Xây dựng nông thôn mới

Từ những ngày đầu với 11 mô hình thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) đến nay, bộ mặt nông thôn đã hoàn toàn thay đổi. Tính đến hết tháng 2/2023, cả nước có 6.001 trong tổng số 8.211 xã đạt chuẩn NTM (đạt 73,08%); trong đó, có 958 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 113 xã đạt NTM kiểu mẫu, bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí. Hiện, đã có 5 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM…

Nông dân xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thu nhập cao. (Ảnh: Tâm Châu)
Nông dân xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thu nhập cao. (Ảnh: Tâm Châu)

Tuy nhiên, xây dựng NTM vẫn còn sự chênh lệch giữa các địa phương, vùng miền; thậm chí, có tình trạng xây dựng NTM một cách rập khuôn, máy móc, thiếu quy hoạch, phần nào làm mất đi bản sắc văn hóa truyền thống của người dân bản địa.

Đơn cử như không gian sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc vốn là những ngôi nhà sàn, nhà rông... thì nay, khi bắt tay vào xây dựng NTM, nhiều địa phương đã xây dựng theo kiến trúc dưới xuôi khiến cho diện mạo buôn, làng bị thay đổi.

Xây dựng NTM vẫn còn sự chênh lệch giữa các địa phương, vùng miền; thậm chí, có tình trạng xây dựng NTM một cách rập khuôn, máy móc, thiếu quy hoạch, phần nào làm mất đi bản sắc văn hóa truyền thống của người dân bản địa.

Không chỉ có nhà văn hóa, các công trình phúc lợi xã hội thay đổi, mà những ngôi nhà cũ tại nhiều làng quê cũng đang dần bị thay thế bởi nhà cao tầng với kiến trúc pha tạp… Ðiều đó khiến dư luận không tránh khỏi những lo ngại trước những bất cập của kiến trúc nông thôn.

Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết tâm đổi mới trong xây dựng NTM. Ðây là quyết tâm nhận được sự đồng thuận của tất cả các chủ thể trong xây dựng NTM. Bởi nói gì thì nói, bản sắc văn hóa truyền thống luôn là vốn quý của mỗi địa phương cần được gìn giữ, phát huy một cách đúng đắn.

Ðể làm được điều này, công tác kiểm tra, đôn đốc để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng NTM ngay tại cơ sở đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương lên kế hoạch thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết tâm đổi mới trong xây dựng NTM. Ðây là quyết tâm nhận được sự đồng thuận của tất cả các chủ thể trong xây dựng NTM. Bởi nói gì thì nói, bản sắc văn hóa truyền thống luôn là vốn quý của mỗi địa phương cần được gìn giữ, phát huy một cách đúng đắn.

Bộ cũng yêu cầu các địa phương tranh thủ sự hỗ trợ về chính sách, kinh phí từ Nhà nước và các nguồn lực xã hội hóa để ưu tiên những hạng mục, tiêu chí gần đạt để nâng chuẩn NTM. Trong đó, ưu tiên giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống để người dân tự hào và tăng thêm thu nhập từ chính văn hóa bản địa đặc trưng hiện có.

Chủ trương đã có, các địa phương đang nỗ lực phát triển kinh tế, văn hóa theo những cách làm riêng, sáng tạo dựa trên những tiềm năng sẵn có.

 

Trước hết là đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, xây dựng được các vùng chuyên canh sản phẩm OCOP, sản xuất theo chuỗi liên kết hướng tới nhu cầu của thị trường… góp phần tăng thu nhập cho người dân, bảo đảm phát triển kinh tế song song với xây dựng NTM, coi phát triển kinh tế nông thôn là điều kiện để tạo ra cơ hội việc làm ở nông thôn theo phương châm "ly nông, bất ly hương" không chỉ để giữ chân lao động trẻ gắn bó với quê hương mà còn mời gọi tri thức trẻ quay trở về quê hương khởi nghiệp.

Ðồng thời, xây dựng NTM phải bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, phải giữ được nét kiến trúc đặc trưng vùng miền của làng quê Việt Nam.

Xây dựng NTM phải bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, phải giữ được nét kiến trúc đặc trưng vùng miền của làng quê Việt Nam.

Ðã đến lúc, cần khơi dậy tiềm năng của địa phương theo nhiều hướng: Du lịch làng nghề, du lịch văn hóa kết hợp trải nghiệm… để giới thiệu, quảng bá hình ảnh làng quê, gắn với tiêu thụ nông sản, sản phẩm làng nghề. Ðây cũng là một kênh quan trọng để kích hoạt sự thay đổi nếp sống nông thôn theo hướng văn minh.

Bởi suy cho cùng xây dựng NTM là hướng đến một nông thôn văn minh, giàu có và người nông dân là người quyết định, hưởng thụ những thành quả mà mình tạo dựng.

Hay nói như Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nông thôn mới chính là sức sống mới của cộng đồng, và nhiệm vụ của chúng ta trong thời gian tới chính là phải phát huy, tiếp tục tạo nên sức sống của cộng đồng. Mô hình làng hạnh phúc, làng thông minh không chỉ là gợi ý mà chính là đích đến của NTM hiện nay.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM; trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020...

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới