Những ngày tháng 10, Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) đón hàng trăm đoàn khách đến dâng hương, tưởng nhớ 55 năm Ngày mất của các Anh hùng liệt sĩ “Tiểu đội thép” huyền thoại cùng các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh nơi “tọa độ lửa”.
Sau 55 năm từ vùng đất hoang tàn bởi hậu quả chiến tranh để lại, cán bộ, nhân dân nơi đây đang phát huy truyền thống anh hùng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Khúc tráng ca nơi “tọa độ lửa”
Với vị trí chiến lược trong việc vận chuyển lương thực, vũ khí cho chiến trường miền Nam, con đường 15A trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ, trong đó, Truông Bồn được mệnh danh là "túi bom", là "tọa độ lửa" bởi hàng chục nghìn quả bom trút xuống, nhằm cắt đứt con đường huyết mạch này.
Một góc Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn. |
Theo lịch sử ghi lại, suốt cuộc chiến tranh phá hoại, trên vùng trời Đô Lương hầu như ngày nào cũng có máy bay do thám quần lượn. Từ năm 1964 - 1968, đế quốc Mỹ đã tập trung máy bay ném bom hòng phá hủy con đường vận tải chiến lược này. Trong khoảng thời gian đó, địch đã trút xuống mảnh đất anh hùng này 18.936 quả bom các loại và hàng chục nghìn quả tên lửa, tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến đường.
Giữa mảnh đất bom cày đạn xới, khi mà cái chết luôn cận kề nhưng các chiến sĩ nơi đây vẫn ngày đêm bám trận địa, với quyết tâm sắt đá “tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc” để giữ vững mạch máu giao thông. Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) đã san lấp hố bom, thông đường cho xe ra tiền tuyến. Trong cuộc chiến sinh tử này, 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh, tiêu biểu là sự hy sinh của 13 chiến sĩ TNXP Đại đội 317.
Những hiện vật gắn liền với “tọa độ lửa” Truông Bồn. |
Trong gian khó, trong hiểm nguy, những người TNXP vẫn bám cầu, bám đường, kiên cường giữ mạch đường thông suốt. 6 giờ 10 phút ngày 31-10-1968, khi chỉ còn ít giờ nữa đế quốc Mỹ phải ngừng ném bom trên toàn miền Bắc, những tốp máy bay Mỹ đã trút xuống Truông Bồn 170 quả bom phá. Toàn bộ "Tiểu đội cảm tử" bị vùi trong đất, đá; 13 người mãi mãi nằm xuống tọa độ lửa này...
13 TNXP tuổi đời còn rất trẻ, chỉ ít giờ nữa thôi, họ sẽ hoàn thành nhiệm vụ trên “tọa độ lửa” Truông Bồn, mỗi người sẽ thực hiện một kế hoạch riêng của cuộc đời mình. 5 chị chuẩn bị bước vào giảng đường, giấy báo nhập học vẫn đang gói trong từng chiếc khăn mùi soa. Và ít tiếng nữa thôi, chị Nguyễn Thị Tâm cùng anh Cao Ngọc Hòa sẽ đưa nhau về quê làm lễ đính hôn, tổ chức đám cưới. Nhưng anh chị cùng với 11 đồng đội đã nằm xuống…
Những nỗi đau không thể nói thành lời, có những hy sinh không sử sách nào ghi hết, họ đã sống và chiến đấu vì lý tưởng chung của cả dân tộc. Họ đã lấy máu xương, tuổi thanh xuân của mình để hiến dâng cho Tổ quốc. Đó là kết tinh cao đẹp nhất của tình yêu nước, của ý chí quyết thắng chống giặc ngoại xâm, của lòng dũng cảm, khát vọng hòa bình để viết lên “huyền thoại Truông Bồn” trong thế kỷ 20.
Du khách tham quan, dâng hương viếng Khu di tích lịch sử quốc gia Trương Bồn. |
Ghi nhận địa danh Truông Bồn, ghi nhận sự cống hiến và hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ Truông Bồn, trong đó tiêu biểu là 13 chiến sĩ TNXP “Tiểu đội thép”, ngày 12-1-1996, Truông Bồn được công nhận Di tích lịch sử quốc gia. Ngày 23-9-2008, Chủ tịch nước có Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 14 chiến sĩ TNXP Truông Bồn.
