Hỏi - đáp Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019

Hỏi: Luật Lực lượng dự bị động viên được Quốc hội thông qua ngày tháng năm nào? Thời điểm có hiệu lực của Luật? Luật có bao nhiêu chương và bao nhiêu điều? Lực lượng dự bị động viên là gì? Các nguyên tắc trong xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên?

                 

Đáp: Luật Lực lượng dự bị động viên được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2019; có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Luật có 5 chương và 41 Điều.

                 

* Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 của Luật:

                 

Lực lượng dự bị động viên bao gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị được đăng ký, quản lý và sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên để sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân.

                 

Quân nhân dự bị bao gồm sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được đăng ký theo quy định của Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự.

                 

Phương tiện kỹ thuật dự bị là tài sản của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam, bao gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện đường thủy, phương tiện đường không dân dụng, phương tiện xây dựng cầu đường, phương tiện xây dựng công trình, phương tiện xếp dỡ hàng hóa, phương tiện thông tin liên lạc, thiết bị vật tư y tế và một số loại phương tiện, thiết bị khác được đăng ký theo yêu cầu biên chế của Quân đội nhân dân.

                 

Đơn vị dự bị động viên là tổ chức quân sự gồm phần lớn hoặc toàn bộ là quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân; có tổ chức, biên chế chưa hoàn chỉnh hoặc chưa tổ chức trong thời bình, nhưng có kế hoạch động viên, bổ sung trong thời chiến khi có lệnh động viên.

                 

* Các nguyên tắc trong xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên gồm:

                 

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ và sự chỉ huy, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

                 

2. Xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có trình độ chiến đấu cao và được quản lý chặt chẽ.

                 

3. Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân.

                 

4. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh; phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

                 

5. Xây dựng, huy động đơn vị dự bị động viên bảo đảm đủ quân số, phương tiện kỹ thuật dự bị; đúng tiêu chuẩn, thời gian; bảo đảm bí mật, an toàn theo quy định của pháp luật và kế hoạch được phê duyệt.

                 

6. Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.

                 

Hỏi: Độ tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình như thế nào? Quân nhân dự bị được hoãn tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu trong những trường hợp nào? Huy động lực lượng dự bị động viên trong những trường hợp nào?

                 

Đáp: Tại Điều 17, Luật lực lượng dự bị động viên quy định:

                 

1. Độ tuổi sĩ quan dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

                 

2. Độ tuổi quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được quy định như sau:

                 

- Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi được sắp xếp vào đơn vị chiến đấu;

                 

- Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi; nữ quân nhân dự bị không quá 40 tuổi được sắp xếp vào đơn vị bảo đảm chiến đấu.

                 

* Theo quy định tại khoản 4, Điều 22, Luật lực lượng dự bị động viên, quân nhân dự bị được hoãn tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp sau đây:

                 

- Trùng với thời gian thi tuyển công chức, viên chức; thi nâng bậc thợ, nâng ngạch công chức, viên chức; thi kết thúc học kỳ, thi kết thúc khóa học được cơ quan, tổ chức nơi quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc xác nhận;

                 

- Bị ốm đau hoặc hoàn cảnh gia đình, bản thân khó khăn đột xuất không thể tham gia, được UBND cấp xã, cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi quân nhân dự bị cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc xác nhận.

                 

* Theo quy định tại Điều 24, Luật lực lượng dự bị động viên, các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên gồm:

                 

1. Khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ.

                 

2. Khi thi hành lệnh thiết quân luật.

                 

3. Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp.

                 

4. Để phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.

                 

Linh Loan (Sở Tư pháp)

 

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới