Không gian thảo nguyên Mộc Châu mênh mông đồng cỏ, bát ngát đồi chè, trắng xóa những cánh đồng hoa cải hay những thung lũng hoa mận, hoa mơ... luôn là sức hút hấp dẫn khách đến tham quan, chụp ảnh, chek-in. Từ năm 2018, Huyện ủy Mộc Châu đã chỉ đạo UBND huyện đã ban hành các quyết định về quy hoạch một số khu bảo tồn để phát triển du lịch của huyện, như: Phê duyệt Đồ án quy hoạch khoanh vùng bảo vệ cánh đồng ruộng khu du lịch nghỉ dưỡng rừng thông bản Áng, xã Đông Sang với tổng diện tích 60,8 ha; Quy hoạch cánh đồng cỏ Nông trường Mộc Châu; phê duyệt Đồ án quy hoạch khoanh vùng bảo vệ và phát triển thung lũng mận Nà Ka, thuộc tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu với tổng diện tích 90 ha. Đây là các điểm du lịch gắn liền với thiên nhiên và đặc trưng khu vực miền núi Tây Bắc, tạo sự tương hỗ giữa phát triển nông nghiệp với du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến với Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.
Cánh đồng và Khu du lịch nghỉ dưỡng rừng thông bản Áng có dòng suối Mon trong mát, không gian thơ mộng. Ngoài các vụ lúa, vào tháng 10, những hạt cải được bà con gieo xuống, để đến tháng 1 năm sau, sẽ có cả cánh đồng hoa cải nở trắng tinh khôi, tuyệt đẹp.
Điểm du lịch cộng đồng bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đặc biệt nơi đây còn có khu Hang Táu với vẻ đẹp nguyên sơ, được nhiều khách du lịch gọi là “ngôi làng nguyên thủy”, trở thành địa chỉ lý tưởng trong hành trình khám phá những vùng đất độc đáo ở cao nguyên Mộc Châu.
Khi tỉnh Sơn La phát triển mạnh cây ăn quả trên đất dốc, trở thành “hiện tượng nông nghiệp” của cả nước, là vựa chè, vựa trái cây của tỉnh, Mộc Châu đưa ra chủ trương “nông nghiệp tương hỗ du lịch”, khai thác thế mạnh nông nghiệp để hình thành và phát triển mô hình du lịch sinh thái, nông nghiệp, mang đến cho du khách các hoạt động trải nghiệm thú vị, như trải nghiệm thu hoạch, chế biến nông sản, tại các điểm: Nông trại Dâu tây Chimifarm; điểm du lịch Mộc Sương; trang trại du lịch du lịch bò sữa Dairy Farm, Làng chè, Vườn hoa Nhiệt Đới… Hằng năm, tổ chức lựa chọn, chấm điểm và trao giải 20 mô hình vườn quả đẹp, nhằm tôn vinh những người nông dân và sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Đồng thời, duy trì các hoạt động sự kiện lễ hội gắn với nông nghiệp, như: Hội trà Cao Nguyên, Ngày hội hái quả mận hậu, Hội thi Hoa hậu bò sữa…, thu hút hàng chục nghìn du khách các nơi đến tham quan, trải nghiệm.
Huyện Mộc Châu có 12 dân tộc với văn hóa phong phú, đa dạng, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất cao nguyên. Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu dịp Tết Độc lập, Ngày hội hái quả Mộc Châu... thu hút hàng chục nghìn du khách, là động lực cho du lịch phát triển. Các bản đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc, như: Bản du lịch cộng đồng đồng bào dân tộc Thái ở bản Áng, xã Đông Sang, ấn tượng với những nếp nhà sàn truyền thống, Lễ hội Hết Chá được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Bản Vặt, xã Mường Sang với những nếp nhà sàn cổ, các nghề truyền thống đan, dệt vải và chùa Vặt Hồng linh thiêng… Hay bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, với đặc trưng ngôi nhà gỗ của đồng bào dân tộc Mông được dựng theo kiểu truyền thống, cùng điệu múa khèn là nét riêng có độc đáo, thu hút du khách...
