Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

“Trụ đỡ” cho nông nghiệp phát triển

Nhìn lại một năm với bao khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, đã ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu. Trước bối cảnh đó, công nghiệp chế biến đã chứng minh được vai trò quan trọng, giúp nông nghiệp Sơn La vững vàng bước qua đại dịch.

Dấu ấn từ các nhà máy chế biến

 

Những ngày cuối năm, không khí lao động tại Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ thật nhộn nhịp, từng gương mặt ánh lên nét rạng ngời khi các dây chuyền chế biến hoa quả của nhà máy chính thức đi vào hoạt động, tạo thêm việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương.

Nằm ở cửa ngõ của tỉnh, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH tại xã Lóng Luông, là điểm nhấn ngành công nghiệp chế biến của tỉnh Sơn La. Nhà máy có công suất chế biến 300 tấn rau, quả/ngày, quy mô lớn nhất vùng Tây Bắc và là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam chế biến nước cam, nhãn dạng cô đặc. Được đầu khởi công xây dựng năm 2018, đến tháng 9/2021, Nhà máy chính thức đi vào vận hành dây chuyền sản xuất đầu tiên với sản phẩm nước ép nhãn cô đặc; tháng 11/2021, Nhà máy tiếp tục hoàn thành lắp đặt và đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất cam.

Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ.

Ông Lương Quốc Hoàn, Giám đốc Nhà máy, cho biết: Với việc vận hành thành công 2 dây chuyền sản xuất nước ép nhãn cô đặc và nước ép cam, là dấu mốc quan trọng và là động lực để Nhà máy tiếp tục đưa vào vận hành các dây chuyền sản xuất nước ép các loại quả của tỉnh Sơn La. Trước mắt, Nhà máy chế biến nhãn, ổi, xoài, cam, chanh leo, sơn tra và các loại nước ép rau củ quả hoàn toàn tự nhiên, an toàn, không qua xử lý nhiệt để giữ nguyên các dưỡng chất. Nhà máy đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết đầu ra cho 15.000 ha nhãn, ổi, xoài, cam, chanh leo, sơn tra của các địa phương.

Ca sản xuất tại Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH.

Ngược lên cao nguyên Nà Sản của huyện Mai Sơn, Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La thuộc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, không khí lao động nơi đây cũng thật sôi động, khẩn trương, với mục tiêu hoàn thành việc lắp đặt, đưa dây chuyền sản xuất đông lạnh và cô đặc vào hoạt động tháng 3/2022. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Đồng Giao, thông tin: Mỗi dây chuyền sản xuất trong nhà máy, có thể đồng thời chế biến được đa dạng các loại nguyên liệu rau, quả sẵn có ở Sơn La. Chúng tôi đang phấn đấu tháng 4/2022, Trung tâm đi vào hoạt động với công suất 168.000 - 210.000 tấn/năm, tạo việc làm cho 2.000 lao động địa phương, từ sản xuất, dịch vụ và lao động trong Nhà máy. Doanh thu trung bình mỗi năm ước khoảng 2.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu khoảng 100-150 triệu USD, nộp ngân sách địa phương khoảng 100 tỷ đồng.

 

Thêm những niềm vui cho nông dân

 

Nhìn lại bức tranh nông sản Sơn La, năm qua, với những điểm sáng, khi có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong chủ động các phương án tiêu thụ, nhất là việc hỗ trợ người dân, HTX trong việc chế biến nông sản ngay tại địa phương đã góp phần không nhỏ trong bài toán tiêu thụ nông sản trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Nông sản được mùa, được giá, người nông dân thêm những niềm vui.

 

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm cơ sở chế biến long nhãn của HTX Hoa Mười, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã.

 

 

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Để giảm áp lực lên khâu tiêu thụ, ngày 28/7/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1818 về phương án hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình trong sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác năm 2021. Phương án hỗ trợ xây dựng các kho lạnh để tích trữ các sản phẩm; hỗ trợ chuyển đổi cơ sở sấy long nhãn từ sấy than, củi sang sấy bằng hơi nhiệt sạch để đảm bảo vệ sinh; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất, chế biến sản phẩm nhãn và một số nông sản khác. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp, HTX, người dân đẩy mạnh việc chế biến nông sản vào các niên vụ năm tiếp theo, từng bước chủ động tiêu thụ, chế biến, nâng tầm giá trị nông sản địa phương.

Tại huyện Sông Mã, vựa nhãn lớn nhất tỉnh, với diện tích gần 7.400 ha, sản lượng trên 70.000 tấn, chiếm hơn 55% tổng sản lượng nhãn toàn tỉnh. Trong bối cảnh khó khăn chung của đại dịch Covid-19, huyện Sông Mã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các gia đình, HTX thay đổi phương án từ xuất bán quả tươi sang chế biến long nhãn. Nhờ đó, 100% nhãn quả Sông Mã đã tiêu thụ, chế biến xong; trong đó, 52.671 tấn quả nhãn tươi được sử dụng để sấy thành long nhãn, chiếm 74,1% tổng sản lượng nhãn toàn huyện. Ngoài ra, các lò sấy long trên địa bàn huyện Sông Mã còn hỗ trợ tiêu thụ 6.750 tấn quả nhãn tươi từ các huyện Mai Sơn, Yên Châu, thành phố Sơn La và một số tỉnh lân cận.

