Trung tuần tháng 3, chúng tôi về Nam Phong, xã thuộc vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, cách trung tâm huyện Phù Yên hơn 55 km, được nghe câu chuyện về những “tuyến đường đồng thuận”, được hoàn thiện từ việc vận động bà con góp tiền, hiến đất, vận dụng linh hoạt việc sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng làm đường giao thông nông thôn của cấp ủy, chính quyền nơi đây.
Thống nhất ý chí
Đi trên con đường đổ bê tông rộng rãi, sạch đẹp, ông Mùi Văn Nguyễn, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Đá Mài, tự hào: Đá Mài là một trong những bản tiên phong làm đường của xã Nam Phong. Hiện nay, 100% tuyến đường của bản đã được đổ bê tông và đưa vào sử dụng. Mặc dù bản còn nợ trên 800 triệu đồng với đơn vị thi công, nhưng dân bản đã họp bàn và đoàn kết, thống nhất sẽ đóng góp một phần, còn lại sẽ dùng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hằng năm để chi trả. Dự kiến, khoản nợ sẽ thanh toán xong trong 5 năm tới. Dân bản ai cũng vui mừng phấn khởi, vì có những tuyến đường bê tông sạch, đẹp.
Tiếp tục đến bản Suối Vẽ, cách trung tâm xã hơn 10 km, phong trào làm đường giao thông nơi đây cũng được nhân dân ủng hộ cao. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, đến nay, các tuyến đường nội bản và tuyến đường dài 3 km từ bản về xã được đổ bê tông kiên cố.
Anh Lờ A Páo, bản Suối Vẽ, phấn khởi: Chúng tôi rất vui khi các tuyến đường nội bản được đổ bê tông, đưa vào sử dụng, nhân dân đi lại rất thuận lợi. Nhất là đường từ nhà lên khu đất sản xuất của bản được bê tông hóa, nên việc vận chuyển nông sản về nhà không còn vất vả như trước nữa. Cùng với số tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm của bản, bà con sẵn sàng tiếp tục đóng góp, đổ bê tông nốt đoạn đường còn lại từ xã về bản.
Cũng với cách làm trên, các bản khác của Nam Phong đã và đang thực hiện bê tông hóa các tuyến đường, không chỉ tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, còn tạo diện mạo nông thôn mới của xã ngày một khởi sắc.
Linh hoạt cách làm
Qua những câu chuyện với nhân dân các bản trong xã, chúng tôi phần nào hiểu được quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và bà con nơi đây trong việc đổ bê tông các tuyến đường giao thông. Trước đây, 100% các tuyến đường giao thông nội bản, cũng như đường từ các bản về trung tâm xã đều là đường đất. Vào mùa mưa, muốn về trung tâm xã, nhân dân các bản chỉ có cách duy nhất là “cuốc bộ”; trời nắng thì mịt mù bụi đất, mùa mưa trơn trượt, mặt đường lồi lõm “ổ trâu, ổ voi”, không “cứng” tay lái rất dễ bị ngã xe. Đến mùa thu hoạch nông sản, các gia đình phải huy động người già, người trẻ lên nương gánh nông sản về nhà.
Đồng chí Mùi Văn Tha, Bí thư Đảng ủy xã Nam Phong, cho biết: Giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí khó thực hiện, đòi hỏi sự đầu tư lớn về kinh phí và nguồn lực. Trong khi đó, đời sống của nhân dân còn khó khăn, việc huy động nguồn lực trong dân để làm đường hạn chế. Giải bài toán này, Đảng ủy xã đã họp bàn và đưa ra chủ trương và chỉ đạo UBND xã, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của xã bàn bạc với nhân dân các bản, vận dụng linh hoạt việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả hằng năm trên 582 triệu đồng để làm đường giao thông. Đây là việc làm chưa có trong tiền lệ, nên cần bàn bạc thấu đáo và thống nhất cao trong cả hệ thống chính trị. Cùng với đó, vận động nhân dân trong xã và những lao động đi làm ăn xa quê đóng góp với mức 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng/hộ để làm đường.
