Trong những năm qua, thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đã đẩy mạnh sản xuất gắn với công nghiệp chế biến, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của tỉnh; tăng cường thâm canh, tăng vụ, ứng dụng các giống mới và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành được các liên kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, HTX với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản... Qua đó, từng bước nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân, việc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong toàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.
Vùng trồng cây ăn quả xã Chiềng Khương (Sông Mã).
Thời điểm mới bắt đầu xây dựng nông thôn mới năm 2011, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn mới đạt 13 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn trên 40%; các HTX hoạt động quy mô nhỏ, doanh thu thấp... Thực hiện đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tỉnh đã điều chỉnh và lập mới 38 quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ lực phục vụ tái cơ cấu ngành; chủ động xác định và lựa chọn các sản phẩm để phát triển; ban hành 23 đề án phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm: Quy hoạch chăn nuôi; thủy sản; lâm nghiệp; quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch cánh đồng lớn; quy hoạch phát triển cây cao su, cà phê, chè, mía, bông vải, sắn, dược liệu, rau an toàn, quả an toàn, bò sữa, cá tầm... Đồng thời, thực hiện lồng ghép nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Nhân dân xã Ngọc Chiến (Mường La) thu hái sơn tra.
Điểm nhấn trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh ta thời gian qua là phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với công nghiệp chế biến, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của tỉnh; thâm canh, tăng vụ, ứng dụng các giống mới và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các cây công nghiệp chủ lực được đầu tư chiều sâu, gắn với thị trường tiêu thụ. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng nguyên liệu tập trung gắn với các nhà máy chế biến nông sản, như: Vùng nguyên liệu rau khoảng 11.000 ha, tập trung tại các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn; vùng nguyên liệu mía đường khoảng 8.500 ha, tập trung chủ yếu tại Mai Sơn và Yên Châu; vùng nguyên liệu sắn khoảng 37.000 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Thuận Châu, Sông Mã, Mai Sơn, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Bắc Yên; vùng nguyên liệu chè khoảng 5.600 ha, tập trung ở huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu; vùng nguyên liệu cà phê khoảng 17.800 ha, tập trung ở Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố; vùng nguyên liệu cây ăn quả và cây sơn tra khoảng 73.000 ha... Hình thành 117 chuỗi cung ứng nông sản về lĩnh vực trồng trọt với diện tích trên 2.300 ha, sản lượng trên 27.500 tấn; có 33 cơ sở sản xuất, nhà máy chế biến sản phẩm nông sản đang hoạt động để sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Tại các địa phương người dân được hướng dẫn để từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại với từng loại vật nuôi phù hợp với nhu cầu của thị trường; xây dựng và nhân rộng một số mô hình áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất chăn nuôi... Đến nay, toàn tỉnh có gần 2.000 cơ sở chăn nuôi tập trung với trên 1 triệu con gia súc và trên 7 triệu con gia cầm.
Nhờ xác định đúng tiềm năng, lợi thế và có những chính sách khuyến khích phát triển kịp thời đã tạo nên bức tranh kinh tế của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Giai đoạn 2017-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp bình quân/năm ước đạt 4,2%, cao hơn 55% so với trung bình của cả nước. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch mạnh theo hướng phát huy lợi thế so sánh, gắn với thị trường, nhất là các thị trường cao cấp, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế; một số sản phẩm của Sơn La đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và nước ngoài. Đẩy mạnh đầu tư thâm canh, đưa các giống mới và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung có diện tích hợp lý, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường. Bước đầu hình thành mối liên kết giữa nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, ngân hàng và nhà phân phối, tạo chuỗi sản xuất cho các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Giá trị thu hoạch trên ha đất trồng trọt năm 2020 ước đạt 47 triệu đồng/ha, tăng 57% so với năm 2016, giá trị thu hoạch trên 1 ha đất nuôi trồng thủy sản ước đạt 100 triệu/ha, tăng 4% so với năm 2016.
Những kết quả đạt được trong tái cơ cấu nông nghiệp đã trực tiếp góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Dự ước đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 209% kế hoạch đề ra, tiêu chí bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, không còn xã khó khăn đạt dưới 5 tiêu chí về nông thôn mới. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của người dân nông thôn tiếp tục được cải thiện; thu nhập bình quân của người dân nông thôn ước đạt 20 triệu đồng/người/năm, tăng 8,1 triệu đồng/người/năm so với năm 2016.
Ông Nguyễn Thành Công
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT
Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp, còn rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và địa phương tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình tăng trưởng nông nghiệp, đa dạng hóa sinh kế cho người dân vùng nông thôn; đồng thời, tiếp tục thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào sản xuất, xây dựng các nhà máy chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Ông Vũ Tiến Đĩnh
Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn
Trong 5 năm (2015-2020), huyện đã vận động nhân dân chuyển đổi 8.490 ha cây trồng có giá trị kinh tế thấp (5.500 ha ngô; 650 ha lúa nương; 1.000 ha mía, 1.340 ha sắn) sang trồng các loại cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Đến nay, toàn huyện có trên 8.623 ha cây ăn quả các loại, tăng 8.000 ha so với năm 2015, trong đó có 3.000 ha ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, gần 800 ha sản xuất hữu cơ, 291 ha được cấp chứng nhận VietGAP.
Ông Bàn Văn Lợi
Bí thư đảng ủy xã Phiêng Luông (Mộc Châu)
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của xã. Đến nay, nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ; hình thành vùng rau, củ, quả an toàn. Cơ sở hạ tầng của xã được nâng lên rõ rệt, đặc biệt hệ thống đường giao thông, điện, đèn chiếu sáng, trạm y tế, trường học... đã đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn. Thu nhập bình quân năm 2019 của xã đạt 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,3%.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng
Giám đốc HTX Ngọc Lan, Hát Lót (Mai Sơn)
HTX đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện, HTX có 20 thành viên sản xuất trên 100 ha cây ăn quả các loại theo quy trình VietGAP, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Năm 2019, tổng doanh thu của các hộ thành viên và các dịch vụ đạt trên 12 tỷ đồng; sản xuất và tiêu thụ 200.000 cây giống. Hiện nay, HTX đã liên kết với 10 HTX và 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!