Cầu nối đưa chính sách pháp luật đến với nhân dân

Với phương châm hướng về cơ sở, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật toàn tỉnh đã trở thành cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Giọng nữ
Tuyên truyền PBGDPL tại xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu.

Trong một cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, ngoài truyền tải thông tin chung, báo cáo viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh còn giải đáp nhiều thắc mắc của bà con một cách cụ thể, như: Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, tranh chấp đất đai, đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Anh Điêu Chính Tùng, chuyên viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, chia sẻ: Cùng với việc chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các luật mới ban hành, chúng tôi luôn lựa chọn phương pháp phổ biến pháp luật đơn giản để bà con dễ tiếp nhận; tại các cuộc tuyên truyền trực tiếp, chúng tôi chọn phương pháp bà con đặt câu hỏi và chúng tôi trả lời, cách trao đổi như vậy giúp họ dễ hiểu, dễ nhớ.

Năm 2023, xã Mường Sai, huyện Sông Mã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả đó có sự đóng góp của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong vận động nhân dân tham gia. Ông Tòng Văn Việt, Bí thư Đảng ủy xã, thông tin: Xã có 1 báo cáo viên cấp huyện, 30 tuyên truyền viên cấp cơ sở. Sau khi tiếp thu các nội dung tại hội nghị báo cáo viên cấp huyện, Đảng ủy xã đã tổ chức hội nghị quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, thông tin tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh, huyện đến cán bộ, đảng viên trong xã. Trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các báo cáo viên, tuyên truyền viên của xã đã trực tiếp xuống bản tuyên truyền, vận động nhân dân góp công, góp của xây dựng các công trình giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Hiện nay, toàn tỉnh có 205 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 410 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.656 tuyên truyền viên cấp xã, thực hiện nhiệm vụ PBGDPL tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ năm 2020 đến nay, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch tổ chức hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật và tập huấn nghiệp vụ về theo dõi thi hành pháp luật. Tổ chức 3 hội nghị tập huấn các văn bản pháp luật mới cho 628 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện; 6 hội nghị tập huấn bồi dưỡng, kiến thức pháp luật cho 1.440 tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở.

Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng. Trong 3.271 báo cáo viên, thì có 236 người trình độ trên đại học, 2.490 người trình độ đại học, 37 người trình độ cao đẳng, trung cấp, còn lại là THPT; 100% báo cáo viên đã khai thác thông tin trên internet, 88% báo cáo viên xây dựng bài giảng bằng phương tiện điện tử.

Ông Sòi Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, thông tin: Vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật được phát huy, đã góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Đồng thời, nắm thông tin, phản ánh những bất cập, khó khăn của người dân, giúp các cấp, các ngành chức năng xem xét, giải quyết, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024-2030”, các sở, ngành, huyện, thành phố chủ động bố trí kinh phí triển khai thực hiện hiệu quả. Các cấp ủy, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật phát huy trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới