Giai đoạn 2021-2025, các địa phương trong tỉnh thực hiện các bộ tiêu chí nông thôn mới với yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước. Vì vậy, các xã nông thôn mới phải thực hiện đồng bộ các tiêu chí về sáng - xanh - sạch - đẹp và chuyển đổi sang sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường nông thôn.
Trong bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm gồm 12 chỉ tiêu: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt trên 30%; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh đạt trên 70%; cơ sở chăn nuôi đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi và bảo vệ môi trường đạt từ 60% trở lên; tỷ lệ gia đình phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt trên 30%; 100% gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Các địa phương trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình điểm thực hiện tiêu chí môi trường, những tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp không ngừng được nhân rộng.
Tại huyện Mai Sơn, đã thành lập tổ công tác chung tay phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ngay từ hộ gia đình, gắn với mục tiêu 3 sạch (sạch bếp, sạch nhà, sạch ngõ). Đồng thời, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã tuyên truyền, vận động nhân dân thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại gia đình; trồng hoa, cây cảnh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; xây dựng mô hình chôn lấp rác thải sinh hoạt tại hộ; thường xuyên tổng vệ sinh môi trường, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân. Chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch, quy chế thu gom, xử lý rác thải, hướng dẫn các bản, tiểu khu xây dựng hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm tra việc chấp hành tiêu chí môi trường của các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn.
Bà Cầm Thị Khay, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, thông tin: Đến nay, 96,3% số hộ gia đình ký cam kết thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt, gắn với thực hiện “3 sạch”; 70,5% số hộ có một nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định; 81% số hộ cam kết đưa gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn. Có 64 trường, 289 điểm trường thực hiện tốt vệ sinh trường, lớp học; các lớp có thùng rác để gom rác và đổ rác đúng quy định. Đến nay, trên địa bàn huyện có 27 mô hình tổ thu gom rác tự nguyện của Hội Cựu chiến binh; 150 mô hình “Chi hội phụ nữ chung tay, phân loại thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ngay từ hộ gia đình gắn với mục tiêu “3 sạch” tại các xã, thị trấn.
Còn tại huyện Thuận Châu, thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, huyện thành lập 6 tổ công tác chủ động phối hợp với xã, ban quản lý bản xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện. Tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các xã, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Giao cho Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La, Chi nhánh Thuận Châu thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn thị trấn và 8 xã dọc quốc lộ 6; các xã còn lại tự thành lập tổ thu gom rác thải, vận động các hộ tự đào hố đốt hoặc chôn lấp tại vườn nhà.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày môi trường thế giới”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, “Ngày nước thế giới”, “Chống rác thải nhựa”; đặt thêm thùng chứa bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các khu vực sản xuất; nhân dân các bản tích cực vệ sinh đường, ngõ xóm, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, gắn với hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới...
Tuy nhiên, đến cuối tháng 4/2023, toàn tỉnh mới có 22 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, giảm 36 xã so với giai đoạn 2017-2021. Nhiều chỉ tiêu gặp khó khăn, nguyên nhân do người dân chưa tạo được thói quen trong việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Hoạt động thu gom chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại chưa được thực hiện thống nhất và triệt để, các đơn vị thu gom chưa đáp ứng phương tiện thu gom chất thải rắn sau phân loại. Các khu dân cư còn xả thẳng nước thải sinh hoạt hằng ngày ra môi trường; việc cải tạo, chỉnh trang nhà cửa chưa thực hiện thường xuyên; đất, cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư chưa đảm bảo từ 2m2 trở lên/người; một số cơ sở chăn nuôi trên địa bàn chưa đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường...
Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới, thông tin: Giải quyết vấn đề môi trường không phải làm một lần, một đợt là xong, mà phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Do vậy, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, các ngành, địa phương cần tiếp tục huy động tham gia đóng góp của cộng đồng, doanh nghiệp, sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả tiêu chí về môi trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!