Thực tế cho thấy, tệ nạn mại dâm đã làm phát sinh và gia tăng các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật khác; làm xói mòn đạo đức, thuần phong mỹ tục, làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình... Để giảm thiểu tệ nạn mại dâm cũng như hệ lụy của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội, trong thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng trên trên địa bàn tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác phòng chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn.
Cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền Luật Phòng,
chống mại dâm cho nhân dân xã Chiềng Sơ (Sông Mã).
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có 1.463 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, với 1.807 người lao động (1.298 lao động nữ, 509 lao động nam). Trong đó, 41 khách sạn, 327 nhà nghỉ, 367 nhà trọ, 11 cơ sở xông hơi - massage, 196 dịch vụ karaoke, 521 cơ sở kinh doanh dịch vụ khác… Qua kiểm tra, 15 cơ sở nghi vấn có liên quan đến tệ nạn mại dâm, 10 đối tượng nghi vấn liên quan đến việc chứa chấp mại dâm. Trao đổi với chúng tôi về công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, ông Trần Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin: Là cơ quan thường trực, Sở đã phối hợp với các ngành liên quan tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông; quản lý chặt chẽ các cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ, nhằm phòng ngừa việc lợi dụng các hoạt động này để tổ chức hoạt động mại dâm; lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế- xã hội với chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm; đấu tranh, triệt phá các tệ nạn xã hội, giảm tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội, trong đó có hoạt động mại dâm.
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố thường xuyên chỉ đạo, triển khai các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; lồng ghép chương trình phát triển kinh tế - xã hội với công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; triển khai các mô hình thí điểm xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; tổ chức cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ký cam kết không xảy ra hoạt động mại dâm; rà soát, quản lý tốt công tác tạm trú, tạm vắng tại địa bàn; nắm bắt dư luận nhân dân về những vấn đề liên quan đến hoạt động mại dâm; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân trong đấu tranh, phòng ngừa tệ nạn mại dâm tại cơ sở; phát động các đợt phát giác, tố giác những cơ sở và đối tượng có biểu hiện liên quan đến tệ nạn mại dâm trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa không để hoạt động mại dâm phát sinh. Toàn tỉnh hiện đang duy trì hoạt động của 17.493 nhóm liên gia tự quản về an ninh trật tự, 3.206 tổ an ninh nhân dân, 3.315 tổ hòa giải, 7 ban bảo vệ dân phố, 102 tổ bảo vệ dân phố.... Từ năm 2018 đến nay, Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm của tỉnh, huyện và lực lượng Công an đã kiểm tra trên 900 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện và xử lý 66 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính nộp Kho bạc Nhà nước hơn 110 triệu đồng; truy quét, triệt phá 10 vụ, 30 đối tượng liên quan đến hoạt động mại dâm.
Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, trình UBND tỉnh xây dựng và ban hành hệ thống văn bản phòng, chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là phòng, chống tệ nạn mại dâm; tiếp tục làm tốt công tác giáo dục, chữa trị, dạy nghề, dạy văn hóa; triển khai các dịch vụ hỗ trợ về y tế, pháp luật, tạo sinh kế cho người bán dâm hoàn lương và nhóm người có nguy cơ cao tại cộng đồng. Hướng dẫn và xây dựng các mô hình xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn mại dâm. Đồng thời, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong phòng, chống tệ nạn mại dâm; quản lý chặt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!