Xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch – đẹp

Triển khai nhiều hoạt động thiết thực, huy động nhân dân tham gia cải thiện môi trường, huyện Thuận Châu đã và đang từng bước hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp.

Nhân dân thị trấn Thuận Châu trồng cây phân tán đầu xuân.

 Hằng năm, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực môi trường. Tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các xã, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn. Theo dõi các kiến nghị, phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động chế biến nông sản trên các trang mạng xã hội (facebook, zalo,...); xử lý nghiêm các vi phạm phát hiện được trong quá trình kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. 

Cùng với đó, huyện đã tổ chức phát động trồng cây phân tán; thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra hoạt động kinh doanh buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, phân bón. Ký hợp đồng với Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La - Chi nhánh Thuận Châu thu gom rác thải sinh hoạt khu dân cư thị trấn và 13 xã. Bố trí thùng đựng rác tại các khu vực trung tâm xã, chợ, trường học và đặt các bể thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại khu vực sản xuất. Phối hợp với Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) đánh giá chất lượng môi trường trên địa bàn huyện về chất lượng môi trường không khí; các thông số như: Tiếng ồn, CO, SO2, NO2, bụi lơ lửng (TSP) đều nằm trong Quy chuẩn hiện hành.

Nông dân xã Chiềng Pha tham gia dọn vệ sinh môi trường.

Ông Tạ Đăng Hải, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, thông tin: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện thành lập hộp thư điện tử, đường dây nóng để nhân dân phản ánh việc ô nhiễm môi trường. Hướng dẫn các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác quản lý, xử lý chất thải nhựa, chất thải nông nghiệp, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày môi trường thế giới”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, “Ngày khí tượng thế giới”, “Ngày nước thế giới”. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về môi trường, như thanh niên với công tác bảo vệ môi trường; môi trường trong trường học...

Các tổ chức đoàn thể có nhiều hoạt động hưởng ứng công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện xây dựng điểm mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Hội LHPN huyện phát động phong trào “5 không, 3 sạch”, tại các xã, thị trấn. Hội Cựu chiến binh, Huyện đoàn ra quân dọn vệ sinh môi trường nhân “Ngày môi trường thế giới”, “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”. Huyện phối hợp tổ chức thu gom và xử lý khoảng 871 tấn/tháng rác thải khu vực đô thị, nông thôn; trung bình mối năm trên 16.000 tấn rác thải nguy hại y tế và 2 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Đến nay, 100% lượng chất thải rắn ở đô thị và 84% nước thải đô thị được thu gom; 100% số hộ dân vùng nông thôn và đô thị được sử dụng nước hợp vệ sinh. 

Nhiều tuyến đường nội bản xã Tông Lạnh được trồng hoa.

Đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022, duy trì và nâng cao tiêu chí số 17, xã Tông Cọ đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích nhân dân trồng các loại cây bóng mát, cây ăn quả, tạo cảnh quan sạch, đẹp. Đưa việc bảo vệ môi trường vào quy ước, hương ước của bản; phân công cán bộ, đảng viên giám sát cụm dân cư thực hiện các quy định về vệ sinh môi trường… Đến nay, chất thải rắn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được thu gom, xử lý đúng quy định; 82% số hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; 87% số hộ có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường...

Bây giờ về các bản của xã Tông Cọ, các tuyến đường đều được bê tông sạch, đẹp. Từ đường giao thông đến nhà ở, sân vườn của các hộ hầu như không còn tình trạng xả rác bừa bãi; không còn chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà ở. Định kỳ hằng tháng, nhân dân các bản đều ra quân dọn vệ sinh môi trường. Chị Lò Thị Hằng, bản Lè, chia sẻ: Đảm bảo vệ sinh môi trường, gia đình tôi đã di chuyển gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở và nuôi nhốt gia súc. Thực hiện nghiêm việc thu gom rác về điểm tập kết. Hằng tháng, tôi cùng chị em trong chi hội phụ nữ bản tham gia phát quang bụi rậm, quét dọn đường bản. 

Hiện nay, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp được áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, đáp ứng yêu cầu thị trường và góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Năm 2018, từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới hỗ trợ 70% chi phí giống, gia đình anh Bùi Văn Chính, xã Chiềng Pha đã chuyển đổi hơn 1 ha trồng cà phê sang trồng thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ. Vụ vừa qua, gia đình anh Chính thu hơn 30 tấn quả, sản phẩm chủ yếu bán về chợ đầu mối ở Hà Nội. Ngoài ra, còn trồng cây chè và cây xưa, đàn hương, với hơn 2 ha. Năm 2023, từ mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình anh thu hơn 300 triệu đồng. 

Mô hình trồng thanh long hữu cơ của gia đình anh Bùi Văn Chính. 

Anh Chính cho biết: Theo phương thức canh tác truyền thống, việc sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu gây ô nhiễm môi trường đất, nông sản dễ bị nhiễm độc... ảnh hưởng lớn đến môi trường và chất lượng cuộc sống của con người. Qua tuyên truyền, vận động, tôi nhận thấy với địa hình dốc, việc áp dụng trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ có chất lượng tốt và giúp giảm thiểu nguy cơ gây xói mòn đất. Các sản phẩm của gia đình đều được thương lái đến thu mua tận nơi. Hiện nay, gia đình đang tập trung áp dụng kỹ thuật để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng. 

Tăng cường bảo vệ môi trường, huyện Thuận Châu tiếp tục ưu tiên nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm; tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay bảo vệ môi trường, đóng góp kinh phí để thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; tích cực tham gia trồng cây xanh nơi công cộng và trên các hành lang trục đường giao thông của xã, bản, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới