Gắn kết tình Quân - Dân bền chặt: Kỳ II: Tình thương và trách nhiệm

Không chỉ chắc tay súng, canh giữ biên cương của Tổ quốc, những chiến sĩ quân hàm xanh, còn tham gia hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, hay trở thành những thầy giáo mang tri thức, yêu thương và hy vọng đến với trẻ em, người dân nơi biên giới.

Giọng nam
Lớp học xóa mù chữ tại xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp.

Ươm mầm xanh biên giới

Đến thăm Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Lóng Sập, thị xã Mộc Châu, ngôi trường nơi biên giới không chỉ là mái nhà chung của biết bao thế hệ học trò, còn là nơi ươm mầm những ước mơ, thắp sáng niềm tin cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Thầy giáo Nguyễn Quang Bình, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường có nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn, nhưng lại không thuộc diện hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định. Do đó, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập đã giúp đỡ nhà trường trong việc chăm lo bữa ăn cho con em các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo có điều kiện đến trường tốt hơn.

Trò chuyện với các học sinh của mô hình “Ươm mầm xanh biên giới - Vững bước tương lai”, mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau. Éo le hơn cả là em Vì Nhật Khang, lớp 7A, ở bản Hong Húa thuộc hộ đặc biệt nghèo, bố mẹ ly hôn; em Tráng Thị Sua, lớp 8B, ở bản Phiêng Cài bố bị liệt hai chân phải ngồi xe lăn. Em Tráng Thị Sua, tâm sự: Nhà em ở bản Phiêng Cài, bố bị liệt 2 chân phải ngồi xe lăn nên gia đình khó khăn. Mỗi tháng em được nhận 500.000 đồng học bổng, giúp em mua gạo, sách vở, đồ dùng học tập đi học.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trao học bổng cho học sinh Lào trong Chương trình giao lưu hữu nghị biên giới quốc phòng Việt Nam - Lào lần thứ 2, năm 2024.

Với tinh thần “Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tại các địa bàn biên giới tỉnh Sơn La đã triển khai dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường” hỗ trợ 155 cháu có hoàn cảnh khó khăn tại khu vực biên giới, với mức 600.000 đồng/cháu/tháng học (hỗ trợ 9 tháng/1 năm học), “Hũ gạo tình thương” ở 10 Đồn Biên phòng, hỗ trợ 2.800 kg gạo/năm cho các hộ nghèo để họ trang trải chi phí học tập, mua sách vở, quần áo, đồ dùng học tập để vun đắp những ước mơ, dựng xây tương lai cho con em mình. Từ những ngôi trường biên cương, những mầm xanh hy vọng đang vươn lên, mở ra những chân trời mới.

Dành cho em những ước mơ

Đến xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, chúng tôi được nghe kể về câu chuyện của em Thào Tra Pó, ở bản vùng cao Nậm Lạn. Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em nên cuộc sống thiếu thốn, bữa no bữa đói, cái ăn, cái mặc luôn là nỗi lo thường trực. Trong gian khó ấy, cậu bé Tra Pó vẫn ấp ủ ước mơ được cắp sách đến trường, được học chữ để thay đổi tương lai.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lạn, huyện Sốp Cộp hướng dẫn “Con nuôi Đồn Biên phòng” học bài.

Thấu hiểu hoàn cảnh éo le của em, năm 2016, khi Tra Pó mới học lớp 7, Đồn Biên phòng Mường Lạn đã đón em về nuôi dưỡng. Những người lính biên phòng chăm lo cho em từng bữa ăn, giấc ngủ, tận tình dạy dỗ em học tập, rèn luyện kỹ năng sống. Họ trở thành những người thầy, người cha, người anh nâng bước em đến trường.

Hành trình của Thào Tra Pó không chỉ dừng lại dưới mái ấm biên phòng, tiếp tục mở ra những trang mới đầy hy vọng. Sau khi hoàn thành cấp 2, em được tuyển vào học tại Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Sốp Cộp. Dẫu xa Đồn, nhưng tình thương và sự hỗ trợ của các chiến sĩ vẫn luôn đồng hành cùng em. Mỗi tháng, Đồn hỗ trợ 500.000 đồng, giúp em trang trải chi phí học tập, tiếp thêm động lực để em vững bước trên con đường tri thức.

Bằng sự quyết tâm và nỗ lực, tại Kỳ thi THPT quốc gia năm 2022, Tra Pó đạt tổng điểm 27,25 cho tổ hợp môn khối C. Cộng thêm điểm ưu tiên, em đạt 30 điểm. Kết quả đó, giúp em trúng tuyển vào chuyên ngành Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mở ra một tương lai mới với những cơ hội rộng mở.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập, huyện Mộc Châu hỗ trợ học bổng “Ươm mầm xanh biên giới - Vững bước tương lai” cho học sinh hoàn cảnh khó khăn.

Tâm sự với chúng tôi, Tra Pó nói: Em luôn khắc ghi ân tình sâu nặng của các chú bộ đội biên phòng Mường Lạn. Mỗi lần nhớ về những ngày tháng sống tại Đồn, em lại nhớ những bữa cơm ấm áp, những buổi tối được các chú tận tình hướng dẫn học bài, những lời động viên khi em mệt mỏi, chùn bước. Các chú bộ đội biên phòng như những người cha, người thầy, người anh của em.

Không chỉ riêng Tra Pó được đón nhận tình yêu thương, chương trình “Nâng bước em tới trường” của Đồn Biên phòng Mường Lạn đang hỗ trợ hàng chục học sinh từ 200.000-400.000 đồng/tháng/người để trang trải chi phí học tập. Đặc biệt, mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” mỗi năm giúp 1-3 em có hoàn cảnh đặc biệt bằng cách đưa các em về đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng và tạo điều kiện học tập tốt nhất.

Trung tá Mùa Lao Thắng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Lạn, chia sẻ: Những em nhỏ ở đây thiếu thốn đủ bề. Chúng tôi không thể giúp tất cả, nhưng ít nhất có thể đồng hành với các em để tiếp thêm nghị lực. Thấy các em ngày một trưởng thành, chúng tôi có thêm động lực, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh trao quà cho học sinh nhận đỡ đầu.

Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Mường Lạn phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp mở một lớp học đặc biệt tại bản Pú Hao để xóa mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho 40 người dân. Lớp học diễn ra vào buổi tối hoặc khoảng thời gian phù hợp với sinh hoạt của bà con, giúp họ vừa có thể lao động sản xuất, vừa có cơ hội tiếp cận tri thức.

Anh Giàng A Ly, Trưởng dòng họ Giàng, bản Pú Hao, xã Mường Lạn, cho biết: Trước đây, nhiều người trong bản không biết chữ, đi chợ phải nhờ con đọc bảng giá, ký tên cũng không biết. Nhờ bộ đội biên phòng dạy chữ, nhiều người đã đọc được, viết được, tính toán khi mua bán. Lớp học còn giúp bà con hiểu biết hơn về pháp luật, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa bộ đội biên phòng và nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng On, huyện Yên Châu cắt tóc miễn phí cho học sinh.

Câu chuyện về những lớp học, những bữa ăn, những suất học bổng nơi biên cương, là minh chứng cho sự gắn bó quân và dân, là hình ảnh đẹp, tinh thần trách nhiệm của những người lính quân hàm xanh với thế hệ tương lai. Mỗi năm, các chương trình và mô hình đã xóa mù chữ cho 70-150 người; nuôi dạy, hỗ trợ thường xuyên từ 80 - 150 học sinh nghèo có thêm các điều kiện đến trường, không bỏ học giữa chừng; cấp phát thuốc, chữa bệnh và xóa bỏ hủ tục cúng bái khi đau ốm cho 400 - 600 người dân, không để các loại dịch bệnh xâm nhiễm qua biên giới.

Những đóng góp thầm lặng của chiến sĩ mang quân hàm xanh, đã và đang giúp hàng trăm em nhỏ có cơ hội tiếp tục đến trường, nuôi dưỡng ước mơ về một tương lai tốt đẹp hơn. Hành trình gieo mầm tri thức nơi biên cương vẫn đang nảy mầm mạnh mẽ, mang theo niềm tin vào một tương lai tươi sáng, nơi không em nhỏ nào bị bỏ lại phía sau, nơi ánh sáng của tri thức sẽ mãi lan tỏa khắp những bản làng biên giới xa xôi.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: Phong Lưu - Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Hội thảo trao đổi kinh nghiệm về nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên và xây dựng thành phố học tập toàn cầu

    Hội thảo trao đổi kinh nghiệm về nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên và xây dựng thành phố học tập toàn cầu

    Khoa Giáo -
    Ngày 31/3, tại thành phố Sơn La, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo trao đổi kinh nghiệm về nâng cao chất lượng chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT và xây dựng thành phố học tập toàn cầu.
  • 'Chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

    Chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

    Khoa Giáo -
    Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tỉnh Sơn La sẽ diễn ra vào ngày 1 và 2/6, với 43 điểm thi, có khoảng 17.000 thí sinh, dự thi 3 môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh. Sở Giáo dục và Đào tạo đang tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn, trường học chuẩn bị các điều kiện, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc và đạt chất lượng cao.
  • 'An toàn giao thông trên quốc lộ 37

    An toàn giao thông trên quốc lộ 37

    An toàn giao thông -
    Quốc lộ 37 thuộc địa phận tỉnh Sơn La, có chiều dài trên 139 km, đi qua các huyện Phù Yên, Bắc Yên, Mai Sơn và nối với quốc lộ 6. Do địa hình đồi núi, nhiều đèo cao, quanh co hiểm trở, nhiều đoạn đường thường xuyên bị sụt trượt, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông. Việc duy tu, cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37, góp phần kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
  • 'Hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ

    Hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 31/3, tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Giám đốc BHXH Việt Nam về công tác cán bộ. Dự hội nghị, có các đồng chí: Chu Mạnh Sinh, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam; Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.
  • 'Chung tay chăm sóc nạn nhân chất độc da cam

    Chung tay chăm sóc nạn nhân chất độc da cam

    Xã hội -
    “Chiến tranh đã lùi xa, nhiều người lính trở về, nhưng chất độc hóa học mà đế quốc Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh đã gieo vào thân thể họ, để lại nỗi đau đến cả thế hệ con cháu, đang rất cần sự trợ giúp của người thân, cộng đồng xã hội”. Đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Anh Minh, Chi hội trưởng Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Sơn La.
  • 'Bảo đảm hậu cần, nuôi quân khỏe

    Bảo đảm hậu cần, nuôi quân khỏe

    Quốc Phòng - An Ninh -
    Đảm bảo hậu cần, tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn, kết hợp với duy trì luyện tập thể dục, thể thao và giải trí, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mai Sơn giúp cán bộ, chiến sĩ nâng cao sức khỏe, sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng nhiệm vụ trong mọi tình huống.
  • 'Dồm Cang chuyển đổi cơ cấu cây trồng

    Dồm Cang chuyển đổi cơ cấu cây trồng

    Kinh tế -
    Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cấp ủy và chính quyền xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao để nhân rộng, góp phần tăng thu nhập trên một diện tích.