Với quan điểm xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, các địa phương trong tỉnh xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới.
Bà Cầm Thị Phong, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Xác định tái cơ cấu nông nghiệp là một trong những đòn bẩy để nâng cao các tiêu chí NTM, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho tỉnh ban hành các đề án phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm; lồng ghép nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Toàn tỉnh đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn, phát triển nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM. Lĩnh vực trồng trọt, tập trung phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Lĩnh vực chăn nuôi, từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cho sản phẩm chăn nuôi. Người nông dân được tiếp cận với thông tin của thị trường, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tự nguyện liên kết thành HTX, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp... mở rộng cơ hội phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, chất lượng, đủ sức cạnh tranh, xuất khẩu sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có hơn 1,1 triệu con gia súc, gần 8 triệu con gia cầm; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 84.800 tấn. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 65 xã đạt chuẩn NTM; bình quân toàn tỉnh đạt 12,35 tiêu chí/xã, tăng 2,12 tiêu chí/xã so với năm 2022. Có 66 xã đạt tiêu chí thu nhập; 74 xã đạt tiêu chí nghèo đa chiều.
Triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, tùy theo điều kiện, lợi thế, mỗi địa phương chọn giải pháp, hướng đi riêng cho bài toán tăng thu nhập bình quân đầu người. Tại huyện Mai Sơn, bên cạnh khuyến khích, vận động nhân dân chuyển đổi phương thức sản xuất kinh tế hộ sang liên kết, hợp tác, huyện đã tập trung thu hút đầu tư, tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng theo quy hoạch; tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, HTX để nắm bắt tình hình và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các nhà máy chế biến trong việc giao chỉ tiêu sản xuất, đảm bảo vùng nguyên liệu.
Bà Cầm Thị Khay, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Đến nay, toàn huyện có 6 cơ sở chế biến cà phê, mía, sắn, hoa quả quy mô công nghiệp và hàng trăm cơ sở chế biến nhỏ lẻ đang hoạt động, mỗi năm thu mua khoảng 700.000 tấn nông sản các loại cho nông dân.
Còn huyện Mường La, triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, huyện đã chỉ đạo tiếp tục chuyển đổi sản xuất, cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung, chuyên canh, phát triển nông nghiệp sạch, chất lượng. Năm 2023, toàn huyện trồng mới gần 700 ha cây ăn quả các loại, nâng diện tích cây ăn quả lên hơn 6.500 ha và gần 2.500 ha cây sơn tra; sản lượng trên 33.000 tấn quả các loại. Các sản phẩm xoài, nhãn, chuối đã có mặt tại các chuỗi siêu thị lớn và xuất khẩu. Duy trì, phát triển 5 sản phẩm OCOP; 2 sản phẩm trà hoa đu đủ và mật ong đá Chiềng Lao được công nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Sơn La. Khai thác lợi thế mặt nước lòng hồ thủy điện và diện tích ven hồ, nhân dân nuôi hơn 1.000 lồng cá, sản lượng nuôi và đánh bắt đạt 970 tấn.
Mục tiêu đến cuối năm 2024, tỉnh Sơn La phấn đấu có thêm ít nhất 8 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã NTM nâng cao; bình quân đạt 13,12 tiêu chí/xã trở lên, không còn xã dưới 8 tiêu chí. Các địa phương đang tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh sản xuất gắn với công nghiệp chế biến, khai thác tốt tiềm năng lợi thế; tăng cường thâm canh, tăng vụ; ứng dụng các giống mới và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành được các liên kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, HTX với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!