Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, chiều ngày 24/3, Quốc hội làm việc tại hội trường cho ý kiến về dự thảo Luật tiếp cận thông tin.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phát biểu tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII.
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí với và tán thành nhiều nội dung của dự thảo Luật. Đồng thời, các đại biểu cũng cho ý kiến vào nhiều điều, khoản cụ thể.
Về chủ thể cung cấp thông tin, có ý kiến đề nghị cần mở rộng chủ thể cung cấp thông tin, theo đó không chỉ có cơ quan nhà nước mà cả các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước có sử dụng ngân sách nhà nước cũng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin.
Về vấn đề này Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân là trách nhiệm của Nhà nước. Hầu hết các thông tin mà người dân quan tâm là các thông tin ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mình. Các thông tin này cơ bản đều do các cơ quan nhà nước tạo ra hoặc nắm giữ. Do đó, dự thảo Luật quy định cơ quan Nhà nước là chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin là phù hợp. Quy định này cũng nhằm khẳng định vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc công khai, minh bạch các hoạt động của mình trước nhân dân.
Còn các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước có sử dụng ngân sách Nhà nước thì thực hiện việc cung cấp, công khai thông tin theo điều lệ, quy chế, tôn chỉ mục đích của mình và theo quy định tại các văn bản pháp luật cụ thể như: Luật phòng, chống tham nhũng, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn... Vì vậy, các đại biểu đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi điều chỉnh như quy định tại dự thảo Luật.
Chưa đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, chủ thể cung cấp thông tin chỉ là cơ quan Nhà nước là chưa đầy đủ. Thực tế cho thấy, công dân không những cần thông tin từ công quyền mà còn cần thông tin từ các đơn vị tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Các chủ thể trên tạo ra thông tin liên quan đến đời sống xã hội, quyền là lợi ích của công dân tổ chức.
Bởi vậy, nếu thông tin công khai minh bạch sẽ góp phần chống tham nhũng, oan sai, lãng phí. Việc cung cấp thông tin là then chốt trong các quyền dân biết, dân làm, dân kiểm tra. Về chủ thể tiếp cận thông tin, cần bổ sung quyền tiếp cận thông tin đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, để đảm bảo quyền lợi và phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015.
Về thông tin được tiếp cận, có ý kiến đề nghị quy định rõ loại thông tin thuộc bí mật nhà nước trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân. UBTVQH cho rằng, hiện nay, thông tin thuộc bí mật nhà nước đang được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành về vấn đề này, nhất là Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000.
Tuy nhiên, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII , dự án Luật bảo vệ bí mật Nhà nước để thay thế Pháp lệnh nói trên đã được đưa vào chương trình và hiện đang được các cơ quan tích cực chuẩn bị. Trong Luật tiếp cận thông tin không thể đưa các nội dung thông tin về bí mật Nhà nước vào điều chỉnh hết được. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho quy định viện dẫn thông tin không được tiếp cận là thông tin thuộc bí mật nhà nước như thể hiện tại khoản 1 Điều 6 của dự thảo Luật....
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, Luật phải quy định làm sao để mọi người bình đẳng trong tiếp cận thông tin. Đại biểu đề nghị, bổ sung, rà soát Luật bình đẳng giới, Luật Giáo dục phổ biến pháp luật sao cho đồng bộ để nguồn thông tin dân cần đều bình đẳng tiếp cận, tiếp cận chính xác, đúng thời điểm phục vụ nhu cầu của mình.
Trước ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn nội dung tại khoản 3 Điều 4 của dự thảo Luật để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của trẻ em, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH cho chỉnh lý quy định về quyền tiếp cận thông tin của trẻ em tại khoản 3 Điều 4 dự thảo Luật. Theo đó, đối với thông tin công khai rộng rãi thì trẻ em có quyền tiếp cận một cách trực tiếp như các chủ thể khác; đối với thông tin cung cấp theo yêu cầu thì trẻ em được tiếp cận thông qua người đại diện./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!