Phấn đấu vì sự tiến bộ của phụ nữ

Với lực lượng nữ cán bộ, công chức và người lao động chiếm 43,9% tổng số CBCCLĐ trong toàn ngành, những năm qua, đội ngũ cán bộ nữ Kiểm sát viên ngành Kiểm sát nhân dân luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện Kế hoạch hành động “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” của ngành; tự rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ và đề cao kỷ cương, kỷ luật trong công tác, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và sự phát triển của ngành. Đặc biệt, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã tạo động lực và sức lan tỏa mạnh mẽ trong nữ CBCCLĐ toàn ngành.

Nữ Kiểm sát viên (Viện KSND tỉnh) thực hiện quyền công tố tại phiên tòa.

Quá trình thực thi nhiệm vụ, các nữ Kiểm sát không quản ngày đêm đảm nhiệm công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, án điểm, chuyên án, tham gia xét xử lưu động, các phiên tòa rút kinh nghiệm... Đồng thời, cùng đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành chủ động phối hợp với cơ quan điều tra, Tòa án đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, xử lý nghiêm minh, kịp thời hành vi phạm tội, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không có trường hợp oan sai, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trên lĩnh vực kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, vụ án hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động theo đúng quy định của pháp luật, kiểm sát giam giữ cải tạo, kiểm sát thi hành án, kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp luôn được tăng cường, phát hiện kịp thời vi phạm của các cơ quan tư pháp để kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, tổ chức... đảm bảo việc chấp hành pháp luật nghiêm minh...

Trong công tác cán bộ, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và VKSND tối cao, Ban cán sự Đảng VKSND tỉnh đưa vào quy hoạch, đảm bảo tỉ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực, cán bộ nữ người dân tộc; nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo. Đồng thời, động viên, khuyến khích nữ cán bộ công chức, viên chức và lao động ngành Kiểm sát thường xuyên học tập nâng cao trình độ trính trị, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học... đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ của ngành vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Cùng với chăm lo công tác đào tạo đối với nữ kiểm sát, lãnh đạo VKS tỉnh đã triển khai trong toàn ngành về bố trí kiểm sát viên nữ tham gia trực tiếp các phiên toà hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế... rút kinh nghiệm, qua đó năng lực thực hành quyền công tố và trách nhiệm của kiểm sát viên nữ không ngừng được nâng lên.

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, những năm tiếp theo, lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển cán bộ nữ; tạo môi trường, điều kiện cho cán bộ nữ phát huy năng lực, sở trường; đảm bảo việc thực hiện chế độ, chính sách cho nữ CBCCLĐ. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới, về ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, tạo chuyển biến căn bản nhận thức về vai trò của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Qua đó, nhân rộng điển hình tiên tiến, phát hiện nhân tố mới, tạo nguồn cán bộ nữ. Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, trong đó, đặc biệt nâng cao trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra, nâng cao chất lượng tranh luận, đối đáp của nữ kiểm sát viên tại phiên tòa; nâng cao chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp. Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ ngành Kiểm sát vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Thùy Hương  (Viện KSND tỉnh)


BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới