Hiện nay, huyện Sông Mã mới có 3/18 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí số 16 về văn hóa trong xây dựng NTM. Nguyên nhân do việc sáp nhập bản, tiểu khu dẫn đến một số nhà văn hóa không đáp ứng yêu cầu sử dụng; nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế; nhiều bản chưa đủ các tiêu chuẩn để được công nhận bản văn hóa... Trước thực tế đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, từng bước hoàn thiện các tiêu chí văn hóa theo lộ trình.
Ông Nguyễn Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã chú trọng công tác quy hoạch, tạo quỹ đất, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, lồng ghép trong các chương trình, dự án và huy động nguồn xã hội hóa do nhân dân đóng góp để đầu tư hoàn thiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho nhân viên quản lý nhà văn hóa bản, xã, nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân. Đầu tư các trang thiết bị thiết yếu như phông, màn, bục, tủ sách, báo, loa truyền thanh, bàn ghế, loa máy tại nhà văn hóa xã, bản; cải tạo nâng cấp sân thể thao phục vụ nhân dân. Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa từ bản đến xã, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của bà con, tạo điều kiện để phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển mạnh mẽ, sâu rộng.
Hiện nay, huyện có 16/18 nhà văn hóa xã, 275/331 nhà văn hóa bản, trong đó 7 nhà văn hóa xã và 160 nhà văn hóa cơ bản đạt chuẩn, còn lại chưa đạt chuẩn theo quy định. Riêng trong năm 2022, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, huyện đã xây dựng 6 nhà văn hóa bản với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Năm 2023, huyện đầu tư 16,6 tỷ đồng xây dựng thêm 17 nhà văn hóa bản; 6 xã Yên Hưng, Huổi Một, Chiềng Cang, Mường Sai, Mường Hung, Nà Nghịu đăng ký đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa.
Bên cạnh đó, các xã đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư. Tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao vào các dịp lễ, tết; khôi phục tổ chức các lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Tổ chức sơ kết, tổng kết và biểu dương kịp thời những gương điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào và các tiêu chí xây dựng NTM.
Từ cuối năm 2022 đến nay, huyện Sông Mã đã tổ chức phục dựng các lễ hội Mừng cơm mới và Xên bản của xã Nà Nghịu; Lễ hội dâng hương và đua thuyền tại xã Mường Hung; Lễ dâng hương tại đền thờ Hai Bà Trưng xã Chiềng Khương. Đồng thời, duy trì hơn 1.000 đội văn nghệ quần chúng, thể thao tại các bản, thường xuyên luyện tập, giao lưu, phục vụ nhu cầu của bà con và các sự kiện chính trị của địa phương. Các mô hình, câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn văn hóa hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng bản, tiểu khu văn hóa, gia đình văn hóa. Toàn huyện có 62,4% số hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; 100% bản, tiểu khu có hương ước, quy ước; 46,8% bản đạt danh hiệu văn hóa. Năm 2023, phấn đấu xã Mường Sai đạt tiêu chí văn hóa.
Bà Vì Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Sai, cho biết: Ngay từ đầu năm, xã đã chỉ đạo các bản đăng ký xây dựng bản văn hóa. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số, nhất là không tảo hôn, không sinh con thứ 3, không tham gia các tệ nạn xã hội. Duy trì 12 đội văn nghệ, 9 đội bóng chuyền, tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí trí lành mạnh. Đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”… Phấn đấu tăng từ 50% bản lên 75% bản đạt bản văn hóa trong năm 2023.
Tiếp tục phát huy nội lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa; khuyến khích phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; quan tâm xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa… là những hoạt động mà huyện Sông Mã đang tích cực triển khai, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn huyện.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!