Phấn đấu đến cuối năm 2024 đạt chuẩn nông thôn mới, xã Pi Toong, huyện Mường La đang thực hiện nhiều giải pháp hoàn thiện các tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia.
Qua rà soát, đến nay, xã hoàn thành 8/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. 11 tiêu chí chưa đạt gồm: Điện, cơ sở vật chất văn hóa, kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn, nhà ở dân cư, thu nhập, nghèo đa chiều, lao động, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.
Ông Lò Văn Phiêu, Chủ tịch UBND xã Pi Toong, thông tin: Khó nhất đối với xã là thực hiện tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo. Là xã thuần nông, nhưng tình trạng thiếu nước lại diễn ra nhiều tháng trong năm. Riêng 6 tháng đầu năm nay, hạn hán đã làm mất trắng trên 37 ha lúa ở 7 bản; 27 ha vải thiều bị khô, nứt vỏ, mẫu mã xấu; sắn bị hỏng củ, giảm năng suất, chất lượng. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 còn 32,3%; thu nhập bình quân đạt 18,7 triệu đồng/người/năm; còn 43 nhà tạm, dột nát.
Các tiêu chí về môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm cũng gặp khó. Xã có 21,9% số hộ được sử dụng nước sạch; trên 60% số hộ có nhà tắm, bể chứa nước hợp vệ sinh (tiêu chuẩn là trên 70%); hơn 42% số hộ có chuồng trại chăn nuôi bảo đảm vệ sinh; hầu hết chất thải rắn sinh hoạt chưa được thu gom theo quy định.
Đối với tiêu chí thu nhập và hộ nghèo, xã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tạo điều kiện cho bà con tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng thông qua hình thức vay vốn trực tiếp và vay tín chấp qua các tổ chức chính trị, xã hội. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững (30a). Phối hợp với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng chi trả 336 triệu đồng/năm tiền dịch vụ môi trường rừng cho nhân dân. Hiện nay, bà con thâm canh hơn 77 ha lúa, 180 ha sắn, 100 ha ngô; trồng trên 300 ha cây ăn quả các loại; nuôi trên 10.000 con gia súc, 47.800 con gia cầm; duy trì 51 lồng cá trên lòng hồ thủy điện, sản lượng ước đạt 27 tấn/năm.
Xã còn rà soát, thống kê, lập danh sách những người tốt nghiệp THPT, người chưa có việc làm, thiếu việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định và mức thu nhập thấp để phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện đào tạo nghề. Đồng thời, kết nối cho trên 1.700 lao động đi làm việc ở các khu công nghiệp ngoài tỉnh, trong đó, 102 người xuất khẩu lao động nước ngoài.
Riêng tiêu chí môi trường, xã tuyên truyền, vận động nhân dân di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn, nhà ở; xây dựng chuồng trại nuôi nhốt gia súc kiên cố, đảm bảo vệ sinh. Hội CCB vận động hội viên làm mới 180 lò đốt rác. Hội Phụ nữ tổ chức cho hội viên vệ sinh khu dân cư, nạo vét cống rãnh, thu gom, phân loại, xử lý rác thải, trồng, chăm sóc tuyến đường hoa tại các bản Ten, Lứa, Núa Trò…
Ông Cà Văn Dăm, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Ten, chia sẻ: Từ năm 2015 đến nay, bản đã đổ bê tông được 4,1 km đường nội bản, trong đó Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân hiến 500 m2 đất, đóng góp trên 1 tỷ đồng (chia làm 4 đợt, mỗi đợt từ 250 - 500 nghìn đồng/nhân khẩu) để mua vật liệu cát, sỏi, góp trên 2.000 ngày công lao động. Nhân dân duy trì trồng 11,5 ha lúa 2 vụ, 20 ha sắn, 10 ha ngô, 36 ha xoài, mít, vải thiều, nhãn chín muộn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 21%.
Năm 2023, xã phấn đấu hoàn thành tiêu chí về y tế, kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Theo đó, quy hoạch xây mới chợ nông thôn tại bản Cang Kiêng, dự kiến rộng 1.000 m2, gồm nhà kho, khu vực bảo quản thực phẩm; hệ thống cấp, thoát nước; sơ đồ, biển chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy, trang bị thùng chứa rác thải và các công trình phụ trợ.
Đồng thời, kiện toàn đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, tổ hòa giải ở cơ sở. Tuyên truyền giúp nhân dân tiếp cận các kiến thức pháp luật trên các lĩnh vực. Trạm Y tế tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vận động nhân dân khi đến khám, chữa bệnh cài đặt phần mềm sổ khám chữa bệnh điện tử trên điện thoại, phấn đấu đạt trên 50% số người cài đặt, thuận lợi trong việc theo dõi sức khỏe, đưa ra chẩn đoán, điều trị ban đầu hiệu quả.
Cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, xã Pi Toong mong tiếp tục được tỉnh, huyện, các tổ chức, cá nhân quan tâm hỗ trợ để đạt chuẩn nông thôn mới đúng kế hoạch.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!