Trong những năm gần đây, huyện Thuận Châu đã tập trung thực hiện tiêu chí thu nhập, một trong những tiêu chí quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống nhân dân vùng cao.
Từng bước nâng cao thu nhập cho nhân dân, huyện đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế. Khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, với các tiểu vùng khí hậu khác nhau, thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp. Huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao vào sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 4.000 ha cây ăn quả trên đất dốc, gồm xoài, nhãn, mận, thanh long; trồng cà phê xen cây ăn quả; xây dựng các mô hình nông, lâm kết hợp cây công nghiệp. Bên cạnh đó, khuyến khích các HTX và người dân phát triển các trang trại, gia trại chăn nuôi vừa và nhỏ. Tổng đàn gia súc có 8.960 con trâu, 53.288 con bò, 73.010 con lợn...
Đồng hành cùng nông dân, từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất cho hàng trăm lượt người. Việc xây dựng các vườn mẫu, mô hình mẫu, hướng dẫn kỹ thuật theo phương thức “cầm tay chỉ việc” đã phát huy hiệu quả trong thay đổi phương thức sản xuất, canh tác, chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế. Trên địa bàn huyện có 50 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đây là một lợi thế trong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân; sản xuất các sản phẩm an toàn, đảm bảo các tiêu chuẩn, yêu cầu của các thị trường trong và ngoài nước. Một số doanh nghiệp, HTX tiêu biểu trong xây dựng các chuỗi liên kết, phát triển sản phẩm tại địa phương, như: Công ty TNHH Trà Thu Đan; HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận; HTX sản xuất, kinh doanh cây ăn quả, phát triển chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp bản Bon; HTX du lịch Pha Đin... Nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu, như cà phê, chè, thanh long...
Thực hiện tiêu chí thu nhập, xã Phổng Lái đã tập trung vào phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, như cà phê, chè và chăn nuôi gia súc. Ông Mè Văn Tiền, Chủ tịch UBND xã Phổng Lái, cho biết: Với điều kiện tự nhiên phù hợp với phát triển sản xuất các loại cây công nghiệp như chè, cà phê, cùng với đó có 3 đơn vị xây dựng chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm chè, 1 đơn vị xây dựng điểm du lịch sinh thái, xây dựng các điểm trưng bày, quảng bá, giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP. Hiện nay, xã có 650 ha chè, năng suất chè búp tươi đạt từ 10-12 tấn/ha; trên 100 ha cây ăn quả các loại, sản lượng đạt 550 tấn/năm; 375 ha cây cà phê, sản lượng hơn 3.000 tấn quả/năm; duy trì trên 41.000 con gia súc, gia cầm. Xã đang đề xuất với huyện quy hoạch khu du lịch gắn với trải nghiệm đồi chè và các sản phẩm chè sản xuất theo quy trình VietGAP. Đến nay, thu nhập trung bình của xã đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,7%.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, quảng bá giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp được chú trọng; huyện khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tham gia các hoạt động giao thương, kết nối với các đối tác tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân.
Ông Đinh Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: Với những nỗ lực và quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả quan trọng. Huyện đang tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến khích người dân tham gia vào các mô hình kinh tế hợp tác, đẩy mạnh cải thiện hạ tầng nông thôn. Đến nay, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm Phổng Lái, Tông Lạnh, Tông Cọ, Chiềng Pha, Chiềng La; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2,7 triệu đồng/người/tháng. Toàn huyện còn hơn 18% hộ nghèo, huyện đang tập trung hoàn thành tiêu chí thu nhập, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!