Khuyến khích thành lập doanh nghiệp xã hội, mua nhà xã hội được vay 80%; Giám sát tài chính đặc biệt khi doanh nghiệp nhà nước có dấu hiệu mất an toàn tài chính; Doanh nghiệp nhà nước không được góp vốn vào bất động sản, ngân hàng... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12.
Giám sát tài chính đặc biệt khi doanh nghiệp nhà nước có dấu hiệu mất an toàn tài chính
Ngày 6/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp có vốn nhà nước (Nghị định 87).Đối với DNNN, nội dung giám sát bao gồm các nội dung như: bảo toàn và phát triển vốn; quản lý và sử dụng vốn; hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; tình hình chấp hành pháp luật; tình hình cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp... Đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50% vốn điều lệ, các nội dung giám sát tài chính cơ bản tương tự nội dung giám sát tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn.Liên quan đến việc giám sát tài chính đặc biệt, đáng chú ý, Nghị định 87 đã bổ sung quy định cụ thể về “các dấu hiệu mất an toàn tài chính”, bao gồm: (1) Đối với doanh nghiệp đang trong giai đoạn lỗ kế hoạch, có số lỗ phát sinh năm báo cáo lớn hơn 30% so với mức lỗ kế hoạch; (2) Đối với doanh nghiệp sau giai đoạn lỗ kế hoạch, có số lỗ phát sinh trong năm báo cáo từ 30% vốn đầu tư của chủ sở hữu trở lên hoặc số lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn đầu tư của chủ sở hữu; có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá mức an toàn; có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5.Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/12.
Doanh nghiệp nhà nước không được góp vốn vào bất động sản, ngân hàng
Theo Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, có hiệu lực từ 1/12/2015, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được quyền sử dụng tài sản, tiền vốn thuộc quyền quản lý, sử dụng để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. Tuy nhiên, không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản); không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp doanh nghiệp nhà nước đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực nêu trên và không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư phải thực hiện phương án cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư theo quy định.
Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định cụ thể về phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp nhà nước.
Điều kiện nâng lương sĩ quan công an trước khi nghỉ hưu
Ngày 20/10/2015, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 103/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân.
Có hiệu lực từ ngày 6/12, Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân về: Tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân; chức vụ, chức danh tương đương chức vụ Tổng cục trưởng, Tư lệnh trong Công an nhân dân; hạn tuổi phục vụ của sĩ quan Công an nhân dân; chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi phục vụ trong Công an nhân dân.
Về chế độ, chính sách đối với sĩ quan Công an nhân dân nghỉ hưu, Nghị định nêu rõ, sĩ quan Công an nhân dân được nghỉ hưu khi đủ một trong các điều kiện sau: Đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo quy định hiện hành của pháp luật về bảo hiểm xã hội; Hết hạn tuổi phục vụ theo quy định tại Khoản 1 Điều 29 của Luật Công an nhân dân và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên; Trường hợp sĩ quan Công an nhân dân chưa đủ điều kiện nghỉ hưu theo 2 điều kiện trên mà Công an nhân dân không còn nhu cầu bố trí hoặc không chuyển ngành được hoặc sĩ quan tự nguyện xin nghỉ nếu nam sĩ quan đủ 25 năm, nữ sĩ quan đủ 20 năm phục vụ trong Công an nhân dân trở lên.
Nghị định này cũng quy định, sĩ quan Công an nhân dân khi nghỉ công tác hưởng chế độ hưu trí, nếu đã được thăng cấp bậc hàm, nâng bậc lương được 2/3 thời hạn trở lên, trong thời gian hưởng lương cấp bậc hàm, bậc lương không vi phạm kỷ luật, được đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên thì được nâng 1 bậc lương.
Trường hợp sĩ quan nghỉ hưu trước hạn tuổi phục vụ cao nhất quy định tại Khoản 1 Điều 29 Luật Công an nhân dân do thay đổi tổ chức, biên chế theo quyết định của cấp có thẩm quyền thì ngoài chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành về bảo hiểm xã hội còn được hưởng trợ cấp một lần.
Cưỡng chế chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì nhà chung cưNghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 10/12.Trong đó, quy định trường hợp quá thời hạn quy định mà chủ đầu tư vẫn không thực hiện bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị và gửi quyết định này cho chủ đầu tư, Ban quản trị và tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản.
Mua nhà ở xã hội được vay 80% giá trị hợp đồng
Theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực từ 10/12, trường hợp mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà.Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.Đối với việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê thì thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 20 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên; Đối với dự án đầu tư nhà ở xã hội để bán thì thời hạn cho vay tối thiểu là 05 năm và tối đa không quá 10 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.2 trường hợp Nhà nước đầu tư cải tạo, xây dựng lại chung cưTheo Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có hiệu lực từ ngày 10/12, Nhà nước thực hiện đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đối với 2 trường hợp:1. Nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại mà hết thời hạn quy định, nhưng các chủ sở hữu không lựa chọn được doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để thực hiện phá dỡ, xây dựng lại thì Nhà nước thực hiện việc cưỡng chế phá dỡ để trực tiếp đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đó bằng nguồn vốn quy định tại Khoản 3 Điều 36 của Luật Nhà ở.2. Nhà nước thực hiện hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) với nhà đầu tư đảm nhận việc xây dựng lại nhà chung cư cũ trên diện tích đất cũ hoặc tại vị trí khác để phục vụ nhu cầu tái định cư cho các chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại…/.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!