Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2021, xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp, đạt 15/19 tiêu chí. Tuy nhiên, qua rà soát theo bộ tiêu chí mới, năm 2022, xã chỉ còn đạt 7/19 tiêu chí, do tiêu chuẩn đạt các tiêu chí tăng lên. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã đang thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đúng kế hoạch vào năm 2025.
Là xã vùng 3, Púng Bánh có 13/13 bản đặc biệt khó khăn; sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu để phục vụ sinh hoạt của gia đình. Xã có trên 15.000 ha đất tự nhiên, trong đó gần 2.200 ha đất sản xuất nông nghiệp, phần lớn là đất đồi núi dốc, ít màu mỡ, còn lại là đất lâm nghiệp. Từ năm 2018 đến nay, bà con đã chuyển đổi trên 150 ha diện tích sang trồng cây ăn quả, nhưng do thiếu nguồn nước tưới, nhân dân chưa đầu tư chăm sóc, nên cây trồng phát triển chậm. Cùng với đó, do ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ, gần 10 ha ruộng ở các bản Púng, Liềng, Cọ, Lầu ven suối Nậm Ban thường bị ngập nặng...
Ông Mùa A Sạ, Trưởng bản Phá Thóng, chia sẻ: Từ trước đến nay, nhân dân trong bản thâm canh 25 ha lúa nương, năng suất lúa phụ thuộc vào thiên nhiên, thu nhập bấp bênh, nên cuộc sống rất khó khăn. Hiện nay, 48/50 hộ dân trong bản đều là hộ nghèo. Do kinh tế khó khăn, nên việc đóng góp để xây dựng đường giao thông nông thôn còn hạn chế. Phá Thóng khó có thể hoàn thành tiêu chí giao thông nếu như không có nguồn hỗ trợ của Nhà nước.
Hiện nay, xã Púng Bánh mới đổ bê tông được 3,9/10,9 km đường trục chính của các bản trong xã, còn lại đều là đường đất. Mặc dù hàng năm các tuyến đường này đều được nhân dân tu sửa, nhưng do không được bê tông hóa, nên mùa mưa thì lầy lội, mùa khô thì bụi mù, ảnh hưởng đến việc đi lại và vận chuyển hàng nông sản. 18,6/21,8 km đường trục chính nội đồng cũng chưa được cứng hóa.
Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Púng Bánh, cho biết: Với phương châm dễ làm trước, khó làm sau, xã đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện giải quyết những khó khăn trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, xây dựng kế hoạch cụ thể đối với từng tiêu chí. Thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn vốn, nguồn lực của địa phương, các nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, huyện, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu. Hiện nay, trên địa bàn xã đang thi công xây dựng 1 nhà văn hóa xã, 5 nhà văn hóa bản, cùng nhiều công trình thủy lợi kiên cố khác.
Thực hiện đồng bộ giữa phát triển kinh tế với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, coi đây là nguồn lực quan trọng và trực tiếp để giải quyết tiêu chí về thu nhập, giảm tỉ lệ hộ nghèo. Với chủ trương này, xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Tiếp tục vận động nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn cây trồng có giá trị kinh tế cao và đảm bảo hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Năm 2023, xã duy trì trồng và chăm sóc 695 ha cây lương thực có hạt, trồng 823 ha sắn. Trồng mới 24,6 ha cây ăn quả, nâng diện tích cây ăn quả lên trên 500 ha, gồm: Xoài, cam, bưởi, nhãn chín muộn... Nhiều hộ dân thực hiện thâm canh tăng vụ qua việc trồng các loại lạc, khoai và rau màu trên ruộng một vụ tại các bản Bánh, Khá Nghịu, Liền Ban, giúp tăng thu nhập trên diện tích đất canh tác... Trong chăn nuôi, tiếp tục định hướng phát triển mô hình trang trại, gia trại theo hướng sản xuất hàng hóa; trồng gần 60 ha cỏ voi, làm nguồn thức ăn chăn nuôi hơn 5.600 con trâu, bò, 185 con ngựa.
Năm 2023, xã Púng Bánh đặt mục tiêu hoàn thành 2 tiêu chí: Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; giáo dục và đào tạo. Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 HTX chăn nuôi bò Đại Việt, HTX nông nghiệp Anh Chu, hoạt động hiệu quả. Tiếp tục xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững, xã chỉ đạo các bản sớm thành lập tổ khuyến nông cộng đồng, tham gia tư vấn hỗ trợ phát triển HTX, tổ hợp tác. Xã đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện hướng dẫn, tiến hành kiện toàn Trung tâm học tập cộng đồng xã. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách Trung tâm. Thường xuyên khảo sát, tìm hiểu nhu cầu học tập của nhân dân để xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở.
Trong quá trình thực hiện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Púng Bánh tiếp tục đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh tổng hợp các nguồn lực, quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu cán đích nông thôn mới trong năm 2025.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!