Chia sẻ niềm vui với người trồng nhãn, ông Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, thông tin: Hiện, toàn huyện có trên 2.762 lò sấy long nhãn. Doanh thu từ quả nhãn tươi và long nhãn chế biến trên địa bàn huyện ước đạt 900 tỷ đồng. Qua rà soát thực hiện theo Quyết định 1818 của UBND tỉnh, huyện Sông Mã đăng ký kinh phí hỗ trợ xây dựng 2 kho bảo quản lạnh cho 2 hộ, mua 6 container lạnh cho 6 hộ, hỗ trợ xây dựng 371 lò sấy hơi nhiệt sạch, nhiệt lạnh cho 366 hộ với tổng kinh phí dự kiến trên 14 tỷ đồng. Đây là tiền đề để Sông Mã đẩy nhanh việc chế biến, chủ động tiêu thụ nhãn vào các năm tiếp theo.

 

Công nghiệp chế biến đóng vai trò quan trọng

 

Với tiềm năng và lợi thế của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nhất là các loại cây ăn quả, tỉnh ta xác định công nghiệp chế biến đóng vai trò quan trọng, được xem là “trụ đỡ” cho ngành nông nghiệp của tỉnh, ngày 21/1/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ/TU về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể hóa Nghị quyết số 06, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai với mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đẩy mạnh phát triển các ngành hàng công nghiệp chế biến nông sản, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh, hàm lượng giá trị tăng cao, làm cơ sở thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản đạt 6.500 tỷ đồng, giá trị nông sản chế biến tham gia xuất khẩu đạt 166 triệu USD. Đến năm 2030, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, giá trị sản phẩm nông sản chế biến tham gia xuất khẩu trên 300 triệu USD; thu hút đầu tư, hoàn thành đi vào hoạt động ít nhất 9 nhà máy chế biến nông sản quy mô công nghiệp, từng bước đưa công nghiệp chế biến của tỉnh xứng tầm với tiềm năng địa phương.

Một ca sản xuất tại Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ.

Ông Nguyễn Đình Phong, Phó Giám đốc Sở Công Thương, thông tin: Hiện nay, trong tỉnh đã hình thành các nhà máy chế biến nông sản, như Nhà máy cà phê Phúc Sinh, Nhà máy chế biến chanh leo của Công ty Nafoods Tây Bắc; Nhà máy chế biến rau quả và đồ uống công nghệ cao của Công ty cổ phần chế biến thực phẩm công nghệ cao của Tập đoàn TH; Nhà máy bảo quản và chế biến nông sản công nghệ cao Vân Hồ của Công ty TNHH IC FOOD SONLA; Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao... Các nhà máy chế biến sẽ góp phần quan trọng tiêu thụ hàng nông sản, kéo dài thời gian bảo quản, giảm áp lực đối với xuất khẩu, tiêu thụ các sản phẩm nông sản tươi của tỉnh trong điều kiện khó khăn do dịch Covid-19.

Bước vào năm mới, các nhà máy chế biến nông sản, sẽ là động lực để tỉnh ta tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hoàn thành mục tiêu xây dựng Sơn La trở thành Trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc vào năm 2025.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • ' Thi đua giành 3 nhất

    Thi đua giành 3 nhất

    Quốc Phòng - An Ninh -
    Ngày 9/7, Bộ CHQS tỉnh phát động thi đua cao điểm với chủ đề “Phất cao cờ hồng tháng Tám - Thi đua giành 3 nhất”. Dự phát động, có Đại tá Chu Văn Thành, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh.
  • 'Tập trung nguồn lực chuyển đổi số

    Tập trung nguồn lực chuyển đổi số

    Thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Sơn La tập trung ưu tiên nguồn lực, xây dựng thể chế, chính sách số và hạ tầng và nhân lực số, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính nhanh gọn, hiệu quả.
  • '“Tà Xùa - Đứng dậy, vươn mình”

    “Tà Xùa - Đứng dậy, vươn mình”

    Du lịch -
    Ngày 9/7, UBND xã Tà Xùa đã tổ chức gặp mặt kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2025), với chủ đề “Tà Xùa - Đứng dậy, vươn mình”.
  • 'Hòa chung nhịp đập về khát vọng thịnh vượng

    Hòa chung nhịp đập về khát vọng thịnh vượng

    Thời sự - Chính trị -
    Brazil cách Việt Nam nửa vòng Trái đất. Bay thẳng từ Hà Nội tới thành phố Rio de Janeiro mất 25 tiếng kể cả dừng kỹ thuật giữa chặng, nhưng sự mệt mỏi dường như tan biến khi những người bạn Brazil đã dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, nồng ấm, thân tình.
  • 'Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

    Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

    Du lịch -
    Phát huy tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên và những giá trị di tích lịch sử, bản sắc văn hóa các dân tộc, tỉnh Sơn La đã tập trung đầu tư và ban hành các chính sách ưu tiên thúc đẩy phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
  • 'Du lịch trải nghiệm hồ Suối Chiếu

    Du lịch trải nghiệm hồ Suối Chiếu

    Du lịch -
    Cách trung tâm xã Mường Cơi hơn 15 km, hồ Suối Chiếu, mùa này nước xanh ngắt giữa những dãy núi bao quanh, vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh lặng, đầy cuốn hút, ngày càng nhiều du khách tìm đến trải nghiệm, khám phá.
  • 'Nặm Dên đoàn kết xây dựng nông thôn mới

    Nặm Dên đoàn kết xây dựng nông thôn mới

    Nông thôn mới -
    Về bản Nặm Dên, xã biên giới Chiềng Sơn, cảm nhận rõ sự đổi thay của vùng đất này, tuyến đường nội bản được đổ bê tông sạch đẹp, có hệ thống đèn chiếu sáng; hai bên là những ngôi nhà xây kiên cố khang trang và đồi chè, vườn cây ăn quả xanh mướt, minh chứng cho cuộc sống no ấm của nhân dân.
  • 'Nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

    Nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

    Cải cách hành chính -
    Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Năm 2024, chỉ số PAPI tỉnh Sơn La được 43,8876 điểm, tăng 1,4291 điểm so với năm 2023; đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố, tăng 5 bậc so với năm 2023.