Phổng Lăng chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất

Tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, quy định hình thức tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn được đánh giá là tiêu chí quan trọng, có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tiêu chí này, xã Phổng Lăng, huyện Thuận Châu, đang gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Giọng nữ
Cán bộ xã Phổng Lăng, huyện Thuận Châu, trao đổi kỹ thuật trồng cây cà phê với nông dân bản Thái Cóng.

Phổng Lăng có 12 bản, 1.223 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo còn 26,62%. Tổng diện tích tự nhiên của xã có hơn 1.612 ha, trong đó, trên 507 ha đất nông nghiệp, 927 ha đất lâm nghiệp, 38,53 ha đất chuyên dùng và 139 ha đất khác. Sau hơn 13 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã đạt 8/19 tiêu chí, gồm: Thủy lợi, điện, trường học, cơ sở hạ tầng thương mại, nhà ở dân cư, lao động, giáo dục và đào tạo, quốc phòng và an ninh. Năm 2024, xã phấn đấu hoàn thành tiêu chí số 13.

Trao đổi về nội dung này, ông Quàng Văn Xiến, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Mặc dù có nhiều thế mạnh về trồng trọt, chăn nuôi, nhưng nông dân chủ yếu sản xuất theo phương thức truyền thống, chưa hình thành được vùng chuyên canh hàng hóa, chất lượng cao. Trước khó khăn đó, xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu trong tiêu chí số 13. Thành lập tổ khuyến nông cộng đồng, có nhiệm vụ tư vấn, xây dựng các mô hình điểm, kết nối tiêu thụ sản phẩm; tuyên truyền, vận động các hộ liên kết thành lập HTX.

 Nông dân bản Thái Cóng, xã Phổng Lăng, huyện Thuận Châu chăm sóc mít ruột đỏ.  

Trong thực hiện, xã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong hỗ trợ hội viên, đoàn viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn với các phong trào thi đua, như: “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”... thu hút đông đảo hội viên, đoàn viên tham gia. Đến nay, nhân dân trong xã đã chuyển đổi 65 ha ngô, sắn sang trồng cà phê, cây ăn quả, phấn đấu năm 2024, trồng mới thêm 10 ha cây cà phê; thâm canh hơn 100 ha lúa lai và gần 12 ha rau màu; khoanh nuôi bảo vệ hơn 731 ha rừng. Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, với gần 60.400 con gia súc, gia cầm; trồng gần 40 ha cỏ voi phục vụ chăn nuôi.

Sử dụng nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2023 đến nay, xã được hỗ trợ xây dựng 1,5 ha cây thanh long, mít ruột đỏ tại bản Còng, Thái Cóng, Lăng Nọi. Tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, với tổng dư nợ trên 47 tỷ đồng... Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Bản Còng có 156 hộ, trước đây thu nhập chủ yếu dựa vào trồng ngô, lúa. Vài năm trở lại đây, bà con tập trung trồng cỏ voi, nuôi gia súc theo hướng nhốt chuồng; chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn sang trồng cây cà phê. Ông Tòng Văn Chỉnh, Bí thư chi bộ, Trưởng bản, cho biết: Ban quản lý bản cùng với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân liên kết thành lập các tổ sản xuất, chăn nuôi. Thời điểm này, bản đang thống kê, tổng hợp danh sách các hộ có nguyện vọng tham gia tổ sản xuất, chăn nuôi; dự kiến trong quý III/2024 sẽ ra mắt mô hình.

Nông dân bản Còng, xã Phổng Lăng, huyện Thuận châu phát triển chăn nuôi gia súc.

Năm 2021, gia đình ông Lò Văn Dong, bản Thái Cóng, được huyện hỗ trợ 60% kinh phí trồng gần 1 ha mít ruột đỏ. Cùng với đó, gia đình đầu tư trồng 5.000 m2 thanh long. Đến nay, gia đình có 1,5 ha thanh long, mít ruột đỏ, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ông Dong chia sẻ: Qua tìm hiểu, tôi thấy việc liên kết trong sản xuất theo chuỗi năng suất và nâng cao giá trị sản phẩm. Tôi sẽ tham gia HTX trồng cây ăn quả để được hướng dẫn quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm.

Chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất, xã Phổng Lăng đang tiếp tục rà soát, vận động phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, gia trại, trang trại khép kín. Đồng thời, chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng cây cà phê, thanh long, mít. Lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, góp phần hoàn thành tiêu chí về thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới