Linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, mô hình “Ba liên kết” đã thực sự trở thành chất keo kết nối thanh niên với tổ chức Đoàn, cộng đồng và các lực lượng xã hội, tạo nên nhiều công trình, phần việc cụ thể, thiết thực, nâng cao năng lực, bản lĩnh và tinh thần cống hiến của thế hệ trẻ.
.jpg)
các sản phẩm OCOP của Sơn La. Ảnh: Ngọc Khiêm (CTV)
Tuổi trẻ đi đầu chuyển đổi số
Trong 5 năm trở lại đây, điểm mới trong triển khai mô hình “Ba liên kết” là đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các mặt công tác của Đoàn. Toàn tỉnh, đã thành lập trên 250 đội hình thanh niên tình nguyện “Chuyển đổi số cộng đồng”, hơn 100 đội hình “Bình dân học vụ số”, tổ chức hàng trăm hoạt động hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP... góp phần nâng cao năng lực số cho người dân, giúp thanh niên tiếp cận với các xu hướng công nghệ mới, mở rộng cơ hội việc làm, khởi nghiệp.
Ông Lò Mạnh Cường, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: Tạo điều kiện để thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp và có việc làm ổn định, là nhiệm vụ quan trọng, là yêu cầu cấp thiết đối với tổ chức Đoàn. Thực hiện chủ trương “3 liên kết” của Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, mở rộng cơ hội phát triển kinh tế cho thanh niên, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Tỉnh đoàn Sơn La đã tổ chức hàng chục hội chợ việc làm, phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thành phố, thị xã, tạo cơ hội để ĐVTN gặp gỡ trực tiếp với nhà tuyển dụng, tiếp cận các vị trí công việc phù hợp. Các hoạt động này, thu hút hơn 5.000 lượt thanh niên tham gia, trong đó, trên 1.200 thanh niên được tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm.
Không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu cơ hội việc làm, các cấp bộ Đoàn tích cực tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc trong môi trường chuyên nghiệp cho thanh niên, giúp thanh niên nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động; phối hợp với các doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, Công ty cổ phần Chè Cờ Đỏ, các hợp tác xã nông nghiệp tổ chức cho ĐVTN học hỏi thực tế các mô hình sản xuất gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Hiện nay, nhiều ĐVTN của tỉnh đã mạnh dạn khởi nghiệp với các mô hình trồng cây dược liệu, trồng rau hữu cơ, sản xuất nông sản sạch, du lịch cộng đồng… nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ doanh nghiệp về giống, vốn, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm. Tỉnh đoàn đã thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả các CLB thanh niên phát triển kinh tế, các tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên. Một số mô hình tiêu biểu như: Hợp tác xã nông nghiệp Thanh niên Mộc Châu với sản phẩm rau an toàn, HTX Thanh niên Phiêng Khoài, huyện Yên Châu chuyên sản xuất tinh bột nghệ và thảo dược, hay các mô hình du lịch cộng đồng của thanh niên tại huyện Bắc Yên, Mường La… đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm đoàn viên, thanh niên địa phương.
Không chỉ, ứng dụng chuyển đổi số phục vụ khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh, ĐVTN đang từng bước ứng dụng vào công tác quản lý, giám sát, triển khai các công trình thiện nguyện, an sinh xã hội. Điển hình, công trình cầu Pá Kạch, bản Pá Khôm, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp được các đơn vị như Văn phòng Trung ương Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam và tổ chức Hệ sinh thái nuôi em phối hợp tài trợ.

