Quy định bắt buộc xe từ 4 chỗ phải trang bị bình chữa cháy?

Từ ngày 6/1/2016 tới, Thông tư 57 của Bộ Công an về việc Quy định bắt buộc chủ xe phải lắp đặt bình chữa cháy trong xe ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên sẽ chính thức có hiệu lực. Hiện nay, Quy định này đang nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của các chủ phương tiện.

Các chủ xe băn khoăn với bình chữa cháy để trong xe.

 

Thông tư 57 của Bộ Công an hướng dẫn về danh mục, định mức trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm: Ô tô từ 04 chỗ ngồi trở lên, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc chở khách được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; nguyên tắc, kiểm định, kinh phí bảo đảm trang bị và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

 

Điều đáng chú ý, trong quy định nêu rõ: Phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên, phải trang bị một bình chữa cháy là một trong các loại bình sau: Bình bột chữa cháy loại dưới 4kg hay bình bọt chữa cháy loại dưới 5 lít, hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít hay bình khí CO2 chữa cháy loại dưới 4kg. Với những trường hợp ô tô 4 chỗ trở lên hay xe cơ giới thiếu các phương tiện phòng cháy, chữa cháy (bình chữa cháy) sẽ bị xử phạt 300.000 - 500.000 đồng.

 

Thông tư trên sắp có hiệu lực và đưa vào áp dụng, đang nhận được rất nhiều ý kiến từ phía các chủ phương tiện.

 

Anh Nguyễn Xuân Trường, chủ một cửa hàng kinh doanh ô tô trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) đưa ý kiến: Tôi cho rằng, việc phòng ngừa cho những trường hợp xấu là rất cần thiết. Tuy nhiên, tôi thấy việc “bắt buộc” phải lắp đặt bình chữa cháy trên xe 4 chỗ là không hợp lý. Là người bán hàng, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều dòng xe ô tô khác nhau. Đối với các loại xe đều có những tiêu chuẩn về an toàn riêng, nhưng với thiết kế của hầu như các loại xe, tôi thấy rằng các nhà sản xuất đều không đưa danh mục bình chữa cháy vào hạng mục cần lắp đặt, hay khuyến cáo nên lắp đặt. Nếu phương tiện này hay xảy ra cháy, chập điện thì nhà sản xuất chắc chắn sẽ thiết kế phù hợp để lắp đặt. 

 

Một chủ cửa hàng kinh doanh ô tô khác, tại đường Nguyễn Văn Cừ - Gia Lâm, anh Nguyễn Khắc Tiến trao đổi: Việc bắt buộc lắp đặt bình chữa cháy trên xe ô tô chở hàng, chở khách là điều nên làm, nhất là đối với những loại hàng hóa dễ cháy, có trang bị tốt sẽ giảm khả năng bùng phát của đám cháy. Với xe chở khách thì hành khách hoàn toàn có thể thao tác khi cần thiết. Nhưng với một vị trí cabin nhỏ hẹp, chưa kể xoay trở còn khó, thì việc thao tác khi xảy ra cháy trong xe 4 chỗ là điều khó thực hiện. Chưa kể đến việc yêu cầu lắp đặt nằm trong tầm tay với của lái xe sẽ gây mất an toàn trong việc lái xe. Tôi cho rằng, quy định này không phù hợp với dòng xe 4 chỗ hiện nay.

 

Để hiểu rõ hơn về tính năng sử dụng của một số loại bình chữa cháy như theo yêu cầu của Quy định, chúng tôi tiến hành một vài cuộc khảo sát nhỏ tại phố Lê Duẩn (Hà Nội), nơi có rất nhiều sản phẩm về bảo hộ lao động và phòng cháy chữa cháy (PCCC) đang được bày bán.Chị Nguyễn Thúy D, một người bán hàng tại khu vực này cho chúng tôi biết: Mặt hàng bình chữa cháy loại nhỏ hiện nay được cung cấp rất nhiều ở các cửa hàng, có nhiều kích thước, hoặc theo trọng lượng, giá tiền. Đa số các bình loại nhỏ được nhập khẩu từ Trung Quốc, với giá bán từ 1.500.000 đồng trở lên. Khi chúng tôi hỏi về chất lượng, khả năng chữa cháy của các loại bình này thì chị D trả lời khá mù mờ. Chị cho biết, tuy nhập hàng về bán, nhưng cũng chưa thử sử dụng lần nào.

 

Tìm hiểu thêm về tính năng sử dụng, cách bảo quản bình chữa cháy, chúng tôi truy cập vào một số website cung cấp và tư vấn về phương tiện phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Hầu như các tư vấn về bảo quản, sử dụng phương tiện bình chữa cháy đều có quy định như: Đặt nơi tránh có ánh nắng và bức xạ nhiệt với nhiệt độ tối đa 50 độ C, khi di chuyển cần nhẹ nhàng…

 

Liên quan đến vấn đề này, anh Hoàng Xuân Nghĩa (Hà Nội) đưa ra ý kiến: Tôi làm công trường, xe ô tô thường xuyên đỗ tại những vị trí không mong muốn, đôi khi giữa trời nắng trên 40 độ C ngay giữa công trình để làm việc. Nhiệt độ trong xe của tôi khi không nổ máy cũng đã có nhiệt độ tới 70 độ C, vậy tôi nên để bình chữa cháy ở vị trí nào? Liệu khi vượt quá nhiệt độ bảo quản, bình chữa cháy của tôi có đảm bảo an toàn? Anh Nghĩa còn "hài hước" trao đổi: Tôi tìm hiểu và được biết, khi phát nổ, bình chữa cháy loại khí hoàn toàn có thể gây ra bỏng lạnh! Điều này rất không an toàn, khác gì mình mang theo một quả bom bên cạnh?

 

Về một vấn đề khác cần quan tâm trong quy định này, anh Vũ Quang Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) trao đổi: Tôi được biết, theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 09:2011/BGTVT ngày 17/11/2011 của Bộ Giao thông Vận tải về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô, tại Khoản 2, Điều 28 đề cập tới các loại xe yêu cầu lắp đặt bình chữa cháy, không hề đề cập tới loại phương tiện 4 chỗ. Vậy việc ban hành quy định này có “chồng chéo” với các Quy chuẩn mà Bộ giao thông vận tải đã ban hành?

 

Thiết nghĩ, việc ban hành các quy định bắt buộc đối với một số loại phương tiện là cần thiết, nhất là các phương tiện vận tải chở người, nhằm góp phần giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra cháy nổ.Tuy nhiên, những ý kiến thực tế từ phía người sử dụng phương tiện luôn là yếu tố đầu tiên để các nhà hoạch định chính sách và quản lý tham khảo để đưa ra những chính sách thiết thực, phù hợp. Có lẽ, các cơ quan chức năng cần xem xét lại quy định này, nhằm đảm bảo khi ban hành, đưa vào áp dụng sẽ được đại đa số nhân dân đồng tình đón nhận./.

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới