anh, ước vọng của các anh chỉ trọn vẹn khi nhân dân cả nước đón Tết yên bình; Nhà giàn DK1 - cột mốc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam luôn vững chắc trên biển!
(Còn nữa)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!