Sau 5 năm (2010-2015) triển khai, thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” trên địa bàn tỉnh, chất lượng hoạt động GĐTP được nâng lên rõ rệt, góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử và giải quyết vụ việc.
Thực hiện Quyết định số 258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”, Sở Tư pháp tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch, các văn bản hướng dẫn, thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc thực hiện Đề án. Phối hợp với các sở, ngành triển khai hiệu quả Luật Giám định tư pháp (GĐTP), Chỉ thị số 1958/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bồi dưỡng GĐTP; các văn bản về chế độ bồi dưỡng, mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí GĐTP và các văn bản có liên quan đến hoạt động GĐTP... Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cán bộ và nhân dân đối với hoạt động GĐTP.
Hiện tỉnh ta có 2 tổ chức GĐTP công lập, gồm: Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh (PC54) và Trung tâm pháp y, thuộc Sở Y tế. Từ năm 2010 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã Quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp cho 22 người; công bố danh sách 31 người GĐTP theo vụ việc; bổ sung lĩnh vực giám định cho 2 giám định viên kỹ thuật hình sự. Nâng tổng số người GĐTP toàn tỉnh lên 84 người (41 giám định viên tư pháp; 43 người GĐTP theo vụ việc). 100% giám định viên tư pháp có trình độ đại học, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, am hiểu về lĩnh vực chuyên môn GĐTP. Nhờ vậy, chất lượng GĐTP từng bước được nâng cao. Qua 5 năm hoạt động, giám định viên kỹ thuật hình sự và giám định viên pháp y của tỉnh đã tiếp nhận và thực hiện được trên 6.800 vụ việc; người GĐTP theo vụ việc tiếp nhận và thực hiện 13 vụ việc. Các kết luận đảm bảo về thời gian, không có vụ việc kết luận sai, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, giải quyết các vụ việc chính xác, khách quan, đúng pháp luật, 100% kết luận GĐTP không có khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, thực hiện Đề án vẫn còn gặp một số khó khăn, đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có Văn phòng GĐTP; đội ngũ người GĐTP còn thiếu, một số chuyên môn còn hạn chế; công tác phối hợp giữa người GĐTP, tổ chức GĐTP với cơ quan tiến hành tố tụng chưa đồng bộ, kịp thời; thiếu giám định viên có kinh nghiệm thực tế và năng lực chuyên môn; việc giám định pháp y về tâm thần, hàm lượng ma túy, định giá tài sản, nhất là các loại động vật quí hiếm, xác định gen của vật nuôi, gia súc... còn nhiều khó khăn. Thêm vào đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác GĐTP đã được quan tâm, đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.
Để thực hiện hiệu quả Đề án, thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục đổi mới cách thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến Luật GĐTP trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò, bản chất, tầm quan trọng của hoạt động GĐTP trong hoạt động tố tụng. Cùng với đó, tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức GĐTP công lập và đội ngũ người GĐTP; tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ cho các giám định viên từng bước nâng cao chất lượng GĐTP, giúp cơ quan điều tra thực hiện tốt nhiệm vụ “không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội”.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!