Nhằm xây dựng Truông Bồn trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, UBND tỉnh Nghệ An đã cùng nhiều cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân đầu tư, quyên góp, ủng hộ xây dựng, tôn tạo Khu di tích trên diện tích 217.327m² và được hoàn thành vào tháng 7-2015.
“Tọa độ lửa” chuyển mình
Chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất Đô Lương gắn với địa danh “Tọa độ lửa” Truông Bồn từ sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân đến nay đã bừng lên sức sống mới. Tuyến đường 15A đi qua Truông Bồn, nơi “tọa độ lửa” năm xưa nay đã mở rộng, trở thành tuyến quốc lộ với vai trò, góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho vùng núi trung du liên tỉnh. Hai bên đường san sát những nhà mái đỏ, nhà cao tầng, xen lẫn các khu dịch vụ, kinh doanh sản xuất của bà con.
Một góc thị trấn Đô Lương. |
Trong câu chuyện với đồng chí Đặng Văn Tú, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Sơn, chúng tôi được biết, không cam chịu đói nghèo, các gia đình ở Mỹ Sơn đều chăm chỉ làm ăn. Tranh thủ tiềm năng thế mạnh, Mỹ Sơn đã đề ra các nghị quyết, đề án phát triển kinh tế từ thế mạnh vườn đồi, rừng nhằm tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, địa phương còn khuyến khích người dân đa dạng loại hình sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập... Nhờ đó, Mỹ Sơn đã về đích nông thôn mới năm 2019 và đang tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Ra khỏi chiến tranh, phát huy truyền thống anh hùng, huyện Đô Lương đang nỗ lực và tự tin phấn đấu trở thành đô thị động lực của vùng trước năm 2030. Hòa trong dòng người về thăm Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn những ngày này, ai ai cũng vui mừng trước sự đổi thay của vùng đất được mệnh danh “tọa độ lửa”. Từ thị trấn Đô Lương đến các xã trong toàn huyện đâu đâu cũng bừng lên sức sống mới của làng quê nông thôn mới. Đặc biệt, đô thị Đô Lương đã hội tụ đủ điều kiện để được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV, làm tiền đề cho huyện Đô Lương trở thành thị xã trước năm 2030. Huyện cũng đã đạt tiêu chí huyện nông thôn mới và đang trình Trung ương thẩm định, xét công nhận. Đô Lương cũng đang là điểm đến của các nhà đầu tư như Nhà máy xi-măng Sông Lam, Nhà máy may Minh Anh cùng các khu đô thị, trung tâm thương mại...
Người dân Đô Lương đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp. |
Đồng chí Bùi Duy Đông, Bí thư Huyện ủy Đô Lương cho biết: Để giúp Đô Lương có bước đột phá, sớm trở thành đô thị, trung tâm vùng, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020-2025) đã ra nghị quyết, nêu rõ: Huyện Đô Lương được xác định là một trong sáu đô thị trung tâm; đồng thời, xây dựng, phát triển trở thành thị xã. Đồng thời, theo quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được thông qua, Đô Lương được định hướng là trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng, là đầu mối giao thông, tạo động lực cho sự phát triển vùng phía tây Nghệ An; phát triển đô thị sinh thái, đô thị “vệ tinh-dịch vụ” theo hướng bền vững với các ngành dịch vụ, thương mại, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao,...
Phát huy truyền thống anh hùng, với sự nỗ lực vượt khó của cán bộ, nhân dân huyện nhà, Đô Lương luôn nằm trong tốp năm địa phương đóng góp nhiều nhất vào tổng giá trị sản xuất của tỉnh Nghệ An. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên; năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,65%... Chia tay “tọa độ lửa” Truông Bồn, trong lòng chúng tôi trào dâng niềm vui về sự chuyển mình của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!