Thực hiện mục tiêu tổng quát của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tiếp tục duy trì thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn tỉnh có 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có ít nhất 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; tăng thêm ít nhất 100 bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó thêm ít nhất 40 bản nông thôn mới kiểu mẫu.
Thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh Sơn La đã kiện toàn Ban Chỉ đạo thống nhất chung cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh sản xuất gắn với công nghiệp chế biến; tăng cường thâm canh, tăng vụ; ứng dụng các giống mới và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, HTX với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Đồng thời, phát động phong trào thi đua “Sơn La chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau”... bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp; nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tham gia. Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã nông thôn mới toàn tỉnh lên 65 xã, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân toàn tỉnh đạt 12,39 tiêu chí/xã. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã huy động gần 1.140 tỷ đồng ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp thực hiện chương trình nông thôn mới; 3.200 tỷ đồng nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án vào địa bàn nông thôn; gần 16.580 tỷ đồng vốn vay từ các tổ chức tín dụng và gần 70 tỷ đồng nguồn từ các doanh nghiệp, HTX, huy động từ nhân dân.
Đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2025, huyện Quỳnh Nhai đang quyết tâm thực hiện các tiêu chí. Đến nay, huyện đã đạt 3/9 tiêu chí, còn 6 tiêu chí, là quy hoạch, giao thông, y tế - văn hóa - giáo dục, kinh tế, môi trường, chất lượng môi trường sống, đang được tập trung triển khai với nhiều giải pháp, dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2024. Đối với việc xây dựng 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2024, đến nay, xã Cà Nàng đã đạt 14/19 tiêu chí; xã Chiềng Khay đạt 14/19 tiêu chí; xã Mường Sại đạt 13/19 tiêu chí; xã Nậm Ét đạt 12/19 tiêu chí. Về xây dựng xã Mường Giàng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đã đạt 14/19 tiêu chí với 63/74 chỉ tiêu.
Ông Đinh Trung Dũng, Bí thư Huyện ủy Quỳnh Nhai, cho biết: Ngoài việc tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, du lịch, huyện tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
Cùng với huyện Quỳnh Nhai, các địa phương khác cũng đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới và xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, với nhiều giải pháp đồng bộ. Việc hoàn thành mục tiêu này sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới, từ nay đến hết năm 2025, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho cán bộ và người dân về phát triển kinh tế nông thôn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình, phát hiện và nhân rộng cách làm sáng tạo, mô hình hiệu quả, cũng như kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!