Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục, cấp ủy, chính quyền, nhân dân huyện Thuận Châu đã chung sức, đồng lòng, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân trong huyện.
Khởi sắc diện mạo nông thôn mới
Về các xã nông thôn mới (NTM) của Thuận Châu, chứng kiến những đổi thay ở các vùng quê nơi đây. Đó là những con đường bê tông nội bản, liên bản trải dài; những nương đồi phủ kín màu xanh của cây ăn quả, chè, cà phê, bên những bản làng trù phú. Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư; đời sống văn hóa tinh thần của người dân luôn tràn đầy niềm vui mới.
Với chủ trương phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, huy động nội lực trong dân để xây dựng NTM, cuối năm 2023, xã Chiềng La cán đích NTM. Trong quá trình đó, xã được Nhà nước hỗ trợ gần 21,4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 1,3 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, 6/6 bản có nhà văn hóa; 100% số hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 10 công trình thủy lợi, đảm bảo nước tưới tiêu cho 64 ha đất sản xuất nông nghiệp; không còn nhà tạm, nhà dột nát…
Ông Lò Văn Đỉnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Chiềng La, phấn khởi nói: Những hoạt động liên quan đến xây dựng NTM đều được thực hiện với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, tạo sự đồng thuận trong thực hiện. Nhờ chương trình NTM mà đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, khang trang sạch đẹp. Thu nhập tăng đã giúp đời sống bà con có nhiều đổi thay, diện mạo các bản ngày càng khởi sắc. Chúng tôi tiếp tục cùng chính quyền địa phương duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Quá trình xây dựng NTM, huyện Thuận Châu triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án của nhà nước, trong đó, ưu tiêu phát triển kết cấu hạ tầng. Năm 2023, huyện đầu tư xây dựng 128 công trình, tổng vốn được giao hơn 542 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực xây dựng cơ bản, như: Giao thông nông thôn, trụ sở làm việc các xã, nhà văn hóa, trường lớp học, trạm y tế xã, các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt… từng bước đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân cũng như hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng xã hội. Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, huyện còn kêu gọi sự đóng góp của cán bộ, đảng viên, nhân dân và các nhà hảo tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát; tham gia tu sửa đường giao thông nông thôn; vận động bảo vệ môi trường, dọn vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp.
Ông Hà Trung Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho hay: Huyện tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí NTM và kế hoạch đạt chuẩn NTM giai đoạn 2023-2025. Chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chương trình của huyện để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các nội dung; đề xuất giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện. Đẩy mạnh tuyên truyền giúp nhân dân nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng xây dựng NTM, gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Phụ nữ chung sức xây dựng NTM”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM”...
Với sự chung sức, đồng lòng, đến nay, huyện có 5 xã đạt chuẩn NTM; bình quân đạt 8,75 tiêu chí/xã; 5/28 xã đạt tiêu chí giao thông; 27 xã đạt tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai; 22 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; tỷ lệ dân số được sử dụng điện an toàn đạt 97%...
Dồn lực thực hiện các tiêu chí
Năm 2024, huyện Thuận Châu đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, trong đó, tập trung củng cố, duy trì, nâng cao các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM của các xã; lựa chọn tiêu chí có thế mạnh, tính đột phá, hoặc tiêu chí cần ít vốn đầu tư để ưu tiên thực hiện. Phấn đấu đạt 9,2 tiêu chí/xã; hoàn thiện hồ sơ đánh giá lại đối với 2 xã Tông Lạnh, Phổng Lái theo Quyết định của UBND tỉnh đối với xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020.
Thời điểm này, xã Tông Lạnh tập trung củng cố, nâng cao và hoàn thiện tiêu chí xây dựng NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Ông Lường Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã, thông tin: Qua rà soát, đánh giá, xã còn 3 tiêu chí chưa đạt, gồm: Thu nhập, hộ nghèo và y tế. Đối với tiêu chí thu nhập, xã tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác lợi thế phát triển thương mại dịch vụ; chuyển diện tích đất nương trồng cây lương thực năng suất thấp sang trồng cây ăn quả; trồng cỏ phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng nuôi nhốt.
Đến nay, xã Tông Lạnh có 1 chợ trung tâm xã, 209 hộ sản xuất, kinh doanh thương mại - dịch vụ; duy trì hơn 2.700 con gia súc, 30.150 con gia cầm. Về tiêu chí y tế, xã đã giao chỉ tiêu phát triển đối tượng BHYT đến các bản. Đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của bản, xã về quyền lợi và nghĩa vụ của người tham gia BHYT; các chính sách mới cập nhật bổ sung; những vướng mắc được hỗ trợ khi đi khám và chữa bệnh.
Cụ thể hóa phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau”, “Hoàn thành tiêu chí nào chắc tiêu chí đó”, đến nay, xã Muổi Nọi đạt 10/19 tiêu chí NTM. Năm 2024, xã đề ra mục tiêu đạt tiêu chí về lao động, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Theo đó, xã đã rà soát, tổng hợp người trong độ tuổi lao động; xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho người dân… Riêng tiêu chí vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, xã đã thành lập các tổ công tác về các bản tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân đăng ký thực hiện tiêu chí môi trường. Đưa ra quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường vào hương ước của bản. Phân công cán bộ, đảng viên tuyên truyền, giám sát cụm dân cư thực hiện các quy định về vệ sinh môi trường; tăng cường kiểm soát, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức đoàn thể phối hợp tổ chức “Ngày chủ nhật xanh chung sức xây dựng nông thôn mới”, “vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm”, gắn với phong trào “5 không, 3 sạch”; xây dựng lò đốt rác mini... Phấn đấu đến tháng 11/2024, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại được thu gom, xử lý đạt 50%; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn và thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định đạt 35%.
Chị Tòng Thị Thơm, bản Bó Nguồng, xã Muổi Nọi, chia sẻ: Sau khi được bản, xã tuyên truyền về việc thực hiện phân loại rác và các quy định bảo vệ môi trường, tôi đã nghiêm túc chấp hành việc để rác thải đúng nơi quy định. Các loại rác thải nhựa có khả năng tái chế, tôi thu gom và để thành túi riêng. Hiện nay, 100% người dân trong bản đều thực hiện nghiêm việc bảo vệ môi trường.
Với quan điểm “Huy động nội lực là chủ yếu; hỗ trợ của doanh nghiệp là quan trọng; đầu tư của nhà nước là cần thiết”, huyện Thuận Châu đang tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình hạ tầng nông thôn, trước hết là phục vụ nhu cầu dân sinh, sau đó là những công trình phục vụ sản xuất theo hướng ưu tiên. Xã hội hóa các công trình nước sạch; đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh môi trường nông thôn; trạm y tế; trường học; điện; đường giao thông; trung tâm văn hóa cộng đồng; thủy lợi. Hỗ trợ phát triển các loại giống cây trồng, vật nuôi chất lượng, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương...
Tin rằng, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, huyện Thuận Châu sẽ phát huy sức mạnh đại đoàn kết, quyết tâm hoàn thành chương trình xây dựng NTM trên địa bàn, góp phần để đạt được mục tiêu huyện thoát khỏi diện nghèo vào năm 2025.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!