Kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Thuận Châu có sự đóng góp hiệu quả của các HTX nông nghiệp trong việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Thuận Châu hiện có 51 HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, doanh thu bình quân đạt 1 tỷ đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 35 triệu đồng/năm. Các HTX đã đổi mới phương thức hoạt động; năng động kết nối, hình thành các chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và thị trường; chủ động áp dụng khoa học, kỹ thuật, tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất, tạo sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Điển hình là chế biến chè; chuỗi liên kết, cung ứng sản phẩm quả an toàn; liên kết tiêu thụ sản phẩm khoai sọ, gà đen; hoa quả an toàn...
Các HTX trên địa bàn đang là những đơn vị tiên phong tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện, các HTX đã triển khai chuẩn hóa sản phẩm OCOP đối với sản phẩm Coffee Arabica Minh Trí; thịt hun khói Tông Cọ; mật ong Phổng Lái. Huyện có 5 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, gồm sản phẩm du lịch điểm du lịch Pha Đin Top; trà Olong Thu Đan; cá rô phi phi lê sông Đà; cá trắm hun khói Chiềng La; chè Trọng Nguyên.
Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Hoạt động hiệu quả của các HTX đã góp phần hoàn thành tiêu chí về các hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM. Được thể hiện rõ nét ở lĩnh vực sản xuất theo quy hoạch, tạo sản phẩm hàng hóa chủ lực tham gia thị trường trong nước và phục vụ chế biến xuất khẩu. Đến nay, huyện có 11/28 xã đạt tiêu chí số 13 về các hình thức tổ chức sản xuất.
Khai thác lợi thế của địa phương có nhiều nguồn hoa, nhất là hoa sa nhân, nhãn, năm 2019, 13 hộ dân xã Phổng Lái phát triển mô hình nuôi ong lấy mật và liên kết thành lập HTX ong Phổng Lái. Hiện nay, HTX đang nuôi trên 1.000 đàn ong. HTX đã áp dụng thành công quy trình và ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trong chăm sóc đàn ong và khai thác mật.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX ong Phổng Lái, chia sẻ: Năm 2022, sản phẩm mật ong Phổng Lái của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Mỗi năm HTX thu hoạch 30 tấn mật, với giá giao động từ 130.000-170.000 đồng/lít, trừ chi phí thu gần 3 tỷ đồng. Tạo việc làm cho từ 15-18 lao động địa phương, với mức lương trung bình từ 4-5 triệu đồng/người/tháng, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2024.
Sau hơn 4 năm hoạt động, HTX nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, có 13 ha thanh long ruột đỏ trồng theo quy trình VietGAP, đã được cấp mã số vùng trồng; sản lượng đạt trên 200 tấn quả/năm. HTX đã kết nối với HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn, hướng dẫn các quy trình chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, thanh long của HTX bán bình quân 17.000-22.000 đồng/kg, doanh thu gần 5 tỷ đồng.
Bà Hoàng Thị Thảo, Giám đốc HTX, thông tin: Hằng năm, HTX đã giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động địa phương. Chúng tôi chi trả đầy đủ chế độ tiền lương, bảo hiểm, tặng quà động viên người lao động trong các dịp lễ, tết... Thực hiện chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Các HTX trên địa bàn cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng NTM của các xã, như các tiêu chí về: Chợ nông thôn, hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo, chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng tích cực... Đồng thời, cùng cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng, phát triển các sản phẩm tiềm năng, chủ lực, có lợi thế so sánh của địa phương, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Nhiều HTX còn tích cực vận động các thành viên tham gia ngày công lao động, tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng.
Xây dựng các mô hình kinh tế HTX trên địa bàn huyện Thuận Châu đã và đang tạo động lực cho quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!