Tối ngày 9/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp long trọng tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2015 và tổng kết Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.
Cùng dự buổi lễ có: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương.
Cách đây tròn 2 năm, ngày 9/11 được công bố chính thức là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Namnhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và giáo dục, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, sau 3 năm thực hiện, Ngày Pháp luật đã được xã hội đón nhận, tích cực hưởng ứng, tạo nên dấu ấn mới trong nhận thức về Hiến pháp, pháp luật của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, đang thực sự trở thành Ngày hội toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Ngày Pháp luật đã được các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương áp dụng rất linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng đã được thực hiện thành công. Qua thực tiễn đã có nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả được xây dựng, tổng kết nhân rộng như: sự kiện và bình luận; dân hỏi, Bộ trưởng trả lời; thiết lập đường dây nóng...
Thông qua Ngày Pháp luật cũng đã góp phần đẩy mạnh tổ chức triển khai công tác xây dựng, thực thi, áp dụng pháp luật, trong đó kết quả nổi bật là các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình tổ chức triển khai nhiệm vụ đã hướng trọng tâm đến việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” cho người dân và doanh nghiệp. Công tác bảo vệ pháp luật được đẩy mạnh ,bảo đảm cho cho pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh, thống nhất; mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh. Công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm đã nhiều chuyển biến tích cực.
Đặc biệt, người dân đã và đang tích cực hơn trong tham gia đời sống chính trị, pháp lý của đất nước, nhất là trong quá trình xây dựng, thực thi và bảo vệ pháp luật như tham gia góp ý đối với dự thảo Hiến pháp, dự thảo Bộ luật hình hình sự (sửa đổi), dự thảo Bộ luật dân sự…
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Ngày Pháp luật đã từng bước đi vào cuộc sống, trở thành một sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và giai đoạn 2011-2015, cũng như thành công của Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, thực thi quyền làm chủ của người dân, quyền tự do của người dân, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng hoan nghênh Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan đã có sáng kiến tổ chức Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp và hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2015. Cuộc thi đã góp phần phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung tiến bộ của Hiến pháp 2013, trở thành một phong trào sổi nổi học tập, tìm hiểu và thực hiện Hiến pháp, góp phần xây dựng đồng thuận xã hội trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng việc triển khai Ngày pháp luật trong thời gian qua cũng còn một số hạn chế nhất định, đó là tính hình thức, phong trào; còn nhiều trường hợp, pháp luật chưa được đề cao; hiện tượng “đói pháp luật”, “nhờn luật”, coi thường pháp luật vẫn còn khá phổ biến…
Thủ tướng nhấn mạnh: Nhìn lại gần 30 năm qua, những bước phát triển vượt bậc của nước ta đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, mà bản chất là tăng cường, bảo đảm dân chủ. Dân chủ và pháp quyền gắn bó chặt chẽ, biện chứng; dân chủ phải đi liền với kỷ luật, kỷ cương. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Quyền làm chủ, quyền tự do của người dân phải đi đôi với trách nhiệm xã hội và kỷ luật công dân; trước hết là phải tuân thủ pháp luật. Điều này đòi hỏi phải tích cực hơn nữa trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền XHCN, cải cách luật pháp; cải cách tư pháp, cải cách hành chính và đẩy mạnh triển khai thực hành Hiến pháp 2013 bảo đảm dân chủ, pháp quyền, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Để Ngày Pháp luật năm 2015 và các năm tiếp theo thực sự thiết thực, hiệu quả, đồng thời phát huy hiệu ứng tích cực của Cuộc thi viết Tìm hiểu Hiến pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Ngày Pháp luật theo các định hướng sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm cụ thể hóa đúng nội dung, tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Triển khai tốt các luật, bộ luật mới, đặc biệt là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và các bộ luật khác Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thứ hai, tạo chuyển biến sâu sắc trong xã hội về ý thức chấp hành pháp luật. Trước hết cán bộ, công chức, đảng viên phải gương mẫu tuân thủ, chấp hành pháp luật; tích cực, chủ động học tập, tìm hiểu và nắm vững pháp luật để hướng dẫn, tư vấn, giải thích, thuyết phục và vận động nhân dân chấp hành pháp luật; tuân thủ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ; thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Thứ ba, tập trung đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực pháp luật, pháp chế, tư pháp; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở; đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn phát triển mới của đất nước và hội nhập quốc tế.
Khẳng định ngày Pháp luật năm 2015 với chủ đề: “Thực hiện Hiến pháp và pháp luật góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” có ý nghĩa rất quan trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị phải phấn đấu mỗi ngày trong năm đều là ngày pháp luật, để thực sự sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, mỗi người bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống, xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp đoàn kết toàn dân tộc vì một nước Việt Nam - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Nhân dịp này,Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trao giải cho cá nhân đoạt giải đặc biệt trong Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã huy động, tập hợp lực lượng đông đảo cán bộ, nhân dân tham gia, nhất là trong tổ chức, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp, pháp luật, tạo phong trào sôi nổi, tạo khí thế động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực tìm hiểu, chấp hành Hiến pháp, đưa Hiến pháp vào cuộc sống. Sau khi kết thúc thời hạn tiếp nhận bài dự thi theo Thể lệ (ngày 30/4/2015), cả nước đã có 4.855.057 bài dự thi được gửi về các Ban Tổ chức Cuộc thi. Ban Tổ chức Cuộc thi quyết định tặng Giấy chứng nhận và trao 193 giải thưởng, với tổng kinh phí là 1 tỷ 10 triệu đồng cho 18 tập thể và 175 cá nhân có thành tích trong tổ chức, tham gia dự thi hoặc có bài dự thi đạt giải. Trong số 18 giải tập thể có 05 giải A; 05 giải B và 08 giải C. Trong số 175 giải cá nhân có 01 giải đặc biệt, 04 giải nhất, 10 giải nhì, 20 giải ba, 130 giải khuyến khích và 10 giải phụ. |
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!