Trò chuyện với bà con, chúng tôi hiểu thêm về cách làm đường giao thông của Nam Phong. Trên cơ sở khối lượng xi măng được Nhà nước cấp hằng năm, xã phân bổ cho các bản đăng ký làm đường từ đầu năm. Theo đó, phương án được đưa ra là ưu tiên làm những đoạn đường có số lượng người qua lại thường xuyên và các tuyến nội bản trước, các tuyến đường dẫn lên khu sản xuất làm sau. Chiều rộng tất cả các tuyến đường phải đảm bảo rộng 3 m, để thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản. Các bản thực hiện chi trả trước 50% tiền cát sỏi; số tiền còn lại, UBND xã đứng ra bảo lãnh với các đơn vị thi công, lấy tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và nhân dân đóng góp để trả dần trong các năm tiếp theo.
Quá trình triển khai thi công các tuyến đường, Đảng ủy xã Nam Phong còn thành lập các tổ công tác về các bản, vận động nhân dân hiến đất làm đường và công khai các diện tích đất đo đạc trên hệ thống loa truyền thanh của xã, của bản; chỉ đạo các bản thành lập tổ tham gia giám sát, bảo đảm thi công công trình đúng tiến độ, đạt chất lượng. Việc làm đường thực hiện đúng nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, nên nhận được sự đồng thuận rất cao của bà con.
Những tuyến đường “ý Đảng, lòng dân”
Cởi mở khi nói về việc triển khai làm đường giao thông tại bản, ông Lờ A Páo, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Suối Vẽ, cho hay: Trước khi triển khai làm đường, Chi bộ, Ban quản lý bản đã tổ chức họp, bàn bạc, thảo luận, thống nhất với nhân dân về việc sử dụng nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hằng năm của bản để làm đường. Cùng với đó, các đảng viên tích cực tuyên truyền việc làm này cho người thân trong gia đình và bà con trong bản. Qua đó, tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao, bởi nhân dân đều nhận thức được rằng, có con đường bê tông sẽ tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội. Đến nay, bản đã đổ bê tông được 5/6 tuyến đường nội bản với chiều dài trên 3 km. Điều mừng nữa là, qua việc sử dụng hiệu quả nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con hiểu thêm về lợi ích của rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, với mong muốn sống được bằng nghề rừng.
Gia đình ông Đinh Văn Hà, bản Mó Sách, có con đi làm công nhân ở tỉnh Hưng Yên, hằng tháng gửi tiền về để ông bà trang trải cuộc sống và tiết kiệm khi có việc cần chi tiêu. Ông Hà nói: Khi ban quản lý bản vận động ủng hộ tiền làm đường, tôi đã trích 1 triệu đồng tiền tiết kiệm của gia đình để ủng hộ. Tôi nghĩ rằng, có con đường bê tông, nông sản của bà con làm ra sẽ được ô tô vào tận nơi thu mua với giá cao hơn trước. Như vậy, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân sẽ ngày một nâng cao.
Khi tuyến đường nội bản mở rộng lên 3 mét, đi vào phần diện tích đất vườn của gia đình ông Mùi Văn Tuyến, bản Đá Mài, khoảng 200 m2 đất vườn. Không chút băn khoăn, ông chủ động gặp Chi bộ, Ban quản lý bản, tự nguyện hiến 200 m2 đất để tuyến đường thẳng hơn, rộng hơn. Ông Tuyến nói: Đường đẹp, bản đẹp, thì gia đình tôi cũng đẹp; kinh tế ở bản phát triển thì gia đình tôi cũng khá giả theo. Vì vậy, nếu cần thêm đất làm đường tôi sẵn sàng hiến tiếp.
Hiện tại, xã Nam Phong có 80% số tuyến đường liên bản; 100% số tuyến đường nội bản với tổng chiều dài gần 30 km đã được đổ bê tông. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 12 tỷ đồng, trong đó đã trả 5 tỷ đồng, còn trên 7 tỷ đồng nợ các đơn vị thi công sẽ trả dần trong các năm tiếp theo. Kế hoạch chi trả được công khai với nhân dân trong toàn xã và bà con nhất trí, ủng hộ cao.
Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và linh hoạt trong triển khai việc làm đường giao thông nông thôn của cấp ủy, chính quyền xã, cùng sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, xã Nam Phong đang từng bước hoàn thành tiêu chí khó nhất trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Những tuyến đường của “ý Đảng, lòng dân” sẽ tạo động lực cho nhân dân Nam Phong có những bước tiến mới trong phát triển kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân khởi sắc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!