Từ khâu vận động kinh phí, đến giám sát thi công đều được thực hiện công khai, minh bạch thông qua nền tảng số do các nhóm thiện nguyện phát triển. Điều này, giúp nhà tài trợ theo dõi sát quá trình triển khai, đồng thời tạo lòng tin, lan tỏa tinh thần trách nhiệm trong cộng đồng. Anh Hoàng Hoa Trung, Chủ nhiệm Hệ sinh thái nuôi em, cho biết: Chúng tôi sử dụng các công cụ chuyển đổi số để minh bạch tài chính và tiến độ công trình, giúp kết nối hiệu quả giữa tổ chức thiện nguyện, Tỉnh đoàn và người dân địa phương. Việc ứng dụng số hóa còn giúp tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả và khơi dậy niềm tin.
Hỗ trợ khởi nghiệp
Trong những năm qua, hàng trăm ĐVTN đã được hỗ trợ thành lập trang thương mại điện tử, sử dụng mạng xã hội, các nền tảng số như TikTok, Zalo OA, Facebook, Shopee, Postmart... để quảng bá, giới thiệu về du lịch và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm địa phương.
Tại huyện Yên Châu, những năm gần đây đang dần trở thành “đất lành” cho những mô hình khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên địa phương. Trong đó, nổi bật là câu chuyện về 5 chàng trai ở huyện Yên Châu liên kết thành lập HTX Tuổi trẻ 26/3, phát triển các ý tưởng kinh doanh từ những sản phẩm nông sản đặc trưng ở địa phương. Tận dụng nguồn tỏi bản địa sẵn có, áp dụng quy trình lên men và sấy khô hiện đại, tạo ra nhiều dòng sản phẩm đa dạng, như: Tỏi đen nguyên củ đóng gói hút chân không; Viên tỏi đen sấy thăng hoa; Bột tỏi đen dùng làm gia vị và thực phẩm chức năng; Tỏi đen ngâm mật ong - sản phẩm OCOP được đánh giá cao về sức khỏe.

Anh Nguyễn Văn Toàn, thành viên HTX Tuổi trẻ 26/3, cho biết: Được Tỉnh đoàn Sơn La hỗ trợ tập huấn, chúng tôi biết cách sử dụng các nền tảng số như Shopee, Postmart, Facebook, TikTok để quảng bá và bán sản phẩm tỏi đen. Trước đây chỉ bán quanh vùng, nay sản phẩm đã tiếp cận khách hàng ở nhiều tỉnh, thành. Ngoài ra, qua các video, bài viết trên mạng xã hội, chúng tôi còn giới thiệu được cảnh đẹp, văn hóa, sản vật của Yên Châu, góp phần quảng bá du lịch địa phương.
Trên cơ sở liên kết doanh nghiệp, nhiều thanh niên được đào tạo kỹ năng xây dựng thương hiệu, quản lý tài chính, tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp từ ngân hàng chính sách, các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Tỉnh đoàn cũng phối hợp tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, diễn đàn kết nối startup trẻ, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong thanh niên.

Ông Lò Mạnh Cường, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết thêm: Năm 2024, từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn, có 9 dự án của thanh niên được hỗ trợ, với tổng kinh phí gần 900 triệu đồng. Tổ chức thành công Ngày hội “Gửi tiền tiết kiệm - chung tay vì người nghèo” với số tiền 12 tỷ đồng, đã giải ngân cho 19 dự án khởi nghiệp được vay vốn. Ngoài ra, huy động nguồn lực xã hội hóa, hỗ trợ 171 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên, kinh phí 500 triệu đồng.
Mô hình “Ba liên kết” tại tỉnh Sơn La, là minh chứng sống động cho tinh thần đổi mới, sáng tạo và dấn thân của tuổi trẻ trong thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Từ những công trình mang đậm dấu ấn cộng đồng, đến các sáng kiến khởi nghiệp, kết nối doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại vào thực tiễn, tạo nên những giá trị bền vững cho địa phương, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, khát vọng cống hiến và khẳng định vai trò của thanh niên trong sự nghiệp phát triển quê hương, đất nước. Đây chính là nền tảng vững chắc, để tổ chức Đoàn tiếp tục vững bước trong hành trình đổi mới, trở thành điểm tựa tin cậy, đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp và cống hiến cho cộng đồng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!