Đồng chí Trần Dân Khôi, Bí thư Huyện ủy Mộc Châu, cho biết: Xây dựng phát triển bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc trở thành biểu tượng, đại sứ quảng bá tới du khách khi đến với Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, được Đảng bộ huyện lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện cụ thể với Đề án số 02-ĐA/HU ngày 15/3/2021 của Huyện ủy Mộc Châu về phát triển du lịch huyện Mộc Châu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu của các dân tộc Mộc Châu.
Huyện tiếp tục duy trì, khôi phục các lễ hội. Tập trung nghiên cứu các sản phẩm văn hóa gắn với du lịch - dịch vụ. Xây dựng các bản du lịch cộng đồng đặc trưng các dân tộc, trong đó chú trọng bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống, trang phục, ẩm thực, lễ hội, hoạt động văn hóa cộng đồng (đặc biệt là xòe Thái, nhảy Tha Kềnh của người Mông, múa Chuông Dao…), nghề thủ công, mỹ nghệ (dệt thổ cẩm, mây tre đan…); văn hóa ẩm thực với hương vị riêng có…, vừa khôi phục và phát huy các nét văn hoá độc đáo, vừa hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Cùng với đó, duy trì việc thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử “Xây dựng nét đẹp văn hóa con người Mộc Châu”, hướng đến mục tiêu mỗi người dân trở thành một đại sứ du lịch.
Sự phát triển của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, kéo theo nguy cơ gây tác động xấu đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường. Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 128/QĐ-TTg ngày 25/01/2019 và Quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng của Khu du lịch quốc gia được lập trên cơ sở bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Ban Thường vụ Huyện ủy Mộc Châu đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/HU ngày 14/4/2020 về tiếp tục tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý quy hoạch, đất đai, khoáng sản và trật tự xây dựng trên địa bàn huyện. Trong đó, xác định rõ quan điểm chỉ đạo là phải kiên quyết xử lý các công trình vi phạm về đất đai, khoáng sản và trật tự xây dựng trên địa bàn. Đồng thời, xem xét, giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và các tổ chức, công dân.
Ông Lê Trọng Bình, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: UBND huyện Mộc Châu đã ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các quy định, quy chế quản lý để phát triển du lịch gắn với công tác quản lý quy hoạch, như: Quy chế Quản lý giá cả dịch vụ, bảo vệ môi trường, tổ chức hoạt động văn hóa tại các điểm tham quan du lịch trên địa bàn huyện; Quy chế quản lý bản du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Mộc Châu. Tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các xã, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện nhằm nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai, khoáng sản, lâm nghiệp và bảo vệ môi trường. Từ năm 2019 đến nay, UBND huyện đã ban hành 272 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, 54 quyết định cưỡng chế. Đến nay, người dân đã dừng thi công và tháo dỡ 20/53 công trình, số còn lại đang xử lý.
Huyện Mộc Châu tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định tại Đề án số 02-ĐA/HU ngày 15/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch huyện Mộc Châu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu đến năm 2025 được công nhận là Khu du lịch quốc gia và giữ vững danh hiệu Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới.
Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Tài nguyên du lịch thiên nhiên và văn hóa đã và đang trở thành thế mạnh của du lịch Mộc Châu, là động lực tăng trưởng, phát triển du lịch bền vững. Xu hướng khách du lịch thế giới yêu thích, lựa chọn những nơi cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ, văn hóa còn nguyên vẹn. Tỉnh Sơn La giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, giữ nét nguyên bản, tạo sự khác biệt, chuyên biệt để thu hút du khách.
Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trở thành điểm sáng, điểm đến mới nổi bật của cả nước, được nhận “Giải Oscar du lịch” danh giá, là kết quả của cả quá trình vận dụng sáng tạo, linh hoạt đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở xác định hướng đi đúng, thực hiện hiệu quả các giải pháp phát huy tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; lấy lợi ích của nhân dân làm trung tâm. Đó là bài học kinh nghiệm quý, “kim chỉ nam” để tỉnh Sơn La tiếp tục xây dựng và phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu “về đích” trước năm 2025, gặt hái các giải thưởng danh giá trong ngành du lịch trong nước và quốc tế, đặc biệt là chinh phục trái tim yêu mến và lựa chọn của du khách.
(Hết)
Tác giả: Phạm Đức - Việt Anh - Duy Tùng
Thiết Kế: Bảo Khánh
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!