Năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 32 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết của một số người dân, các đối tượng đã nghĩ ra các chiêu trò lừa đảo tinh vi để chiếm đoạt số tiền hàng chục tỷ đồng.
Năm qua, Công an huyện Mai Sơn đã phát hiện, điều tra làm rõ 3 vụ, 3 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng, với số tiền chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng. Điển hình ngày 30/1/2021, Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Mai Sơn nhận được đơn tố giác của bà Vũ Thị Lành, kinh doanh nông sản, trú tại tiểu khu 18, thị trấn Hát Lót, có nhận được điện thoại của một người tên Hằng hỏi mua ngô. Sau khi thuê người bốc 15 tấn ngô, trị giá hơn 105 triệu đồng, Hằng gọi điện cho bà Lành thông báo đã chuyển tiền mua ngô vào tài khoản ngân hàng và bảo bà kết bạn qua Zalo để gửi hình ảnh nội dung giao dịch chuyển khoản; bà Lành tin tưởng, đồng ý cho chở ngô đi, sau đó bà Lành không nhận được tiền, không liên lạc được với Hằng, nên đã đến cơ quan công an tố giác. Đội Cảnh sát hình sự đã nhanh chóng điều tra, phát hiện bắt giữ, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Hoàng Thị Dung, sinh năm 1991, trú tại số nhà 24, ngõ 156, đường Lê Công Thanh, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Công an huyện Mai Sơn bắt giữ đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.
Trung tá Nguyễn Xuân Thủy, Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự, Công an huyện Mai Sơn, cho biết: Quá trình điều tra, khám phá vụ án gặp nhiều khó khăn. Đối tượng đã lên mạng xã hội mua các tài khoản Facebook, số điện thoại, thẻ ATM, giấy chứng minh nhân dân giả và nhờ người chỉnh sửa hình ảnh, làm hóa đơn ngân hàng chuyển tiền giả để lừa đảo. Hơn nữa, thời điểm điều tra vụ án, tỉnh Hà Nam đang là tâm dịch Covid-19, khó khăn cho trinh sát tiếp cận điều tra. Song, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, đến tháng 5/2021, lực lượng công an đã bắt giữ được đối tượng.
Ngoài ra, xuất hiện thêm cách thức lừa đảo, như: Giả danh cơ quan thực thi pháp luật, quen biết qua mạng xã hội, lợi dụng tình cảm, mua bán hàng qua mạng, tin nhắn trúng thưởng... hay phương thức mời gọi đầu tư vào các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, tiền ảo, vàng, cổ phiếu. Đây là các tổ chức hoạt động trái phép, không đăng ký kinh doanh và không có trụ sở tại Việt Nam, hoạt động theo phương thức “đa cấp biến tướng”, lấy tiền người sau trả lãi cho người trước để “dụ” nhiều người tham gia, nhằm chiếm đoạt tiền.
Tháng 5/2021, Phòng Cảnh sát hình sự đã khởi tố bị can Trần Nguyễn Diệp Anh, sinh năm 2003, trú tại phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Diệp Anh kinh doanh online các mặt hàng túi xách, giày dép, quần áo, sử dụng tài khoản Facebook “Tran Nguyen Diep Anh” đăng bài bán hàng. Với lợi thế nhan sắc, được đào tạo bài bản về thanh nhạc tại Hà Nội, giới thiệu mình làm ca sĩ thường chuyên chạy show, nên thuận tiện cho việc “xách tay” các sản phẩm hàng hiệu về nước; để khách hàng tin tưởng, đối tượng đã thuê dịch vụ tăng lượng người theo dõi trên Facebook bán hàng của mình. Khi khách đồng ý mua hàng, Diệp Anh yêu cầu khách chuyển trước 30-50% tiền cọc vào tài khoản ngân hàng, sau đó không giao hàng mà chiếm đoạt tiền. Ngoài ra, còn đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt thêm tiền vay của một số khách hàng. Từ tháng 9/2020 đến tháng 2/2021, Diệp Anh đã chiếm đoạt tiền của 20 bị hại ở nhiều tỉnh, thành trong toàn quốc với tổng số tiền hơn 2,9 tỷ đồng.
Quyết liệt đấu tranh với tội phạm này, năm 2021, lực lượng công an toàn tỉnh đã phát hiện, điều tra làm rõ 32 vụ, 40 đối tượng, với tổng tài sản bị chiếm đoạt hơn 19,4 tỷ đồng; trong đó, khởi tố 28 vụ, 38 bị can, xử lý hành chính 2 vụ, 2 đối tượng. Đây chỉ là con số được cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ, điều tra qua tin báo, tố giác của người dân, song thực tế còn không ít trường hợp người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản lại không trình báo với cơ quan chức năng.
Thượng tá Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, cho biết: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao là loại tội phạm mới, có tính chất đặc thù, khả năng hoạt động phạm tội rộng, các đối tượng phạm tội sử dụng các phần mềm trực tuyến, mạng xã hội Facebook, Zalo; phương tiện, thiết bị điện tử... làm công cụ, phương tiện phạm tội. Do đó, quá trình thụ lý, giải quyết những vụ án lừa đảo sử dụng công nghệ cao rất khó khăn trong quá trình thu thập, đánh giá, xử lý, chuyển hóa, giám định chứng cứ điện tử. Với nhiều biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã phá thành công nhiều vụ án.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nhu cầu, sinh hoạt, mua sắm, làm việc của người dân được thực hiện qua không gian mạng, đây là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sự bùng nổ của công nghệ viễn thông, công nghệ thông tin đã khiến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sự biến tướng tinh vi, khó phòng ngừa hơn. Do đó, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, các cấp, ngành, mỗi người dân sử dụng mạng viễn thông, internet cần tỉnh táo, cảnh giác... góp phần kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!